Đến nay, toàn bộ hệ thống chính trị của Thành phố đã vào cuộc, nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số và đã triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, theo lộ trình chung của Thành phố. Kết quả thực hiện chuyển đổi số được ghi nhận từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023 có nhiều kết quả tích cực.
Chuyển đổi số với việc xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. |
Những kết quả đáng mừng
Hà Nội là một trong các tỉnh/thành phố đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến chuyển đổi số năm 2022 được nâng cao, trong đó có chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 24/63 tỉnh/thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2021.
Bên cạnh việc ban hành các Chương trình, Kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ cụ thể, UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo để trong thời gian ngắn, các hệ thống lớn, dùng chung toàn Thành phố đã hoàn thành hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống quản lý văn bản và điều hành và hệ thống thông tin giải quyết TTHC.
Cùng với đó là các quy định, quy chế kèm theo để đảm bảo vận hành, khai thác các hệ thống thông tin, như: Quy chế đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước Thành phố đã hoàn thành trong quý I năm nay (Quyết định số 2223/QĐ-UBND), quy chế hoạt động hệ thống thư điện tử Thành phố, …
Về phát triển dữ liệu, năm 2023, Thành phố đã ban hành Danh mục dữ liệu mở của Thành phố (tại Quyết định số 3478/QĐ-UBND ngày 04/7/2023) là những dữ liệu chuyên ngành sẽ được triển khai chia sẻ trong nội bộ cơ quan nhà nước và với công dân tổ chức trong thời gian tới. Đồng thời chỉ đạo triển khai Cổng dữ liệu Thành phố và hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của Thành phố (LGSP). Đây là 2 hệ thống cơ bản làm nền tảng để các đơn vị tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong cơ quan nhà nước.
Đến nay, các CSDL của các ngành được giao triển khai đã và đang dần hình thành, trong đó tập trung một số CSDL quan trọng, như: CSDL doanh nghiệp, CSDL đất đai, CSDL cán bộ công chức, …
Về hạ tầng số, Trung tâm Dữ liệu chính của Thành phố đang được tập trung triển khai để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV năm nay. Đồng thời tiếp tục duy trì, bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt mạng diện rộng WAN của Thành phố, Hệ thống giao ban trực tuyến cả Thành phố (đã được triển khai tới 3 cấp chính quyền).
Hà Nội cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp tập trung triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại bộ phận một cửa của các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Đến nay, trên toàn Thành phố đã cấp khoảng 10 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện dịch vụ công trực tuyến của Thành phố.
Điểm nhấn công tác cải cách hành chính
Là địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ công dân khi tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số trong việc thực hiện tương tác với chính quyền, cải cách hành chính (CCHC) là một nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong công tác chỉ đạo, điều hành được các cấp chính quyền TP Hà Nội đặc biệt quan tâm.
Xác định đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển, Hà Nội đã quyết liệt, nỗ lực đổi mới trong chỉ đạo điều hành, tích cực cắt giảm thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.
Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ công dân khi tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. |
Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, ủy ban nhân dân (UBND) các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, bổ sung, sáng tạo các mô hình nhằm giảm thời gian giải quyết một số TTHC.
Điển hình, tại UBND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) đã ra mắt mô hình giải quyết TTHC “Ngày kiểu mẫu về cải cách TTHC - trả kết quả ngay khi tiếp nhận hồ sơ” mang lại sự thuận tiện cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, Công Minh Tuấn cho hay, mô hình đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần cải thiện và nâng cao điểm số CCHC của phường. Qua khảo sát thực tế cho thấy, cơ quan phường Nhật Tân luôn được đánh giá là đơn vị có chỉ số hài lòng cao với người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch.
Cùng với phường Nhật Tân, các đơn vị khác của quận Tây Hồ với tinh thần sáng tạo đã nâng cao chất lượng CCHC phục vụ lợi ích của người dân trên địa bàn. Quận đã được ghi nhận và đánh giá về mức độ hài lòng của người dân và chỉ số CCHC đứng thứ 4 toàn Thành phố. Quận Tây Hồ đã cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân qua các hình thức như cổng điện tử, niêm yết bảng tin, zalo.
