Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh ứng dụng công nghệ và sự cần thiết của dịch vụ dữ liệu hơn bao giờ hết. Các tổ chức nắm bắt được công nghệ số có thể nhanh chóng thích ứng trong bối cảnh gián đoạn do đại dịch, tận dụng tính linh hoạt của công nghệ để mở rộng hoặc thu hẹp quy mô dịch vụ, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa tài nguyên.
Nhà đầu tư vẫn băn khoăn về môi trường pháp lý khi đầu tư vào kinh tế số. |
Ông John Rokhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) kiến nghị để phát huy hết tiềm năng, Việt Nam cần đảm bảo một môi trường pháp lý thuận lợi. AmCham khuyến khích một môi trường pháp lý mở và tương thích cho phép truy cập thông tin, quyền riêng tư dữ liệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, an ninh mạng và thương mại dịch vụ kỹ thuật số tự do, công bằng, có đi có lại, và phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu.
"Các công ty thành viên của chúng tôi rất mong muốn hợp tác với các công ty Việt Nam để hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số của họ và thúc đẩy thế hệ khởi nghiệp công nghệ mới nhằm hỗ trợ mục tiêu của Việt Nam về Nền kinh tế số chiếm 25% GDP vào năm 2025", ông John Rokhold cho biết.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam vẫn bày tỏ lo ngại rằng các yêu cầu quy định mới thường không khả thi, không thể thực thi hoặc không phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Sự cân bằng giữa bảo vệ quyền riêng tư của người dân, quản lý dữ liệu và đảm bảo bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng là ưu tiên của Việt Nam - thể hiện qua các công việc và trọng tâm được đưa ra trong Nghị định về Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định 72 sửa đổi về Quản lý, Cung cấp và Sử dụng Dịch vụ Internet, Nghị định 06 về phát trực tuyến nội dung video và Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính về an ninh mạng. Tuy nhiên, việc tăng tốc đầu tư và công nghệ tiên tiến sẽ được hỗ trợ bởi các chính sách cởi mở, minh bạch, tập trung vào khu vực, tiêu chuẩn cao và nhất quán trên toàn cầu.
Đại diện cho cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài, bà Hà Nguyễn, Đồng Trưởng Nhóm Công tác Kinh tế số (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - VBF), cho biết việc cho phép lưu chuyển dữ liệu tự do xuyên biên giới là vô cùng thiết yếu đối với các doanh nghiệp Việt Nam và các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam để phục vụ khách hàng trong nước và quốc tế.
Tại những quốc gia không có hạn chế việc lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới, các doanh nghiệp dựa vào công nghệ có thể tận dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến nhất, mở rộng quy mô khi cần thiết hoạt động với chi phí hợp lý, đảm bảo an toàn và phân tán rủi ro cho dữ liệu cá nhân hoặc nhạy cảm được lưu trữ, giảm thiểu việc kẻ xấu tìm và truy cập dữ liệu.
Để thúc đẩy Việt Nam trở thành một trung tâm đầu tư công nghệ hấp dẫn, bà Hà khuyến nghị Chính phủ khuyến khích lưu chuyển tự do dữ liệu xuyên biên giới, đưa ra các hướng dẫn chuyển đổi dữ liệu an toàn và bảo mật, chẳng hạn như công nhận các chứng chỉ bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu, và các chứng chỉ quản lý thông tin của bên thứ ba có uy tín được quốc tế công nhận (ví dụ: ISO).
"Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ xem xét lại các yêu cầu lưu trữ dữ liệu trong nước hiện đang được đề xuất trong luật và các nghị định về an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, dịch vụ internet và trung tâm dữ liệu...), để giải quyết các những quan ngại liên quan đến lưu trữ dữ liệu mà cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đã nêu lên, để đảm bảo người dân, các doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ có thể tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội to lớn của dữ liệu và công nghệ số", bà Hà kiến nghị.
Thy Lê