Xã Khởi Nghĩa là địa phương có thế mạnh phát triển chăn nuôi. Năm 2011, UBND TP Hải Phòng đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại tại xã với diện tích gần 45 ha.
Tập trung xây dựng thương hiệu
Toàn xã hiện có khoảng 70 trang trại và 20 gia trại chủ yếu nuôi gà thương phẩm lấy thịt, lấy trứng và cung cấp giống gà con đi khắp các tỉnh, thành của cả nước. Quy mô các trang trại trung bình đạt 6.000 con gà/1 trang trại. Hiện tổng đàn gia cầm của toàn xã đạt trên 455.000 con.
Với mong muốn quy tụ các hộ nông dân đang chăn nuôi để cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, và đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt là xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, cuối năm 2022 HTX sản xuất kinh doanh- dịch vụ nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản xã Khởi Nghĩa ra đời với 18 thành viên. HTX có vốn điều lệ 12 tỷ đồng, hoạt động trên các lĩnh vực chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.
Ông Nguyễn Phượng Đồng – Giám đốc HTX cho biết: Bên cạnh việc giúp đỡ các thành viên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Hội Nông dân thành phố, HTX đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP trứng gà Khởi Nghĩa, triển khai mô hình sản xuất 25 mẫu lúa giống ST gieo cấy trên vùng ruộng trũng (1 vụ cấy lúa và 1 vụ thu hoạch rươi), trồng thí điểm 10 sào cây nha đam có hợp đồng bao tiêu sản phẩm…
Mô hình trồng cây nha đam thử nghiệm đã được HTX triển khai trồng được 1 mẫu. |
Dù cùng trong lĩnh vực chăn nuôi gà, nhưng các thành viên của HTX có những hướng đi đa dạng khác nhau, có thành viên chuyên về chăn nuôi gà thịt, thu hoạch trứng thương phẩm để bán, có thành viên chuyên về mảng cung cấp gà giống. Ví dụ như trang trại của gia đình ông Đồng có quy mô khoảng 1ha, đang nuôi 10.000 gà mái thuần chủng và 300 gà trống chọi, 100 con gà trống Đông Tảo. Thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo – làm chủ quy trình nhân giống, gia đình ông Đồng đã cung cấp gà giống không chỉ cho bà con trong vùng mà còn nhiều tỉnh thành trong cả nước; trứng gà giống của gia đình ông còn được các nhà máy thu mua về ấp ra gà con để bán.
Khác với gia đình ông Đồng, gia đình ông Phạm Văn Giang – thành viên HTX- Chủ tịch hội Nông dân lại phát triển trang trại theo hướng chú trọng nuôi gà thương phẩm. "Trung bình một năm trang trại của gia đình tôi nuôi 3 lứa gà lấy thịt thương phẩm, mỗi lứa nuôi 6000 con. Trừ chi phí, một năm thu lợi nhuận từ 300 -400 triệu đồng" - ông Giang chia sẻ với phóng viên.
Chủ tịch UBND xã Khởi Nghĩa – ông Phạm Văn Cánh trăn trở: Nhiều hộ gia đình trong xã có truyền thống chăn nuôi gà hơn 20 năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra 'mạnh ai đó nuôi, mạnh ai đó bán', chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm. Thậm chí sản phẩm trứng gà của xã có nhiều nơi còn đến mua về, sau đó dán tem mác bán ra thị trường với giá cao... Trong khi bà con mình sản xuất chăn nuôi với quy mô lớn như vậy, nhưng địa phương lại không có thương hiệu sản phẩm gì.
"HTX ra đời, chúng tôi kỳ vọng đơn vị sẽ cùng chung tay với địa phương, bà con nông dân xây dựng thành công thương hiệu OCOP cho sản phẩm “Trứng gà Khởi Nghĩa”. HTX sẽ là một trong những nhân tố góp phần quan trọng trong quá trình hoàn thành các tiêu chí của chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tại xã", ông Cánh nói.
Mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên
Hiện nay, trung bình 1 con gà đẻ một ngày sẽ ăn hết 120 gam cám, gà nuôi lấy thịt ăn hết khoảng 100 gam cám. Toàn xã Khởi Nghĩa có khoảng 455.000 con gà các loại. Trung bình một ngày toàn xã tiêu thụ hết khoảng 54-55 tấn cám.
Trong khi giá thức ăn chăn nuôi ngày một tăng, nhiều hàng giả, hàng nhái, nếu các hộ tự đi lấy cám hay các loại thuốc dịch vụ phòng bệnh cho đàn gà thì chi phí giá thành thường rất cao do không tiếp cận được nguồn thức ăn trực tiếp từ các nhà máy mà thường lấy lại tại các đại lý cấp 3, cấp 4. "Tham gia HTX, chúng tôi cùng chung ý tưởng, HTX đứng ra làm đầu mối trực tiếp ký hợp đồng với các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi để lấy thức ăn về cho bà con. Như vậy giá thành, chi phí vận chuyển sẽ giảm đi nhiều, mà nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng". – ông Giang cho biết thêm.
Ông Đồng và ông Giang (áo khoác xanh) đang trao đổi kinh nghiệm nuôi gà. |
Hiện, thành viên HTX đã áp dụng nhiều tiến bộ KHKT vào quá trình chăn nuôi, sử dụng chế phẩm Enzymes trong chăn nuôi gà. Sau thời gian 99 ngày làm mô hình thí điểm tại hộ chăn nuôi với quy mô 6.000 con gà ri Thái Bình đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, sản lượng gà cao hơn, lượng thức ăn sử dụng ít hơn, đề kháng tốt hơn giúp giảm tỉ lệ mắc bệnh, tiết kiệm chi phí thuốc phòng chữa bệnh cho gà so với đàn gà tại hộ nuôi khác không sử dụng chế phẩm.
Bên cạnh đó, các chủ trang trại là thành viên trong HTX luôn chủ động trong việc ứng dụng KHKT vào sản xuất. Nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi, các thành viên đã phát triển trang trại chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô vừa và lớn; ứng dụng công nghệ cao; tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế... Hầu hết các hộ chăn nuôi đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại đồng bộ khép kín, lắp đặt các thiết bị đảm bảo nhiệt độ, thông gió, máng ăn- uống tự động, đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ xử lý chất thải, không gây ảnh hưởng tới môi trường... Từ đó, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Thanh Vân