Thống kê cho thấy, trong số 4.538 trường học có bếp ăn bán trú, căng tin tại Hà Nội có 3.736 trường khối mầm non, 535 trường tiểu học, 200 trường THCS và 67 trường THPT. Số trường tự tổ chức nấu ăn, chiếm 87%; 484 trường còn lại liên kết ký hợp đồng với nhà thầu và 87 trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn đưa từ bên ngoài vào (trung bình khoảng 480 - 500 suất ăn/ngày/trường).
Phân cấp kiểm tra, giám sát
Theo đánh giá của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại các bếp ăn tập thể trường học đã được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, phối hợp quản lý chặt chẽ nên điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các bếp ăn đã được đầu tư bài bản, hiện đại hơn. Đặc biệt, nhận thức và kỹ năng thực hành ATTP của người chế biến tại bếp ăn tập thể cũng được nâng cao.
Đảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú cho học sinh từ khâu cung cấp nguyên liệu đến chế biến tại các bếp ăn tập thể trường học (Ảnh: Int) |
Tuy nhiên, vấn đề ATTP tại các bếp ăn phục vụ các trường học vẫn còn nhiều hạn chế. Nổi cộm là vấn đề nguồn gốc thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ; một số nhân viên trực tiếp tham gia chế biến hoặc người phục vụ còn thiếu ý thức trong thực hành ATTP. Tại một số bếp ăn, các dụng cụ đựng chất thải không có nắp đậy, không được vận chuyển thu dọn hằng ngày...
Số liệu từ Sở Y tế Hà Nội cho thấy, từ năm 2010 - 2021, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 640 người mắc, không có trường hợp tử vong, trong đó có 8 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học, chiếm tỷ lệ 47,1% số vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể. Nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật (chiếm trên 40%).
Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 4.538 trường học có bếp ăn bán trú, căng tin, trung bình cung cấp hơn 117.000 suất ăn mỗi ngày. Do số lượng các bếp ăn lớn, đơn vị sẽ khó phát hiện được cơ sở vi phạm.
Vì vậy, Chi cục trưởng Đặng Thanh Phong cho biết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã phân cấp đối với tuyến quận, huyện, quản lý bếp ăn ở các trường THPT, tiểu học, mầm non. Nếu phát hiện cơ sở vi phạm sẽ xử lý dựa vào các quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Đáng chú ý, các cơ sở không lưu mẫu thức ăn sẽ bị xử phạt hành chính tới 8 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội chưa phát hiện cơ sở nào vi phạm.
“Hiện nay, đã có 10 quận, huyện và 215 trường tham gia mô hình kiểm soát ATTP tại bếp ăn tập thể. Sau khi tham gia được 1 học kỳ (học kỳ 2 năm học 2021 - 2022), các trường đã tiến hành kiểm tra, đánh giá. Đến cuối năm học 2022 - 2023, nếu mô hình hoạt động tốt, hiệu quả, Chi cục sẽ tham mưu UBND TP Hà Nội nhân rộng mô hình này”, ông Phong nói.
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, để mô hình này hoạt động tốt hơn, hiệu trưởng các trường, trung tâm y tế địa phương cần thường xuyên tham mưu UBND quận về công tác kiểm tra, giám sát định kỳ. Thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở vi phạm.
Nhân rộng mô hình kiểm soát ATTP
Để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, trong năm 2022 và 2023, Sở Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch mô hình kiểm soát ATTP tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, triển khai mô hình này, ngành chức năng sẽ tổ chức, triển khai, giám sát, tư vấn công tác bảo đảm ATTP đối với bếp ăn tập thể trường học theo các quy định của pháp luật (có sổ theo dõi kết quả kiểm tra của từng trường).
Trong đó, sẽ tập trung vào nội dung quan trọng như: kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu, có sổ ghi chép nguồn gốc thực phẩm. Nguồn gốc thực phẩm phải lấy tại các cơ sở có giấy đăng ký sản xuất, kinh doanh thực phẩm, được cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm soát về ATTP... Địa chỉ nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm niêm yết công khai tại trường. Đơn vị sẽ xét nghiệm nhanh 100% cơ sở kiểm tra và lấy mẫu gửi xét nghiệm khi cần thiết (đối với một số thực phẩm xét nghiệm nhanh dương tính và một số thực phẩm không rõ nguồn gốc nghi ngờ không bảo đảm ATTP). Việc kiểm tra giám sát công tác bảo đảm ATTP tại bếp ăn tập thể trường tiểu học được triển khai đột xuất hoặc định kỳ theo tháng, quý, năm (tối thiểu 4 lần/năm/trường).
