Đầu tháng 7 vừa qua, thành phố Hà Nội đã đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (đặt tại số 1 phố Kim Mã, quận Ba Đình). Qua đó, kỳ vọng sẽ góp phần tổ chức, quản lý điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả.
Chuyển biến tích cực
Trung tâm Điều hành giao thông thông minh là một trong những giải pháp quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về "Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, giao thông thông minh là một trong những nội dung quan trọng trong tổng thể.
Phát triển hệ thống giao thông thông minh là một trong những mục tiêu quan trọng của Hà Nội. |
Cũng trong thời gian qua, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã trình UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS) giai đoạn 1 trên địa bàn thành phố Hà Nội, thời gian thực hiện từ năm 2025 - 2027.
Theo tờ trình, ITS sẽ được triển khai theo phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin, chi phí ước tính khoảng 392 tỷ đồng cho giai đoạn 1 (từ năm 2025-2027), nguồn từ ngân sách Thành phố.
Cụ thể, việc triển khai đề án thành lập Trung tâm quản lý và điều hành giao thông TP.Hà Nội (nền tảng là Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng hiện nay) nhằm hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, triển khai thực hiện khai thác 9 chức năng ban đầu của hệ thống ITS, gồm: Hệ thống điều hành trung tâm; hệ thống camera giám sát và camera cầu vượt; hệ thống camera dò xe; hệ thống biển báo thông tin thay đổi; hệ thống kiểm tra trọng tải xe; hệ thống thu phí; hệ thống truyền dẫn kỹ thuật số; hệ thống điện thoại nội bộ; hệ thống cấp nguồn.
Đồng thời triển khai đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng trung tâm (số 1 Kim Mã) gồm một số hạng mục như: sửa chữa trụ sở; lắp đặt hệ thống máy chủ, hệ thống màn hình; hệ thống phần mềm lõi dùng chung; hệ thống phần mềm gắn với khai thác 9 chức năng nêu trên…
Kết nối giao thông thông minh
Đáng chú ý, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã xem xét thông qua Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội". Đây được đánh giá là đề án quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, Hà Nội đề xuất lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024-2026) là hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội.
Trong đó, bộ phận quản lý điều hành giao thông thông minh khai thác 9/12 chức năng, bao gồm giám sát giao thông, cung cấp thông tin giao thông, điều khiển giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, quản lý giao thông công cộng, quản lý đỗ xe, quản lý sự cố, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.
Phát triển hệ thống giao thông thông minh cần chính sách đặc thù, thu hút nhiều nguồn lực cùng đầu tư. |
Giai đoạn 2 (2027-2029) sẽ là mở rộng phạm vi, vùng hoạt động đối với 9 chức năng hiện hữu đã hình thành trong giai đoạn 1. Hoàn thiện, đưa vào khai thác vận hành đủ 12/12 chức năng theo yêu cầu của hệ thống giao thông thông minh (bổ sung 3 chức năng còn lại: Quản lý vận tải; quản lý nhu cầu (thu phí nội đô); mô phỏng giao thông). Tích hợp toàn bộ các hoạt động liên quan đến quản lý, điều hành giao thông Thành phố tại trung tâm.
Giai đoạn 3 (từ năm 2030) sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống giao thông thông minh Thành phố, kết hợp đồng bộ cùng sự phát triển của hạ tầng giao thông, tạo nên di chuyển thông minh trong thành phố thông minh, đưa Hà Nội trở thành có hệ thống quản lý, điều hành giao thông tiên tiến ngang tầm khu vực.
Hóa giải những điểm nghẽn
Mục tiêu đã rõ và lộ trình phát triển cũng đã được vạch ra, tuy nhiên, để hiện thực hóa thì thách thức là không ít. Phát triển hệ thống giao thông thông minh đòi hỏi nguồn lực rất lớn, từ đầu tư hạ tầng đến chuyển đổi sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường (điện, khí hóa lỏng)...
Theo GS. TS. Lê Hùng Lân, Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, phát triển hệ thống giao thông thông minh để giải quyết vấn đề giao thông đô thị là rất cấp thiết, song việc đầu tư gặp thách thức khi hạ tầng giao thông Hà Nội đang trong giai đoạn xây dựng, chưa hoàn thiện.
Tỷ lệ đất dành cho giao thông còn ít (chưa được một nửa so với yêu cầu). Vận tải hành khách công cộng chưa phát triển, chủ yếu dựa vào phương tiện xe buýt và mới đáp ứng chưa được 20%. Phương thức giao thông xanh (đi bộ, xe đạp, xe động cơ điện…) chưa phổ biến.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành giao thông chưa tập trung, nhiều đơn vị, tổ chức tham gia nhưng thiếu kết nối, chia sẻ. Dữ liệu giao thông chưa được chú trọng thu thập, tập trung xử lý, chia sẻ, dẫn đến hiệu quả khai thác không cao, lãng phí. Các ứng dụng giao thông thông minh ít, rời rạc, thiếu liên kết. Hạ tầng giao thông thông minh cũng chưa được hình thành, khung tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ đầu tư thiết bị giao thông thông minh chưa đầy đủ...
Chính vì vậy, cần thu hút nhiều nguồn lực ngoài chính phủ cùng tham gia vào hệ thống giao thông thông minh như: hệ thống quản lý xe buýt; hệ thống vé liên thông; hệ thống quản lý và thu phí bãi đỗ; hệ thống thu phí đường bộ; hệ thống bảng điện tử điều khiển giao thông; hệ thống đo đếm và phân tích lưu lượng xe lưu thông; hệ thống thu phí không dừng, hệ thống cân tự động; ứng dụng cung cấp thông tin giao thông cho người tham gia giao thông…
Thực tế, để thu hút khối kinh tế tư nhân tham gia vào Đề án giao thông thông minh của Thủ đô, Thành phố đã và sẽ có những cơ chế đặc thù về thuế, ưu đãi với thiết bị nhập khẩu, ưu đãi doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới vào vận hành hệ thống giao thông thông minh.
Tựu chung lại, muốn hiện thực hóa hệ thống giao thông thông minh bền vững, cần có quyết tâm chính trị của các cấp quản lý, cơ quan chức năng để từng bước đầu tư một cách bài bản, khoa học và có lộ trình chuyển đổi từ hệ thống hạ tầng, phương tiện giao thông đến khả năng sử dụng của đa số người dân. Các dự án cần được xây dựng minh bạch và tìm kiếm nhà đầu tư thông qua đấu thầu để thu hút nguồn lực xã hội.
Nam Phong