Là một trong những đơn vị chủ động đi đầu, tạo sự lan tỏa trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, dạy và học, đến nay, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã xây dựng được “bộ nhớ dùng chung” phục vụ quản lý, điều hành từ phòng tới từng nhà trường.
Nhiều mô hình mang tới hiệu quả tích cực
Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình - Lê Đức Thuận thông tin, đã có gần 20 phần mềm hỗ trợ quản lý, tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá được ban hành, áp dụng, góp phần cải thiện vị trí xếp hạng chất lượng giáo dục của quận năm học 2021 - 2022 lên vị trí thứ 3 của TP Hà Nội, tăng 3 bậc thi đua so với năm học trước.
Không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, mới đây, trường THCS Thành Công, quận Ba Đình đã triển khai lắp đặt máy quét thẻ từ để quản lý chuyên cần của học sinh.
Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực GD&ĐT. |
Cô Nguyễn Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình) cho biết, từ đầu tháng 3/2023, nhà trường triển khai lắp đặt 9 máy quét ở những vị trí thuận lợi từ cổng trường cho đến các hành lang lớp học để thực hiện quản lý chuyên cần của học sinh bằng phương pháp quét thẻ từ.
“Việc sử dụng công nghệ vào điểm danh trong trường học là một giải pháp tối ưu và hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Nhờ đó trường sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý học sinh. Bên cạnh đó, các em học sinh sẽ có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khi đến trường”, cô Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh.
Hay như tại quận Hai Bà Trưng, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận cho biết đã hoàn thành mục tiêu 100% trường tiểu học và THCS quản lý chất lượng giáo dục bằng phần mềm tin học, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Nằm trong chuỗi hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy, Trường tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng) đã triển khai hiệu quả mô hình thí điểm phòng học thông minh.
Cô Nguyễn Thị Thu Hảo, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Bước đầu mô hình đã mang lại những hiệu quả tích cực. Giáo viên vận dụng tối đa các tính năng được tích hợp để mở rộng kiến thức cho học sinh, giúp các em hào hứng với giờ học và tăng kỹ năng tương tác đa chiều, phát huy năng lực của học sinh. Đặc biệt, thông qua phần mềm, giáo viên có thể giám sát và đánh giá 100% học sinh trong lớp”.
Trong tiết học với chủ đề “Tự sắp xếp đồ dùng ngăn nắp”, cô giáo Xuân Hà (giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám) đã sử dụng thiết bị giáo dục EyePro Smart Class và EyePro ClassDX để đo cảm xúc của các em học sinh khi tiếp thu bài học. Với thiết bị dạy học thông minh này, giáo viên không cần phải nói đi nói lại quá nhiều lần cùng một bài giảng, tiết học sẽ chỉ còn 30 - 50% bài giảng lý thuyết, thời gian còn lại học sinh sẽ tự học nhóm, thực hành trải nghiệm với sự trợ giúp của công nghệ theo phương pháp lớp học đảo ngược, dưới sự định hướng của giáo viên.
Trong tiết dạy, giáo viên đi lại trong lớp, hệ thống AI sẽ tự động bám theo giáo viên và ghi hình để giáo viên có thể thấy hiệu quả giáo dục với các nội dung giảng dạy của mình, hiệu chỉnh kịp thời. Giáo viên có thể quan sát cảm xúc học sinh thông qua hệ thống như cảm xúc vui, buồn, ngạc nhiên, trung tính theo cấu hình thiết lập bất kỳ lúc nào. Hơn hết, qua phần mềm ứng dụng này, học sinh sẽ không bị quên kiến thức nếu không nghe kịp cô giáo giảng bài.
Đi đầu trong chuyển đổi lĩnh vực giáo dục
Từ những ví dụ thực tế nêu trên có thể thấy, công nghệ số có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt là trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, khi dịch Covid-19 diễn ra, công nghệ số đã hỗ trợ đắc lực cho công tác dạy và học.
Không chỉ vậy, trình độ công nghệ thông tin của cả giáo viên và học sinh đã được nâng lên rất nhiều. Công nghệ thông tin đã giúp số hóa, gắn mã định danh của hàng triệu hồ sơ học sinh (số hóa thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, sức khỏe...), và hàng triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn)...
Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học được triển khai đồng bộ, triệt để. Từ đăng ký dự thi, nguyện vọng xét tuyển đến nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh...
Bên cạnh đó, các trường còn thực hiện truyền thông qua fanpage, nhóm zalo hay các ứng dụng khác trên điện thoại nhằm giúp phụ huynh nắm bắt thông tin về giáo dục; triển khai thường xuyên các buổi họp, sinh hoạt chuyên môn trực tuyến đạt hiệu quả cao trong công tác nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời giảm chi phí tổ chức.
Ngoài ra, triển khai ứng dụng nhiều phần mềm hỗ trợ trong công tác quản lý, dạy và học như hồ sơ điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, phần mềm kế toán, phần mềm tính khẩu phần ăn và xây dựng kế hoạch giáo dục của mầm non, bộ nhận diện khuôn mặt điểm danh học sinh... Các nhà trường đã triển khai thực hiện thu và thanh toán không dùng tiền mặt để tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh.
Mô hình lớp học thông minh tại trường tiểu học Lê Văn Tám. |
Chính nhờ quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục, Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực GD&ĐT.
“Hà Nội là địa phương có tỷ lệ cao nhất về kết nối thông tin của học sinh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 97% số học sinh (cả nước là 95%)”, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) cho biết.
Khó khăn cần khắc phục
Dù vậy, thực tế hiện đang có sự không đồng đều trong việc phổ biến công nghệ số trong giáo dục giữa nội thành và ngoại thành, giữa các trường học và môn học. Đặc biệt, chưa có nhiều trường áp dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức, quản lý. Bên cạnh đó, một số trường còn thiếu sự đầu tư vào công nghệ, việc đào tạo và hướng dẫn giáo viên còn nhiều hạn chế; tài liệu, bài giảng còn sơ sài, thiếu sức hút...
Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh; thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định, hướng dẫn thuộc thẩm quyền nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số và nhân lực số tạo nền móng chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục số phục vụ công tác quản lý, giảng dạy, học tập, đặc biệt là chú trọng triển khai nền tảng dạy, học trực tuyến, kết nối, phục vụ trực tuyến cho công tác giảng dạy - học tập - thi cử của học sinh, giáo viên, đảm bảo chất lượng cho việc tổ chức thi cử trực tuyến...
Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa sự gắn kết, trách nhiệm giữa những trường ở nơi thuận lợi với trường ở địa bàn khó khăn sẽ dài hơi hơn. Từ đó rút ngắn dần khoảng cách về chất lượng giáo dục, đem lại những điều tốt nhất cho học sinh.
Thực tế cho thấy, không phải cứ trường học ở khu vực quận, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi thì không có khó khăn, không có điểm yếu và ngược lại, nhiều trường ở địa bàn khó khăn lại có những sáng kiến, mô hình hay có thể nhân rộng.
Theo thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Đinh Tiên Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, trước tiên cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục. Cần bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng công nghệ cho toàn thể giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý nhà trường.
Tiếp đó, cần thúc đẩy phát triển học liệu số (phục vụ dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học); hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung trong toàn ngành.
Được biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đang phát động, tạo điều kiện để giáo viên xây dựng bài giảng điện tử, đóng góp vào kho học liệu dùng chung cũng được Hà Nội chú trọng. Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT Thủ đô đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó đưa chỉ số cải cách hành chính của Sở GD&ĐT Hà Nội tăng trưởng hơn nữa để giữ vững vị trí tốp đầu cả nước.
Châu Giang