Gần một năm nay, Ngọc Giang (Hoàn Kiếm), một nhân viên kinh doanh, không còn thói quen giữ tiền mặt trong ví, bởi các khoản thanh toán hàng ngày đều được thực hiện qua quét mã QR trên chiếc smartphone.
QR Code khắp nơi
“Đi siêu thị mua bỉm cho con trả tiền qua QR Code, đi cà phê với bạn cũng thanh toán bằng mã QR, thậm chí quán trà đá gần công ty cũng dán mã QR để người uống trả tiền những lúc quên mang ví, hay như chạy vội ra chợ mua mớ rau cầm mỗi điện thoại cũng thanh toán được”, anh Giang nói.
Còn theo lời kể của chị Thùy Linh (Cầu Giấy), nhiều tháng nay, chị không để ý trong ví có bao nhiêu tiền, bởi phần lớn việc thanh toán được thực hiện qua quét mã QR trên điện thoại. Từ mua sắm siêu thị, café, thậm chí đi xe ôm, mua hàng vỉa hè… đều trừ trực tiếp vào ví điện tử. Thói quen này bắt đầu được hình thành sau dịch Covid-19.
“Có lần mua xôi không có tiền lẻ, cô bán xôi đưa mã QR để tôi quét. Thực sự, giờ ra đường chỉ lo điện thoại hết pin chứ không lo quên ví", chị Linh vui vẻ nói.
Không chỉ ở các cửa hàng lớn mà ngay cả sạp rau cũng chấp nhận thanh toán bằng QR Code. |
Thực tế, dạo quanh một số chợ tại Hà Nội, không chỉ tại các cửa hàng lớn, mà nhiều quán bán rau, thịt cá trong chợ cũng thanh toán bằng QR Code.
Theo các tiểu thương ở chợ Trương Định (Hoàng Mai), mô hình này đã được làm cách đây một thời gian và rất hiệu quả. Hiện có khoảng 80% các hộ kinh doanh đã sử dụng hình thức thanh toán bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại.
Chị Thu Hiền, chủ một quán ăn nhỏ ở chợ Trương Định gần đây cũng đã tạo mã QR Code cho khách hàng thanh toán. “Người ăn xong hỏi có cho quẹt thẻ không. Cửa hàng nhỏ thì sao quẹt thẻ được, nên thanh toán qua QR Code, chuyển tiền thẳng vào tài khoản ngân hàng là tiện nhất”, chị Hiền chia sẻ.
Theo chị Hiền, cái được lớn nhất là cửa hàng bắt đầu thu hút được người trẻ tuổi, những người thường không có thói quen để nhiều tiền mặt trong ví.
“Ngoài ra, tiền được thanh toán qua app cũng không lo phải trả lại, tiền thừa tiền thiếu hay thậm chí nguy cơ nhận được tiền giả cũng không còn”, chị Hiền nói.
Được nhiều cái lợi
Mã QR được hiển thị dưới dạng ô vuông, chứa một ma trận các ô vuông nhỏ, có tác dụng mã hóa chuỗi ký tự, như câu lệnh máy tính, địa chỉ website... Khi quét mã bằng ứng dụng phù hợp, hệ thống sẽ giải mã và thực hiện lệnh được thiết lập sẵn.
Chẳng hạn, trong việc thanh toán, trước đây, người chuyển tiền cần chọn ngân hàng đích, gõ đúng địa chỉ, số tiền, nội dung. Nhờ QR Code, những thao tác này được mã hóa và gói gọn trong một mã hình vuông nhỏ. Người dùng chỉ cần quét và hệ thống sẽ làm thay phần việc còn lại. Một số hệ thống còn cho phép người dùng tạo sẵn mã QR. Khi đến các điểm thanh toán, họ đưa mã để chủ cửa hàng quét và lấy đúng số tiền cần trả.
“Thanh toán bằng QR Code không những đơn giản hoá quy trình, dễ dàng cho người chuyển tiền, gia tăng tốc độ giao dịch mà còn tránh nhầm lẫn khi phải nhập từng số tài khoản. Người nhận tiền hay người bán hàng có thể nhận biết được giao dịch chuyển tiền thực hiện gần như tức thì, nhanh chóng mọi lúc mọi nơi có kết nối Internet”, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) nhận xét.
Bên cạnh đó, các ngân hàng hiện nay đều theo xu thế miễn phí giao dịch, thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu. Hơn nữa, để khuyến khích người dùng chi tiêu qua ví điện tử, ứng dụng ngân hàng,… nhiều tổ chức tài chính cũng liên tục đưa ra các chương trình chiết khấu, khuyến mãi hấp dẫn khi thanh toán online. Nhờ đó, QR Code đang nở rộ khắp nơi.
