Mở tiếp đường Đống Đa nối vào đường Lê Duẩn
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã có Quyết định số 359/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong nội dung điều chỉnh có nêu: “Trong khu vực trung tâm TP, quy hoạch tuyến đường Lê Duẩn kết nối với đường Đống Đa tạo tuyến trục liên thông từ đường Điện Biên Phủ đến đường 3/2”.
Đường Đống Đa sẽ được mở tiếp theo hướng này để nối vào đường Lê Duẩn, tạo thành trục giao thông Điện Biên Phủ - Lê Duẩn – Đống Đa - 3/2 - hầm qua sông Hàn. |
Ba tuyến đường Điện Biên Phủ, Lê Duẩn và Đống Đa đều là các trục đường huyết mạch ở khu vực trung tâm TP Đà Nẵng. Nằm trên địa bàn quận Thanh Khê, ở phía Tây Bắc TP, đường Điện Biên Phủ (dài 3km, rộng 48m, với điểm đầu là ngã ba Huế, điểm cuối là đường Lê Duẩn) hiện là trục đường chính dẫn thẳng đến khu vực trung tâm.
Đường Lê Duẩn là tuyến phố chuyên doanh thời trang lớn nhất Đà Nẵng, trải dài hơn 2km (rộng 15m) qua 2 quận Thanh Khê và Hải Châu, từ đường Điện Biên Phủ (ngã ba Cai Lang) đến cây cầu quay Sông Hàn nổi tiếng nối hai bờ Đông - Tây sông Hàn.
Tuy nhiên, đường Đống Đa (dài 1,8 km, rộng 15m) với điểm khởi đầu là đường Bạch Đằng kéo dài đến đường Ông Ích Khiêm thì nằm hoàn toàn trên địa bàn quận Hải Châu, tách biệt với 2 tuyến đường Điện Biên Phủ và Lê Duẩn. Vậy, tuyến đường này sẽ kết nối với đường Lê Duẩn như thế nào để “tạo tuyến trục liên thông từ đường Điện Biên Phủ đến đường 3/2”?
Phóng viên VnBusiness đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quang Hùng, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Đà Nẵng; hiện là Bí thư Quận ủy Hải Châu, thành viên Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch TP Đà Nẵng và là thành viên Hội đồng Kiến trúc quốc gia.
Theo ông Vũ Quang Hùng, nhìn trên bản đồ thì đường Lê Duẩn và đường Đống Đa khá “thẳng hàng” nhưng bị cắt bởi khu dân cư tứ giác Hoàng Hoa Thám - Hải Phòng - Ông Ích Khiêm - Lê Duẩn. Do vậy, sẽ mở tiếp đường Đống Đa cắt qua khu tứ giác này nối vào đường Lê Duẩn tại khu vực ngã tư Lê Duẩn - Hoàng Hoa Thám.
Cùng với đó, theo Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ “quy hoạch và xây dựng công trình hầm qua sông kết nối từ khu vực đường Đống Đa - Trần Phú - 3/2 (bờ Tây sông Hàn) sang đường Vân Đồn - Trần Hưng Đạo (bờ Đông sông Hàn)”.
Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Thành Hưng thông tin thêm: “Sau khi hình thành trục giao thông Điện Biên Phủ - Lê Duẩn - Đống Đa - 3/2 - hầm qua sông Hàn thì lưu lượng xe có nhu cầu lưu thông theo hướng Đông - Tây của TP Đà Nẵng sẽ được phân bổ đều qua hầm, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý…
Lúc đó sẽ giảm tải rất nhiều cho cầu Sông Hàn. Hơn nữa, sau khi hình thành trục giao thông chính này kết hợp với việc tổ chức, phân luồng phương tiện lưu thông thì lưu thông kết nối hai bờ Đông - Tây sông Hàn sẽ rất thuận lợi, hạn chế việc tập trung quá đông vào khu vực lõi trung tâm như hiện nay”.
Những vấn đề đặt ra
Ông Vũ Quang Hùng nhận định, phương án này mang tính kết nối cao,sẽ giúp chia sẻ lượng người và phương tiện có nhu cầu lưu thông qua hai bờ Đông - Tây sông Hàn, nhưng phải giải tỏa nhiều hộ dân (và có thể cả một phần Trường THCS Nguyễn Trãi). Tuy nhiên, đây cũng sẽ là cơ hội để tiến hành tái thiết đô thị khu tứ giác Hoàng Hoa Thám - Hải Phòng - Ông Ích Khiêm - Lê Duẩn.
Vị trí đường Đống Đa sẽ kết nối với đường Lê Duẩn. |
“Điểm đáng chú ý là phương án này sẽ làm tăng áp lực giao thông lên đường Đống Đa, Ông Ích Khiêm và đặc biệt là nút giao thông Trần Cao Vân - Ông Ích Khiêm (còn gọi là ngã tư quân cụ). Do đó, sau này làm quy hoạch phân khu cần xem xét phân luồng cho hợp lý, thậm chí có thể “hy sinh” công viên “chợ Tam Giác” (cũ), cây xăng để cải tạo các nút giao thông vốn hay tắc nghẽn ở khu vực này”, ông Vũ Quang Hùng nói.
Thêm một điều rất được quan tâm là việc mở tiếp đường Đống Đa nối vào đường Lê Duẩn có “đụng” vào khu vực ga đường sắt Đà Nẵng hay không? Bởi lẽ, dự án di dời ga Đà Nẵng ra khỏi khu vực trung tâm TP đã quy hoạch "treo" gần 20 năm qua, gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân trong khu vực, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Tuy nhiên, đầu năm 2021, Bộ GTVT có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; trong đó tiếp tục cho biết “do khó khăn về nguồn lực và còn nhiều vướng mắc về hình thức đầu tư nên dự án chưa được triển khai”. Vì vậy, nếu mở tiếp đường Đống Đa nối vào đường Lê Duẩn mà “đụng” vào khu vực ga Đà Nẵng thì liệu có thể sớm thực hiện được hay không?
Lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, đối với việc tiếp tục mở đường Đống Đa nối vào đường Lê Duẩn thì hiện trạng chỉ vướng đường ray đoạn gần đường Ông Ích Khiêm, nhưng đoạn ray này chỉ phục vụ cho việc quay trở đầu máy xe lửa. Về lâu dài, khu vực này sẽ thu hồi, còn trước mắt chưa thu hồi thì tại đây là đường ngang qua đường sắt bình thường như hiện nay.
“Nói chung về giải pháp kỹ thuật để hình thành trục giao thông Điện Biên Phủ - Lê Duẩn - Đống Đa - 3/2 - hầm sông Hàn thì không lo. Vấn đề là nguồn lực và phương án giải tỏa, bố trí tái định cư hợp lý cùng sự đồng thuận của người dân”, đại diện lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng thông tin với phóng viên VnBusiness.
Vị này cũng cho biết, theo Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng vừa được phê duyệt, sẽ quy hoạch đường Hoàng Hoa Thám thông ra đường ven biển Nguyễn Tất Thành (xuyên qua khu vực ga đường sắt hiện trạng) để tạo thành tuyến trục liên thông chính từ đường Nguyễn Hữu Thọ - Lê Đình Lý - Hoàng Hoa Thám - Nguyễn Tất Thành nhằm giải tải cho các tuyến đường lân cận. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn phụ thuộc vào việc di dời Ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm TP.
Hải Châu