Phải thấy rằng nền công nghiệp ở Đông Nam bộ trước giải phóng năm 1975 chủ yếu phụ thuộc nước ngoài, chỉ có một số ngành sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến lương thực, thực phẩm, phân bố chủ yếu ở Sài Gòn – Chợ Lớn.
Từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, cho đến nay sau nhiều khó khăn, thách thức lớn, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, khu vực công nghiệp – xây dựng của miền Đông đã có những bước phát triển căn cơ, tăng trưởng nhanh.
“Thay da đổi thịt”
Hơn thế nữa, cơ cấu sản xuất ở các tỉnh miền Đông sau Giải phóng ngày càng cân đối, bao gồm công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và chế biến lương thực thực phẩm. Một số ngành công nghiệp hiện đại đã hình thành và đang trên đà phát triển như dầu khí, điện tử, công nghệ cao.
Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định Vùng kinh tế Đông Nam bộ gồm 9 tỉnh, thành: Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Lâm Đông, Bình Thuận và Ninh Thuận là một trong những vùng kinh tế động lực quan trọng hàng đầu của cả nước hiện nay.
Khu vực này, theo đánh giá của người đứng đầu VCCI, đang hội tụ những lợi thế nổi trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Một số thành viên của vùng luôn là những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước với mức tăng GDP và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) thuộc nhóm tốt nhất như Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.
“Đặc biệt, hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu với các hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nhiều FTA đã có hiệu lực chính là cơ hội tốt để các tỉnh miền Đông Nam bộ chuẩn bị những bước đi vững chắc và sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới”, ông Lộc nói.
Đông Nam bộ được cho là có mức đóng góp hơn 2/3 thu ngân sách hàng năm của cả nước, tỷ lệ đô thị hóa trong vùng vào khoảng 50%. Miền đất này có dân số đông và dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, đầu tư FDI, GDP, cũng như nhiều yếu tố kinh tế – xã hội khác.
Về lĩnh vực công nghiệp, Tp.HCM, Biên Hòa, Vũng Tàu là các trung tâm công nghiệp lớn nhất ở Đông Nam bộ. Tp.HCM chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng. Bà Rịa – Vũng Tàu là trung tâm công nghiệp khai thác dầu khí. Còn Đồng Nai, Bình Dương nổi bật với những khu công nghiệp thu hút đông đảo dòng vốn FDI.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Đông Nam bộ đến nay đã trở thành vùng trồng cây công nghiệp quan trọng của cả nước như cao su, cà phê, hồ tiêu, điều. Cây công nghiệp hàng năm (lạc, đậu tương, mía, thuốc lá…) và cây ăn quả (sầu riêng, xoài, mít tố nữ, vú sữa…) cũng là các thế mạnh nông nghiệp của vùng.
Ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm ở miền Đông cũng đang được chú trọng theo hướng áp dụng phương pháp chăn nuôi công nghiệp, còn nghề nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ và đánh bắt thuỷ sản trên các ngư trường đang đem lại những nguồn lợi lớn.
Miền Đông Nam bộ sẽ là “đầu tàu” phát triển kinh tế chung của cả nước |
Là “đầu tàu” của cả nước
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, để phát huy được những tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành, đặc biệt là những tỉnh “xa” trong khu vực này như Tây Ninh, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận và Ninh Thuận, đòi hỏi cần thúc đẩy liên kết vùng mạnh hơn nữa, hướng đến mở rộng các quan hệ kinh tế liên vùng và quốc tế là vô cùng quan trọng.
“Đầu tàu” của miền Đông là Tp.HCM, sau 43 năm giải phóng, đã có nhiều thay đổi đáng kể, bộ mặt đô thị hiện nay đã khang trang, văn minh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tp.HCM luôn giữ mức cao và ổn định, cao gấp 1,5 – 1,7 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước trong 43 năm qua.
Mặc dù thế, Ts. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, có lưu ý rằng trong giai đoạn tới, Tp.HCM phải có tư duy đột phá, tiến vượt lên, không phải chỉ so với các địa phương khác trong nước hay các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ, mà phải khắc họa vị thế và đẳng cấp trên cuộc đua tranh quốc tế, là thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á.
Một thống kê cho thấy Đông Nam bộ hiện đứng thứ hai cả nước về số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và chiếm khoảng 2/3 tổng số DN thành lập của cả nước. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam bộ đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tp.HCM và các tỉnh phụ cận trong tương lai sẽ là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và là “đầu tàu” phát triển kinh tế chung của cả nước.
Để khu vực Đông Nam bộ có thể thực hiện tốt quy hoạch vùng của Chính phủ, theo Ts Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, cần phải định vị quy hoạch là một khu vực liên kết kinh tế có sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế nhằm đảm bảo sự tăng trưởng khu vực.
Đồng thời, các tỉnh miền Đông nên tạo ra nhiều việc làm và đặc biệt là phát triển các ngành nghề có năng suất cao để đem lại sự giàu có của mỗi cá nhân và DN.
Mặt khác, Đông Nam bộ phải xác định những lĩnh vực ngành nghề, phân khúc, sản phẩm cốt lõi có khả năng liên kết và cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế (theo các tiêu chí tốc độ, quy mô và bền vững), cũng như nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới.
Thế Vinh