Dự án Phát triển bền vững TP. Đà Nẵng gồm 5 hợp phần. Hợp phần 1: Cải thiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải; Hợp phần 2: Hệ thống BRT thí điểm; Hợp phần 3: Các đường chiến lược đô thị; Hợp phần 4: Tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện dự án; Hợp phần 5: Các hạng mục được chuyển từ Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên (PIIP).
Cầu đi bộ bắc qua đường Nguyễn Tri Phương, có lối đi bộ dẫn xuống dải phân cách giữa hai làn đường để phục vụ hệ thống xe buýt nhanh BRT của TP. Đà Nẵng, nhưng đóng cửa từ khi xây dựng năm 2018 đến nay, không đưa vào khai thác. |
Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu và bổ sung là 358,319 triệu USD (trong đó vốn vay của WB 274,954 triệu USD, vốn đối ứng của TP. Đà Nẵng 83,365 triệu USD), do UBND TP. Đà Nẵng làm cơ quan chủ quản, BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng làm chủ đầu tư kiêm điều hành dự án. Theo ký kết hợp đồng vay vốn ODA với WB, dự án sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2021. Đến thời điểm này, các hợp phần 1, 3 và 4 của dự án đã cơ bản hoàn thành từ 92 – 98%, hợp phần 5 đã hoàn thành 100%.
Riêng hợp phần 2 thí điểm BRT chỉ mới đạt 33% khối lượng, hiện đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng cho xe buýt trợ giá, chưa hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống vé thông minh, hệ thống tín hiệu giao thông ưu tiên và cải tạo lại các nút tổ chức giao thông còn lại, các nhà chờ trên dải phân cách để phù hợp với cơ sở hệ thống BRT.
Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh, hợp phần 2 là hợp phần quan trọng để phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt, với nội dung thí điểm hệ thống xe buýt nhanh (gồm 1 tuyến xe buýt BRT và 2 tuyến bổ trợ kết nối du lịch tại Hội An và Bà Nà). Sau khi dự án được phê duyệt năm 2013, tất cả 08 gói thầu của hợp phần này đã được phê duyệt bản vẽ thi công, triển khai đấu thầu, ký hợp đồng và thi công 6 gói thầu từ năm 2016 – 2018. Riêng 2 gói thầu 2.1a và 2.5 đã ký hợp đồng song chưa triển khai thi công.
Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá công tác quản lý, vận hành xe buýt đô thị trợ giá đưa vào hoạt động từ năm 2017 của Sở GTVT Đà Nẵng cho thấy việc đưa xe buýt nhanh BRT thí điểm vào vận hành trong giai đoạn này sẽ có những bất cập do dự báo lượng hành khách tính toán của BRT chưa đạt yêu cầu, chưa có bãi đỗ xe cá nhân, thói quen tham gia giao thông công cộng của người dân chưa cao…
Từ thực tế nêu trên, báo cáo với HĐND, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng nhận định việc triển khai hệ thống BRT ở thời điểm này chưa mang hiệu quả xã hội cao, chưa thực hiện được mục tiêu chống ùn tắc giao thông trên địa bàn cũng như tăng số lượng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
“Trong khi đó, chi phí trợ giá BRT sẽ tăng cao hơn nhiều so với trợ giá xe buýt thường và kéo dài, tạo gánh nặng cho ngân sách và phản ứng dư luận xã hội không tốt về hiệu quả đầu tư. Đồng thời trên hành lang tuyến BRT cũng đang có tuyến xe buýt trợ giá R16 vận hành” – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay.
Vì vậy, tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP. Đà Nẵng đã thống nhất thông qua để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không gia hạn Hiệp định tín dụng với WB đối với dự án Phát triển bền vững TP. Đà Nẵng (kết thúc nguồn vốn vay ODA vào ngày 30/6/2021). Gia hạn thời gian thực hiện dự án này (sử dụng nguồn vốn đối ứng của TP Đà Nẵng) đến ngày 30/12/2022 để tiếp tục thi công hoàn thành toàn bộ các hạng mục thuộc Hợp phần 1, Hợp phần 3 và một số hạ tầng cơ bản của Hợp phần 2, và nghiệm thu, bàn giao toàn bộ dự án.
Đối với Hợp phần 2, HĐND TP. Đà Nẵng cũng thống nhất giảm mức độ đầu tư, tạm ngưng triển khai đấu thầu và thi công các công trình, hạng mục mới liên quan đến BRT (hệ thống vé, giao thông thông minh, tín hiệu giao thông ưu tiên, tổ chức giao thông tại các nút, nhà chờ dải phân cách, nhà chờ trên vỉa hè ưu tiên phục vụ cho xe buýt nhanh…). Chỉ tiếp tục triển khai thi công một số hạ tầng cơ bản của xe buýt trợ giá để đảm bảo hoàn thành toàn bộ các điểm đầu cuối phục vụ cho 12 tuyến buýt trợ giá.
Như vậy, sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án Phát triển bền vững TP. Đà Nẵng sẽ giảm từ 358,319 triệu USD xuống còn 267,50 triệu USD. Trong đó, vốn vay của WB giảm từ 274,954 triệu USD xuống còn 160,5 triệu USD; vốn đối ứng tăng từ 83,365 triệu USD lên 107 triệu USD.
Hải Châu