Các chuyên gia cho rằng, lợi ích của QR Code không chỉ dừng lại với người dùng mà còn góp phần đơn giản hoá quy trình, giảm chi phí xử lý giao dịch với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính mà ở đây là các ngân hàng, fintech,…
“Đến nay, dùng mã QR chỉ thấy lợi chưa thấy hại. Người dùng dễ kiểm tra giao dịch, nên dễ quản lý chi tiêu hơn. Có chăng là thanh toán qua app thì mình sẽ không tiếc tiền như trả tiền mặt. Vì thế đôi khi có thể bị "vung tiền quá trán", chi tiêu nhiều hơn số mình cần”, anh Giang chia sẻ.
Mã QR của các dịch vụ thanh toán xuất hiện tại hầu hết các cửa hàng trên địa bàn TP.Hà Nội. |
Theo các tiểu thương bán hàng ở chợ Trương Định, họ rất ủng hộ người đi mua hàng thanh toán bằng hình thức quét mã, vừa không phải lo đi đổi tiền lẻ để trả lại khách, cũng không phải mất công đọc số tài khoản, nhiều khi khách đông, khách nghe nhầm nên thao tác chuyển khoản mất thời gian. Còn hiện nay, khi được hướng dẫn đăng ký quét mã QR, việc thanh toán tiền thuận lợi hơn nhiều. Khách chỉ cần quét mã và một vài thao tác đơn giản là đã nhận được tiền.
"Hiện tại, gần một nửa khối lượng giao dịch ở cửa hàng tôi là qua kênh QR. Người dân dần có thói quen quét mã, tôi không cần lo đếm tiền, hay kiếm tiền lẻ trả lại..., mà chỉ cần nhìn số", Thu Hiền nói.
Sẽ còn phát triển
Tại Hà Nội, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng trưởng mạnh cả về số lượng và giá trị giao dịch. Số lượng người trưởng thành có tài khoản ngân hàng tiếp tục tăng.
Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh mẽ tại Hà Nội và thay đổi thói quen mua sắm của người dân Thủ đô sau đại dịch. Thói quen tiêu dùng không tiền mặt khi giao dịch và mua sắm sẽ tạo động lực giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển loại hình thanh toán, phát triển thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho khách hàng, đồng thời là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng. Thanh toán không tiền mặt còn giúp Hà Nội giữ vững xếp hạng thứ 2 cả nước về chỉ số thương mại điện tử EBI hàng năm.
Bà Hoàng Huyền Trâm, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết, số lượng ví điện tử đã kích hoạt đến nay vượt 39 triệu tài khoản, tăng 3,68% so với cuối năm 2021. Tổng số lượng giao dịch bằng ví điện tử được xử lý thành công đạt 583,8 triệu đơn vị, tương đương giá trị khoảng 271.360 tỷ đồng.
Dù vậy, yếu tố bảo mật vẫn là lý do khiến nhiều người còn ngại ngần với phương thức thanh toán bằng QR Code.
Về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ tại Công nghệ An ninh mạng NCS nhận định, mã QR trong thanh toán chỉ là địa chỉ để chuyển tiền nên không có nguy cơ gây lộ lọt thông tin. Tuy nhiên cũng không nên loại trừ trường hợp kẻ xấu có thể dán đè QR Code lừa đảo lên trên QR Code thật của cửa hàng, các địa điểm công cộng, hoặc gửi email chứa QR Code giả.
"Nếu không cẩn thận kiểm tra địa chỉ, người dùng rất có thể chuyển nhầm vào địa chỉ của kẻ lừa đảo", ông Sơn nói.
Theo Phó Tổng Giám đốc NAPAS, trong thời gian tới, nếu các điều kiện thuận lợi vẫn tiếp tục duy trì, các dịch vụ thông qua mã QR sẽ còn tiếp tục đà tăng trưởng cao và ngày càng phổ cập bởi sự chung tay không chỉ bởi các ngân hàng, các trung gian thanh toán mà còn có thêm sự đóng góp giải pháp của nhiều đơn vị cung cấp giải pháp hỗ trợ thanh toán tiện lợi qua mã QR.
"Nếu khách hàng đã sử dụng thanh toán điện tử không dùng tiền mặt rồi thì sẽ chắc chắn không bao giờ quay trở lại dùng tiền mặt", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đánh giá.
Châu Giang