Hội thảo được tổ chức tại Đà Nẵng với sự tham dự của bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam và Lào; ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo; lãnh đạo Sở TN-MT Đà Nẵng cùng đại diện các sở, ngành hữu quan, các chuyên gia, tổ chức, cá nhân quan tâm.
TP Đà Nẵng tuyên truyền tới người dân và du khách về những tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường biển. |
Theo bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam và Lào, rác biển hiện là một trong những thách thức đối với môi trường biển tại nhiều quốc gia. Dự án "Nâng cao năng lực địa phương giảm ô nhiễm nhựa tại khu vực Đông Nam Á" (ASEANO) do Chính phủ Na Uy tài trợ được triển khai thực hiện tại 3 quốc gia ASEAN gồm Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Dự án ASEANO nhằm đánh giá tác động của ô nhiễm nhựa đối với nền kinh tế phát triển và môi trường, từ đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên đất liền và nguồn thải ở biển. Trong đó, Đà Nẵng là TP duy nhất tại Việt Nam được chọn để triển khai dự án nhiều ý nghĩa này.
Cuộc hội thảo đối tác địa phương giảm thiểu ô nhiễm nhựa được tổ chức tại Đà Nẵng là bước đệm quan trọng để xây dựng sự hợp tác, thiết lập mạng lưới và xác định các ưu tiên chính của dự án ASEANO tại Việt Nam cũng như xác định, hỗ trợ và bổ sung những nguồn lực cho Đà Nẵng.
Ghi nhận Đà Nẵng đã có các chương trình và cam kết phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và có mong muốn trở thành “Thành phố Môi trường” vào năm 2025, bà Grete Lochen nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các đối tác dự án ASEANO và các tổ chức của Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng nhằm nâng cao năng lực và phát triển các biện pháp để chống ô nhiễm nhựa”.
Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển.
Bên cạnh đó, 100% khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh lưu trú và các dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Đồng thời, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, ứng xử và hành vi của toàn cộng đồng trong sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ sản phẩm nhựa và thu gom, xử lý rác thải nhựa.
Các thông tin tại hội thảo cũng nhấn mạnh, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh trên thế giới. Tuy nhiên, tốc độ phát sinh chất thải được dự báo sẽ còn nhanh hơn GDP với sự thay đổi của lối sống và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.
Theo đó, Việt Nam là quốc gia có lượng rác thải nhựa thải ra đại dương lớn thứ 4 thế giới. 70% dân số Việt Nam sống gần bờ biển dài 3.400 km và các vùng đồng bằng trũng thấp. Rác thải nhựa không được quản lý hoặc quản lý sai cách có khả năng cao bị thải ra sông và biển dưới dạng rác biển, và cuối cùng là vi nhựa.
Bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Đà Nẵng) cho hay, quá trình đô thị hóa nhanh tại Đà Nẵng đã gây ra những áp lực, trong đó có vấn đề rác thải nhựa. Mỗi ngày TP phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải. Năm 2019, tỷ lệ rác nhựa ra môi trường trên địa bàn là 8,3% (khoảng 15,66 tấn/ngày, tương đương 5.715 tấn/năm). Lượng rác nhựa/người/năm là 5kg/người/năm.
Trước tình hình đó, TP Đà Nẵng đã lựa chọn quận Thanh Khê là địa phương thực hiện thí điểm mô hình “Chợ không sử dụng túi ni lông”, lồng ghép chương trình giáo dục môi trường tại 10 trường học trên địa bàn. Qua đó, nâng cao nhận thức và sự thay đổi hành vi của cộng đồng tại quận Thanh Khê nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung, thúc đẩy các mô hình giảm sử dụng và phát sinh rác thải nhựa.
Hải Châu