Sau dịch Covid – 19, ngành du lịch nói chung và du lịch TP Hà Nội nói riêng đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, từ khi bước vào giai đoạn phục hồi, nhờ có những giải pháp phục hồi phát triển du lịch, trong đó chú trọng đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số một cách thiết thực, hiệu quả.
Chuyển đổi số phát triển du lịch Thủ đô
Những tiện ích trong chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho cả du khách cũng như doanh nghiệp lữ hành khi hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch tại Thủ đô được dễ dàng tiếp cận hơn, tạo bước chuyển mình cho ngành Du lịch Hà Nội.
Chẳng hạn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã đưa vào sử dụng vé điện tử cho du khách tham quan di tích. Bên cạnh đó, du khách có thể sử dụng ứng dụng công nghệ QR Code (mã vạch 2 chiều) cho các hạng mục, hiện vật công trình trong khuôn viên di tích với những thông tin cơ bản về hạng mục, hiện vật đó.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã đưa vào sử dụng ứng dụng công nghệ QR Code (mã vạch 2 chiều) cho các hạng mục, hiện vật công trình trong khuôn viên di tích với những thông tin cơ bản về hạng mục, hiện vật đó. |
Tại khu tham quan Hoàng thành Thăng Long, hệ thống đặt vé điện tử cho đến khâu kiểm soát đã giúp khách tham quan tiết kiệm thời gian khi tham quan thay vì phải xếp hàng mua vé. Không chỉ vậy, phần mềm ứng dụng hướng dẫn tham quan của Hoàng thành Thăng Long trên điện thoại di động với những bản đồ, những diễn giải ngắn gọn mà đầy đủ về kinh thành Thăng Long xưa, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội hôm nay.
Hay như tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã đưa ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR360 để du khách có thể khám phá di sản kiến trúc qua trải nghiệm công nghệ thực tế ảo.
Ngoài ra, việc đưa vào sử dụng hệ thống thuyết minh tự động Audio Guide tại nhiều điểm du lịch giúp du khách có thể chủ động tìm hiểu nội dung toàn bộ hệ thống trưng bày, góp phần nâng cao chất lượng chuyến tham quan.
Đáng chú ý, gần đây ứng dụng du lịch thông minh được áp dụng để đưa xe đạp điện vào hoạt động cũng được đông đảo khách du lịch hưởng ứng. Theo đó, bất cứ ai cũng có thể sử dụng dịch vụ chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh. Việc kết nối bản đồ cũng như quản lý phương tiện cho đến thanh toán dịch vụ này khá thuận tiện cho du khách.
Chia sẻ với VnBusiness, bạn Nguyễn Thành Vinh (sinh năm 2006, Tây Mỗ, Hà Nội) cho hay, bản thân biết đến dịch vụ khi xem thông tin qua Facebook nên muốn đến trải nghiệm. "Em đã bắt xe buýt lên khu vực Bờ Hồ để trải nghiệm dịch vụ, đi dạo phố nhưng vẫn bảo vệ môi trường. Đến điểm đặt xe ở vườn hoa Chí Linh, tải App, đăng ký tài khoản, nạp tiền và sử dụng dịch vụ. Đồng thời, nạp 10.000 điểm qua Zalopay tương đương 10.000 đồng, đủ để em đi một tiếng đồng hồ”, Vinh nói.
Nhờ đưa vào sử dụng những ứng dụng thông minh trên mà du khách đến Hà Nội ngày một đông.Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 8, Thủ đô Hà Nội đón khoảng 2,18 triệu lượt khách, tăng 23,1% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 16,9 triệu lượt khách, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 61.600 tỷ đồng, tăng 63,1% với cùng kỳ năm trước. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 61,4%, tăng 28,5% so với cùng kỳ.
Riêng trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 1/9 đến hết ngày 4/9), công suất sử dụng phòng bình quân khối khách sạn ước đạt khoảng 59,5% (trong đó khách nội địa ước đạt khoảng 39,5%; khách quốc tế đạt khoảng 20%), tăng 21% so với cùng kỳ năm 2022.