Đồng thời nâng cấp các trang thiết bị mới, hiện đại tại bộ phận "một cửa" của các phường, đáp ứng tình hình hiện nay. Trong thời gian tới, quận tiếp tục tập trung số hóa các hồ sơ lưu trữ, tạo tiền đề quan trọng cho việc chuyển đổi số.
Mới đây nhất, từ ngày 5/7, mô hình sáng kiến Ngày thứ tư “tốc ký” được UBND quận Hai Bà Trưng đưa vào hoạt động tại bộ phận “một cửa” được kỳ vọng là một giải pháp hữu hiệu giúp ngày càng nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan chính quyền.
Bên cạnh đó, tại bộ phận “một cửa” UBND quận Hai Bà Trưng đã đưa vào mô hình quét mã QR để công dân thực hiện các công việc: Nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán chi phí giải quyết TTHC, đóng góp ý kiến về chất lượng giải quyết TTHC.
Ở quận Hoàn Kiếm, khi đến trực tiếp bộ phận “một cửa” UBND phường Hàng Bồ để giải quyết những thủ tục như: Chứng thực bản sao; thủ tục chứng thực chữ ký; thủ tục đăng ký kết hôn; thủ tục đăng ký khai tử; thủ tục trích lục bản sao đối với giấy khai sinh, khai tử, kết hôn... người dân chỉ đợi khoảng 10 phút là được bộ phận “một cửa” trả kết quả ngay. Đó là hiệu quả của việc phường thực hiện thí điểm mô hình “5 thủ tục hành chính không chờ” theo chuyên đề CCHC “Các thủ tục hành chính không chờ” của UBND quận Hoàn Kiếm.
Ngoài ra, nhiều đơn vị đã triển khai mô hình sáng kiến, giải pháp hay, hiệu quả, thiết thực như: UBND quận Cầu Giấy ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỏi - đáp TTHC; UBND huyện Hoài Đức, triển khai thực hiện thí điểm và thí điểm mở rộng mô hình "Ngày Thứ sáu xanh" trên địa bàn huyện đã đạt được hiệu ứng lan tỏa, theo đó rút ngắn thời gian thực hiện các TTHC.
Nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, chính quyền số từng bước được triển khai ở Hà Nội. Việc triển khai trên địa bàn đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ đánh giá cao với vai trò là đơn vị làm điểm của cả nước.
Dù vậy, theo Báo cáo kết quả giám sát về thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước Thành phố Hà Nội mới đây của Hội đồng Nhân dân Thành phố cho thấy, việc chuyển đổi số vẫn chậm được triển khai. Hiện nay, các nhiệm vụ, công việc liên quan đến chuyển đổi số mới chủ yếu trên kế hoạch, quán triệt, tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về chuyển đổi số.
Kết quả, tiến độ của việc xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu, hệ thống phân tích thông tin báo cáo, việc xây dựng Trung tâm điều hành thông minh để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của các cơ quan trong Thành phố còn chậm. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu còn hạn chế, dữ liệu còn phân tán ở các cấp, cấu trúc còn nhiều ý kiến khác nhau và chưa có sự rõ ràng theo các cấp.
Từ những tồn tại, hạn chế trên, Đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội kiến nghị Thành phố chỉ đạo sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và phần mềm để thực hiện có hiệu quả hệ thống một cửa dùng chung 3 cấp và việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; hướng dẫn xây dựng các cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành phục vụ quản lý, cung cấp giải pháp xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn thông tin, bổ sung kịp thời trang thiết bị cho các cơ quan, đơn vị đảm bảo điều kiện triển khai tốt các nhiệm vụ được giao; hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ chuyên môn về chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực để tạo sự đồng bộ và liên kết, chia sẻ dữ liệu dùng chung, tránh lãng phí.
Có thể thấy, chuyển đổi số là một quá trình thường xuyên, liên tục, đặc biệt với quy mô rất lớn của Thành phố 10 triệu dân thì đây là khối lượng công việc không nhỏ. Tuy nhiên với quyết tâm chính trị của Thành phố, Hà Nội chắc chắn sẽ nhanh chóng khắc phục được những tồn tại, hạn chế để có thể tạo những chuyển biến tích cực hơn nữa trong thời gian tới, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Châu Giang