Chỉ thị nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hà Nội, các cấp ủy Đảng, Chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP đã tập trung lãnh đạo, triển khai tổ chức thực hiện bằng nhiều giải pháp cấp bách, phù hợp với thực tiễn, qua đó đẩy mạnh công tác an ninh, an toàn thực phẩm.
Những chuyển biến tích cực
Với sự sát sao đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm được tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, liên tục từ đó giúp nâng cao hơn nhận thức của các cấp quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm.
Hà Nội tiếp tục siết chặt an ninh, an toàn thực phẩm trong những tháng cuối năm. |
Ban Chỉ đạo về an toàn thực phẩm từ TP đến cơ sở được thành lập và hoạt động tích cực. Hệ thống quản lý tổ chức đang dần được hoàn thiện, từng bước củng cố, kiện toàn, phục vụ yêu cầu thực tế.
Theo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội, thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở.
Tính trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn TP đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm với việc thành lập hơn 600 đoàn thanh tra, kiểm tra để tập trung truy xuất nguồn gốc thực phẩm; đồng thời điều tra và phát hiện các vụ vi phạm, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.
Để đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm, trong những tháng cuối năm, Hà Nội sẽ tập trung kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn và kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu sắp tới.
Từ tháng 8, TP bắt đầu triển khai kế hoạch chuyên đề "Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn TP Hà Nội" đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Khắc phục những hạn chế
Dù đang có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, chỉ thị vừa ban hành cũng chỉ ra thực tế vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế, như nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm chưa đầy đủ; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư, chủ động khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trước hết là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP về ý nghĩa, tầm quan trọng của an toàn thực phẩm đối với đời sống xã hội, sức khỏe con người và phát triển KT-XH.
Chỉ thị cũng nhấn mạnh, mọi người dân có quyền được sử dụng thực phẩm an toàn và có nghĩa vụ bảo đảm an toàn thực phẩm. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn phải có trách nhiệm và uy tín bảo đảm an toàn thực phẩm để phục vụ đời sống của nhân dân.
An toàn thực phẩm luôn là vấn đề được TP Hà Nội chú trọng nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân. |
Thành ủy Hà Nội yêu cầu vận động các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhà cung cấp, phân phối và người tiêu dùng thực phẩm tự giác, gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; thay đổi hành vi, thói quen, cách sống mất vệ sinh, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền các cấp. Xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng hết sức quan trọng.
Chỉ đạo đưa các tiêu chí về đảm bảo an toàn thực phẩm vào chương trình hoạt động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, từng giai đoạn của địa phương. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm theo nhiệm vụ được giao trên địa bàn quản lý, theo lĩnh vực phụ trách.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm. Có chính sách thỏa đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm.
Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm…
Đông Phong