Kết quả thực hiện cho thấy, đến hết tháng 6/2022, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội là 10.777 tỷ đồng, đạt 21,1% kế hoạch được giao.
Vẫn khó khăn trong giải phóng mặt bằng
Trong đó, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn thực hiện các nhiệm vụ, dự án đầu tư cấp Thành phố đạt 18,3% kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân vốn các dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp Thành phố đạt 16,5%); tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cấp huyện đạt 23,4%.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chỉ rõ 4 nhóm tồn tại và nguyên nhân: Tồn tại, khó khăn vướng mắc từ nhiều năm; tồn tại, khó khăn và nguyên nhân mang tính đặc thù của kế hoạch đầu tư công năm 2022; tồn tại, khó khăn đặc thù về giải ngân đầu tư công của các tháng đầu năm; kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công.
Trong đó, UBND TP. Hà Nội thừa nhận, khó khăn trong công tác GPMB là vấn đề không mới nhưng vẫn rất nan giải trong việc thực hiện các dự án.
Hết 6 tháng/2022, mới có 6 dự án phê duyệt trong số 68 dự án được HĐND Thành phố Hà Nội thông qua chủ trương; 9 dự án mới được phê duyệt chủ trương trong số 33 dự án được giao nhiệm vụ. |
Trong số 140 dự án cấp Thành phố đã được giao kế hoạch vốn năm 2022 từ đầu năm, có tới 63 dự án các đơn vị báo cáo là khó khăn trong công tác GPMB, trong đó 56 dự án giao thông; lĩnh vực giao thông là lĩnh vực có tỷ trọng kế hoạch vốn lớn, là 9.249 tỷ đồng, chiếm 56,5% tổng số kế hoạch vốn phân bổ cho các dự án).
Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách (HĐND TP. Hà Nội) Hồ Vân Nga cho biết, hết 6 tháng mới có 6 dự án phê duyệt trong số 68 dự án được HĐND Thành phố thông qua chủ trương; 9 dự án mới được phê duyệt chủ trương trong số 33 dự án được giao nhiệm vụ.
Theo UBND Thành phố, đến nay, các đơn vị đã có nhiều cố gắng đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Tuy nhiên, ở một số đơn vị, công tác triển khai thực hiện còn hạn chế, chưa hiệu quả, thiếu quyết liệt, chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra; trách nhiệm trong phối hợp xử lý công việc và tổ chức thực hiện còn chưa chặt chẽ. Kỷ luật trong công tác đầu tư công chưa nghiêm nên vẫn có một số dự án triển khai chậm, không bảo đảm tiến độ thực hiện, dẫn đến giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đạt thấp, ảnh hưởng đến tình hình thực hiện kế hoạch của toàn thành phố.
Bên cạnh đó, do nhiều dự án phải thực hiện thiết kế 2 bước. Trong các tháng đầu năm chủ yếu tập trung lựa chọn đơn vị thiết kế, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nên chưa có khối lượng thanh toán.
Ngoài ra, do giá nguyên vật liệu biến động liên tục và tăng cao, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, gồm cả các dự án cấp Thành phố và các dự án cấp huyện đều chưa đảm bảo tiến độ, dẫn đến chậm hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; chậm có dự án đủ điều kiện bố trí vốn năm 2022, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân.
Phấn đấu giải ngân đạt trên 90% kế hoạch vốn năm 2022
Trong bối cảnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đã yêu cầu UBND Thành phố chỉ đạo tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức cao nhất.
Yêu cầu của Bí thư Thành ủy Hà Nội đặt ra là Thành phố phấn đấu giải ngân đạt trên 90% kế hoạch vốn năm 2022.
Theo đó, kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được, hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, các dự án có khả năng giải ngân tốt… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nói rằng, để thúc đẩy thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và thúc đẩy tỷ lệ giải ngân năm 2022, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, thực hiện đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, trọng tâm là: Phê duyệt dự án, phê duyệt điều chỉnh dự án, phê duyệt điều chỉnh giá gói thầu...
Xác định việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND về tăng cường thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Những tháng cuối năm, cùng với tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định từ đầu năm, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu tăng cường hoạt động một cách quyết liệt và thực chất hơn của 6 tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Giám đốc các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thành phố; các chủ đầu tư dự án cần tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch trong thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Cùng với đó, các chủ đầu tư phải nghiên cứu các giải pháp có tính căn cơ, tính đột phá để giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 và năm 2021 kéo dài của các dự án được giao (đạt tỷ lệ 100%) theo quy định của Luật Đầu tư công.
Các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư xác định rõ nguyên nhân, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan trong việc triển khai thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch vốn không đạt trên 90% kế hoạch.
Đức Anh