Nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm chè và thu nhập cho người lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, ngày 26/10, Trung tâm Các chương trình kinh tế xã hội (Liên minh HTX Việt Nam) đã chủ trì, phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè thông qua chuỗi giá trị cho các HTX tỉnh Thái Nguyên.
Gỡ nhiều nút thắt
Hội thảo đã giúp HTX, THT nói lên nguyện vọng, thực trạng sản xuất chè, đồng thời cũng là cơ hội để các nhà quản lý lắng nghe và đưa ra những đề xuất, định hướng để bước đầu phát triển mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị.
Chè được xác định là sản phẩm chủ lực của tỉnh Thái Nguyên, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân trong tỉnh.
Những năm qua, cây chè đã được chú trọng đầu tư phát triển theo hướng hàng hóa và khẳng định được chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước thông qua nhiều mô hình THT, HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm (như HTX chè Tân Hương, THT chè Sơn Thành - Đại Từ…).
Tuy nhiên, việc sản xuất chè hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Các HTX, THT chủ yếu bán sản phẩm thô, việc bảo vệ thương hiệu sản phẩm còn yếu, các nhà máy và người sản xuất chưa gặp được nhau; chưa đồng nhất về giống, công nghệ, sản phẩm, việc sản xuất còn chủ yếu mang tính tự phát…
Thực tế cho thấy, việc tham gia mô hình HTX kiểu mới chất lượng chè được nâng cao giúp người nông dân giải quyết nhiều khó khăn về chất lượng, giúp xây dựng thương hiệu cũng như hình thành, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chè, tạo sự gắn kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học trong định hướng phát triển ngành chè.
Thành lập năm 2000, HTX chè Tân Hương (Tân Cương, Thái Nguyên) đã thực hiện sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn UZT (thực hành nông nghiệp tốt).
Sau 7 năm thành lập và phát triển, đến nay, HTX đã mang lại nhiều kết quả tích cực, như chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm chè, kết nối người dân với DN để bảo đảm đầu ra ổn định cho người dân.
Tại hội thảo, các nhà quản lý cũng cho rằng cần tăng cường liên kết dọc (người dân và DN, HTX và DN) và liên kết ngang (người dân liên kết với người dân, người dân liên kết với HTX…) để tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất.
Với thực trạng hiện nay của ngành chè, Trung tâm Các chương trình kinh tế xã hội cũng có những định hướng rõ ràng trong việc tư vấn, hỗ trợ phát triển, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
Việc hình thành các HTX chè kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm sẽ góp phần đưa cây chè lên một tầm cao mới.
Khẳng định vai trò liên kết chuỗi
Qua thực tế, ngành chè những năm qua chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ lẻ, ít có sự liên kết giữ các tổ chức sản xuất… Để tiêu thụ sản phẩm chè hàng hóa bảo đảm phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với cơ chế thị trường, không có con đường nào khác là cần phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị với một quy trình khép kín từ đầu vào đến đầu ra, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng đánh giá về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngà - Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên, cho biết: Trong thời gian qua, do yêu cầu về sản xuất và tiêu thụ chè đã xuất hiện các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với chế biến và tiêu thụ (nông dân liên kết với nông dân, nông dân liên kết với DN thông qua HTX, THT…). Đây là xu hướng tất yếu nhằm bảo đảm chất lượng các sản phẩm chè và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Việc sản xuất và phân phối theo chuỗi giá trị sẽ làm giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành, tăng giá trị sản phẩm, đồng thời nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhờ đó những nhà sản xuất - phân phối sẽ thu được nhiều lợi ích từ những sản phẩm của mình.
Sản xuất chè theo chuỗi giá trị trong thời kỳ hội nhập quốc tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội, lợi ích nhờ sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt là những cơ hội to lớn trong việc tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin, mở ra cơ hội sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm hàng hóa, qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một khu vực thị trường nhất định.
Với việc hình thành các HTX chè kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm sẽ góp phần giúp người dân trồng chè ở Thái Nguyên gỡ bỏ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng KH-KT vào sản xuất, xây dựng được thương hiệu, qua đó khẳng định được vai trò của HTX trong việc đưa cây chè lên một tầm cao mới.
Như Yến