Với mô hình này, Sở Y tế Hà Nội đặt ra mục tiêu 100% bếp ăn tập thể trường tiểu học được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ký cam kết trách nhiệm bảo đảm ATTP. 100% người lãnh đạo quản lý, người chế biến, người kinh doanh, cô nuôi tại các trường tiểu học xây dựng mô hình được bồi dưỡng kiến thức về ATTP; 100% bếp ăn tập thể trường tiểu học được kiểm tra, giám sát theo quy định; 100% bếp ăn tập thể tại các trường thành lập tổ tự giám sát ATTP, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Một nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch này là thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về ATTP, bảo đảm 100% các vụ ngộ độc được điều tra xử lý kịp thời, không để tử vong do ngộ độc thực phẩm. Có thể truy xuất nguồn gốc gây ra ngộ độc thực phẩm, cảnh báo kịp thời nguy cơ ô nhiễm của các thực phẩm nghi ngờ. Việc triển khai mô hình này tại các trường tiểu học ở 10 quận, huyện sẽ là cơ sở để nhân rộng tại các bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn.
Quận Hoàn Kiếm là một trong những địa bàn đã triển khai mô hình kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể tại các trường Nguyễn Du, Trần Quốc Toản. Theo đó, các trường tự làm xét nghiệm nhanh hàng ngày, lấy mẫu thực phẩm gửi Phòng Y tế quận. Mô hình kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể cũng đang được triển khai tại 14 trường trên địa bàn.
Theo đó, Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm đã đề nghị các trường ký cam kết về ATTP, thành lập các Ban chỉ đạo gồm Ban giám hiệu, đại diện Phòng y tế, đại diện cha mẹ học sinh. Nhà trường khi tổ chức các chuyến đi dã ngoại, tham quan cho học sinh đều phải yêu cầu cơ sở điểm đến cung cấp danh sách thực phẩm, bảo đảm ATTP.
Đặc biệt, Phòng Y tế quận thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra định kỳ ít nhất 1 năm/lần; thực hiện xét nghiệm nước 6 tháng/1 lần; kiểm tra các đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống xung quanh nhà trường, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Một vấn đề được các nhà trường chú trọng và phụ huynh học sinh quan tâm là nhà trường công khai đơn vị cung cấp suất ăn, đảm bảo suất ăn đúng thực đơn; tạo điều kiện để phụ huynh tham gia giám sát chất lượng bữa ăn. Nhà trường cũng phối hợp với phụ huynh kiểm tra thực tế nguồn gốc nguyên liệu của đơn vị phục vụ suất ăn bán trú, từ đó đánh giá năng lực, lựa chọn đơn vị có uy tín cung cấp suất ăn tại trường.
Hiện nay, nhiều trường đã thành lập Ban kiểm tra, tiếp nhận thực phẩm bán trú. Căn cứ thực đơn, danh mục lương thực, thực phẩm, hàng ngày, Ban kiểm tra, tiếp nhận thực phẩm kiểm tra về số lượng, chất lượng thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm ghi trên bao bì, nhãn mác. Nhân viên y tế nhà trường test nhanh các mẫu thực phẩm theo hướng dẫn trước khi đưa vào chế biến; kiểm tra việc chia thực phẩm sau khi chế biến thành các suất ăn; thực hiện lưu nghiệm thức ăn theo quy định, đảm bảo đúng 1 suất ăn, lưu nghiệm đủ 24 giờ nhằm chủ động trong công tác phòng, chống ngộ độc thức ăn...
Nhiều trường cũng đã tăng cường đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng bếp ăn tập thể, trang thiết bị chế biến thực phẩm. Nguồn nước ăn cũng được xét nghiệm định kỳ và đảm bảo các thông số theo đúng quy định. Các nguồn nước được kiểm tra chất lượng, bể chứa nước được vệ sinh ít nhất 6 tháng/lần theo quy định…
Phương Linh