8 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 16,9 triệu lượt khách, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022. |
Vẫn còn “điểm nghẽn”
Trên thực tế, nhằm gia tăng tiện ích, thu hút khách du lịch, trên các nền tảng trực tuyến, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo,... tại nhiều địa phương đã đưa nhiều thông tin, ứng dụng tiện lợi để du khách có thể dễ dàng tiếp cận và hiểu hơn về những di sản. Chẳng hạn, du khách sẽ được trải nghiệm trước những nét độc đáo của di sản, của văn hóa đã được số hoá của điểm đến. Các tiện ích số, như visa điện tử, lựa chọn phương tiện, đặt vé đi lại, cơ sở lưu trú, ẩm thực và các dịch vụ khác cùng với thanh toán điện tử… được kết nối trên môi trường số giúp du khách tiếp cận, lựa chọn sản phẩm du lịch nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số còn là giải pháp thúc đẩy xanh hóa trong du lịch, giảm thiểu tác động đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, di sản…
Dù vậy, trên thực tế, quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch Việt Nam nói chung, tại Thủ đô nói riêng vẫn còn nhiều rào cản do công nghệ số cung cấp chưa đầy đủ, dịch vụ du lịch tương đối tụt hậu.
Nhận định về quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch hiện nay, Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa cho rằng, quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch được đánh giá là vẫn còn nhiều rào cản do nền tảng chất lượng lao động ngành du lịch chưa đồng đều, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế, các giải pháp và nền tảng, hạ tầng công nghệ số còn chưa đầy đủ, dịch vụ du lịch tương đối tụt hậu so với các nước trong khu vực...
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại Du lịch TP Hà Nội cho rằng, một trong những hạn chế của du lịch Hà Nội là còn chậm chân trong ứng dụng công nghệ số.
Chuyên gia “hiến kế”
Để hoá giải những "điểm nghẽn” trên, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (Hội Truyền thông số Việt Nam) cho rằng, cần áp dụng mô hình phát triển du lịch thông minh. Đó là sự phối hợp giữa các công ty du lịch và các ngành nghề khác ở các địa phương, thậm chí là vùng và liên vùng để trở thành một hệ sinh thái cùng lợi ích, cùng cộng sinh và tạo ra giá trị cao nhất.
Tuy nhiên, ông Giang lưu ý, chuyển đổi số trong ngành du lịch phải là cuộc cách mạng về tư duy. “Tư duy không thay đổi, tổ chức không thay đổi, con người không thay đổi, dịch vụ không thay đổi thì việc ứng dụng công nghệ vào đều trở nên vô nghĩa. Đây là điểm “nghẽn” của hoạt động chuyển đổi số trong ngành du lịch” cần sớm được hoá giải, ông Giang nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa khẳng định, việc chuyển đổi số cần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm nhằm cung cấp dịch vụ ngày càng có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, bên cạnh sự đầu tư của Chính phủ, cần những giải pháp xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong nước và hợp tác quốc tế đầu tư phát triển công nghệ số cho ngành du lịch, để chuyển đổi số đi vào thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo, lãng phí.
Ngoài ra, một số ý kiến khác chỉ ra, cần tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng như: Tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch; tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch số. Bên cạnh đó, cần phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành du lịch nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số du lịch, nhất là với các tập đoàn công nghệ toàn cầu để tận dụng tri thức và nguồn lực…
Được biết, từ tháng 9 là mùa vàng đón khách du lịch quốc tế, hiện Hà Nội cũng đang nỗ lực các giải pháp kích cầu du lịch và đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch, hướng đến mục tiêu đón 22 triệu lượt khách trong năm 2023.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Đây là một bước quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phát triển các ứng dụng công nghệ số gắn với du lịch, dự kiến trước 2025 sẽ có ứng dụng du lịch thông minh.
Châu Giang