Nhằm đáp ứng tốt hơn tín dụng chính sách xã hội, giữa tháng 10, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 3418/ UBND-KGVX về tiếp tục triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Tín dụng chính sách tăng trưởng tích cực
Báo cáo của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 9/2022, tổng nguồn vốn hoạt động tại chi nhánh đạt 12.792 tỷ đồng, tăng 968 tỷ đồng so với năm 2021.
Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác của ngân sách thành phố đạt 5.634 tỷ đồng, tăng 926 tỷ đồng so với đầu năm; nguồn vốn nhận ủy thác của ngân sách quận, huyện, thị xã đạt 737 tỷ đồng, tăng 97 tỷ đồng so với đầu năm với 29/30 đơn vị cấp huyện đã chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Thủ đô đến 30/9/2022 đạt 12.746 tỷ đồng. |
9 tháng đầu năm 2022, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hà Nội đã giải ngân cho hơn 97.500 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Thủ đô đến 30/9/2022 đạt 12.746 tỷ đồng với hơn 253 nghìn khách hàng đang vay vốn, tăng 960 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 8,1%.
Tăng trưởng dư nợ tín dụng tập trung tại các chương trình: cho vay giải quyết việc làm tăng 1.366 tỷ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tăng 195 tỷ đồng, cho người sử dụng lao động vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP là 66 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 11), đến ngày 30/9, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hà Nội đã giải ngân hơn 110,3 tỷ đồng, cho 1.935 khách hàng vay vốn.
Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm 100 tỷ đồng với 1.724 khách hàng; cho vay nhà ở xã hội hơn 4,4 tỷ đồng với 6 khách hàng; cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến hơn 1,7 tỷ đồng với 177 học sinh sinh viên được vay vốn;…
Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2022, chi nhánh tiếp tục giải ngân cho 105 người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 38.905 người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ với số tiền 162 tỷ đồng.
Nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều hộ dân đã vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Trường hợp của bà Phạm Thị Xuân (phố Chính Kinh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) là một ví dụ điển hình. Theo đó, do hoàn cảnh gia đình, bà Xuân một mình nuôi con ăn học trong điều kiện bản thân không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh do sức khỏe yếu. Hai mẹ con nhiều năm sống trong căn nhà cũ, chỉ rộng vẻn vẹn hơn 10m2, điều kiện vật chất thiếu thốn. Gia đình nhiều năm liền luôn trong danh sách các hộ cận nghèo.
Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, tháng 7/2022, bà Xuân được tạo điều kiện vay 125 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách xã hội để sửa nhà, mua xe máy cho con trai có phương tiện làm công việc giao hàng. “Với tôi, nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ giúp cho người nghèo, đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, mà còn góp phần thay đổi cơ bản nhận thức, sử dụng vốn hiệu quả và cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống”, bà Xuân chia sẻ.
Ngày càng có nhiều hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn về tiếp tục triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Hiện, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cùng các địa phương đang tập trung thực hiện tín dụng chính sách xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông khẳng định, quận Hà Đông xác định triển khai tín dụng chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền được nâng lên nên hiệu quả triển khai chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”.
Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được triển khai đến 100% phường, tạo điều kiện cho đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn một cách thuận lợi, kịp thời. Từ đó góp phần giúp các hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, tạo điều kiện cho các em học tập tốt.
Đặc biệt, vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, góp phần thay đổi cơ bản nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bà Lê Thị Đức Hạnh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hà Nội cho biết: những tháng cuối năm 2022, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hà Nội sẽ tích cực tham mưu thành phố chuyển bổ sung 500 tỷ đồng ủy thác để cho vay. Tập trung giải ngân nguồn vốn tăng trưởng và vốn thu hồi, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2022, nhất là chỉ tiêu kế hoạch cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11.
Thanh Hoa