Từ ngày 25/7, TP. Hà Nội áp dụng Quyết định số 2583/QĐ -UBND về việc phê duyệt 11 quy trình nội bộ mới, 2 quy trình thay thế trong giải quyết thủ tục hành chính đối với lĩnh vực môi trường; đồng thời, bãi bỏ 11 quy trình nội bộ ở lĩnh vực này.
Giảm số lượng thủ tục hành chính
Theo đó, Thành phố đang tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu trở thành 1 trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử vào năm 2025. Chính vì vậy, thời gian qua các Sở, ban ngành trên địa bàn tích cực triển khai công tác.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, xác định công tác cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng và là khâu đột phá nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ở lĩnh vực tài nguyên và môi trường, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đạt được kết quả khả quan.
Hà Nội đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. |
Sở đã chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, đánh giá, đơn giản hóa thủ tục hành chính với nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thể chế hành chính; cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; hiện đại hóa hành chính; công bố, công khai thủ tục hành chính…hướng đến mục tiêu công khai, minh bạch thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả và sự minh bạch của bộ máy hành chính.
Theo Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, không chỉ cắt giảm 30-50% thời gian thực hiện thành phần hồ sơ tại các thủ tục, công tác tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, bố trí cán bộ, lãnh đạo trực "đường dây nóng”, tiếp công dân, hướng dẫn công dân kê khai, hoàn thiện hồ sơ, nâng cấp trang thiết bị hiện đại… cũng đã đáp ứng nhu cầu làm việc, giải quyết khối lượng hồ sơ lớn, đặc biệt, tạo bước chuyển quan trọng trong giải quyết công việc giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp.
Ghi nhận tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại quận, huyện, thị xã, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký đất đai tại bộ phận “một cửa” thực hiện khá tốt.
Bà Cao Thị Huyền, phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) cho biết: “Khi đến làm thủ tục tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, tôi được hướng dẫn chu đáo, tại các quầy tiếp nhận hồ sơ còn được trang bị máy lấy số, máy tra cứu hồ sơ giúp cho công tác tiếp nhận hồ sơ nhanh chóng, văn minh…”.
Anh Nguyễn Văn Sơn (huyện Đông Anh) chia sẻ: “Tôi đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đông Anh giải quyết thủ tục liên quan đến đất đai nhận thấy quy trình giải quyết hồ sơ từ khâu nhỏ nhất đều thực hiện trên phần mềm máy tính và được cán bộ hướng dẫn rất nhiệt tình và tiến độ giải quyết công việc luôn đúng thời hạn”.
Nhiều lĩnh vực trong công tác cải cách thủ tục hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường được thành phố đánh giá cao. Cụ thể, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chỉ còn 12 ngày làm việc, giảm 3 ngày so với trước đây; thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày, lĩnh vực đo đạc bản đồ giảm từ 15 ngày xuống còn 7 ngày làm việc…
Không ngừng đổi mới, nâng cao trách nhiệm
Từ những hiệu ứng tích cực, Hà Nội tiếp tục bãi bỏ 11 quy trình nội bộ ở lĩnh vực tài nguyên môi trường. Cụ thể, trong số 11 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực môi trường bị bãi bỏ có 8 quy trình thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường, 2 quy trình cấp huyện và 1 quy trình cấp xã.
Trước áp lực về thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm tương đối nhiều so với trước đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai đồng bộ các giải pháp để hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, đòi hỏi sự nỗ lực cao của cán bộ, công chức, viên chức từ thành phố đến cấp huyện, xã.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường cho biết, mục tiêu đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030, ngành Tài nguyên và Môi trường phấn đấu 100% dịch vụ công được đưa lên trực tuyến mức độ 3, 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động, tạo thuận lợi cho người dùng.
Ngoài ra, 100% báo cáo tổng hợp, định kỳ và báo cáo thống kê của Sở thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên trục tích hợp chung với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ngành phấn đấu 80% cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Trong đó, cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu trên địa lý quốc gia sẵn sàng kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đối số, cải cách thủ tục hành chính, Sở Thông tin và Truyền thông đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn Sở Tài nguyên và Môi trường tích hợp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 vào hệ thống chung của thành phố. Mục tiêu trong năm 2022 sẽ đưa 20 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công thành phố và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Huyền Anh