Những thông tin này được nêu lên lại Hội thảo “Khởi động dự án hỗ trợ truy xuất nguồn gốc hàng hóa và phát triển xuất khẩu”, do Quỹ Châu Á phối hợp với Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam vừa tổ chức.
Truy xuất... người tiêu dùng
Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nhận định, truy xuất nguồn gốc hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng ngày càng được khách hàng trong và ngoài nước yêu cầu. Khi mua sử dụng một sản phẩm, người tiêu dùng giờ đây không chỉ quan tâm đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, mà họ còn cần biết, nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm đó từ đâu, quá trình sản xuất sản phẩm ra sao…
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và HTX tham gia |
Mặt khác, khi người tiêu dùng mua một sản phẩm và quét tem truy xuất bằng điện thoại để đọc các thông tin mà họ quan tâm, thì nhà sản xuất cũng biết được các thông tin như: người sử dụng ở đâu, thói quen tiêu dùng như thế nào…
Việc thu thập thông tin và phân tích hành vi người tiêu dùng giúp nhà sản xuất có thể truy xuất ngược lại thông tin người tiêu dùng và đưa ra được chiến lược tiếp cận khách hàng tốt hơn.
Hiện nay, trên nhiều trang web bán hàng có sử dụng lồng ghép trí tuệ nhân tạo (AI), khi người tiêu dùng click chuột vào trang web, nhà sản xuất có thể biết được thông tin như: người tiêu dùng xem sản phẩm này trong bao lâu, người tiêu dùng đến từ đâu và xem vào thời điểm nào. Từ đó, đưa ra chương trình marketing phù hợp với đối tượng khách hàng.
“Như vậy, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hiện nay không chỉ theo chiều hướng một chiều là người tiêu dùng biết được tất cả các thông tin liên quan đến sản phẩm, mà với việc sử dụng AI, nhà sản xuất còn nắm bắt ngược lại thông tin của khách hàng từ đó xây dựng kế hoạch marketing phù hợp”, ông Ngọc nói.
Thực tế, các thị trường nhập khẩu đều có những yêu cầu rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc, do yêu cầu của người tiêu dùng về minh bạch thông tin đối với các sản phẩm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa vẫn còn khá khiêm tốn.
Đại diện Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho hay, trong lĩnh vực cà phê, vấn đề truy xuất nguồn gốc bước đầu mới nhận được sự quan tâm từ chính quyền và doanh nghiệp trong vài năm gần đây. Hệ thống mã số vùng trồng mới được thí điểm tại 8.500 hộ trồng cà phê tại Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) vào giữa năm 2019. Một số công ty đã áp dụng truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn ở dạng truyền thống mà chưa ứng dụng cộng nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) và blockchain. Việc này cũng tương tự đối với nhiều nhóm ngành hàng sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ được Quốc hội phê chuẩn trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra. Với hiệp định này, EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (chủ yếu là nông sản) được coi là “cánh cửa mở” cho xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU. Tuy nhiên, điều đó chỉ thành hiện thực khi các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua được hàng rào kỹ thuật của một trong những thị trường có tiêu chuẩn chất lượng khắt khe nhất thế giới hiện nay. Một trong các hàng rào kỹ thuật đó là quy tắc xuất xứ và việc ứng dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc góp phần vượt qua hàng rào này.
Hỗ trợ truy xuất 13 dòng hàng nông sản OCOP
Truy xuất nguồn gốc đang là một yêu cầu ngày càng trở nên phổ biến với hàng hóa xuất khẩu sang EU, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Do đó, các doanh nghiệp, HTX phải tuân thủ minh bạch thông tin và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Hiện nay, các phương tiện truy xuất nguồn gốc điện tử như: QRCode, blockchain… sẽ hỗ trợ rất tốt cho hàng hóa Việt tránh bị làm giả, làm nhái. Và khi minh bạch được thông tin, việc bôi nhọ hay cạnh tranh không lành mạnh sẽ ít rủi ro hơn vì hàng hóa Việt đã có bằng chứng cụ thể.
Theo Quỹ Châu Á, để hỗ trợ hàng hóa nông sản của Việt Nam, Chính phủ Australia đã tài trợ Dự án “Hỗ trợ truy xuất hàng hóa và phát triển xuất khẩu”. Việc triển khai dự án này trên cơ sở thành công và bài học kinh nghiệm khi tiến hành truy xuất nguồn gốc cho thanh long của Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu mở rộng của các doanh nghiệp Việt Nam và thực hiện tốt Quyết định 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương mại điện tử cho các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Mục tiêu của dự án là hỗ trợ doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế - là xu hướng ngày càng được khách hàng trong và ngoài nước yêu cầu. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí để có các chứng chỉ/giấy phép; giúp doanh nghiệp quản lý sản xuất tốt hơn; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại để tăng doanh số và lợi nhuận bán hàng.
Theo kế hoạch, dự án được triển khai trong 2 năm 2020 và 2021. Dự án bắt đầu với 5 nhóm ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam gồm: cà phê, tiêu, xoài, hàng gốm sứ và hàng mây tre lá. Trên cơ sở của các nhóm ngành hàng này, dự án cũng sẽ đề xuất triển khai đến 13 dòng hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam và đầy đủ các sản phẩm khác thuộc Chương trình OCOP đang được triển khai ở khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Phát triển thị trường cho các sản phẩm đã được truy xuất cũng là một trong những nội dung triển khai của dự án. Theo đó, dự án sẽ kết nối với các chuỗi bán lẻ online và offline, kết hợp bán hàng với các hãng hàng không trên cơ sở Chương trình OCOP quốc gia. Dự án sẽ hỗ trợ các HTX và doanh nghiệp xây dựng ứng dựng và trang web bán hàng sử dụng AR và AI. Đồng thời, hỗ trợ tham gia hội chợ trong nước và quốc tế.
Chu Khôi