Theo nhiều nghiên cứu, thị trường điện thoại và linh kiện giả mạo đã trở thành một "ngành công nghiệp" riêng biệt, với quy mô lớn và phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, tình trạng này diễn ra rất phổ biến, các sản phẩm giả mạo thường được bày bán công khai tại các cửa hàng, chợ điện tử, và thậm chí trên các trang mạng xã hội với hình thức và mẫu mã giống hệt các sản phẩm chính hãng nhưng chất lượng thì hoàn toàn khác biệt.
Mua tiền thật, nhận hàng giả hàng nhái
Mới đây, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh điện thoại tại địa bàn thành phố Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Tường, huyện Bình xuyên.
Theo đó, phát hiện 20 chiếc điện thoại di động Iphone nhãn hiệu của Apple nhập lậu đã qua sử dụng đang được bày bán tại các cơ sở đang kinh doanh: Nam Store, Nam Phong Mobile, Gia Long Mobile, Thái Thi Mobile, Lương Nguyễn Mobile.
Người tiêu dùng nên lựa chọn những điểm bán chính hãng, cơ sở uy tín để mua sản phẩm điện thoại, máy tính và linh kiện các loại. |
Đồng thời, phát hiện 2 cơ sở kinh doanh điện thoại di động sử dụng hình thức thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Đoàn kiểm tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền hơn 100 triệu đồng với các cơ sở kinh doanh trên về hành vi: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Hồi đầu tháng 4, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an Hà Tĩnh) đã triệt phá đường dây bán điện thoại giả mạo trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Shopee, Lazada… lừa đảo khoảng 7.000 bị hại, chiếm đoạt khoảng hơn 90 tỷ đồng. Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố 22 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định, thu giữ 20 máy tính các loại, khoảng 3.000 điện thoại chất lượng kém, cùng nhiều đồ vật tài liệu có liên quan.
Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết: "Những mặt hàng điện thoại di động cũ đã qua sử dụng tại thị trường nước ngoài, thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu. Tuy nhiên, mặt hàng điện thoại di động đã qua sử dụng này, một số người bất chấp pháp luật vận chuyển lậu từ nước ngoài về Việt Nam bán kiếm lời".
Điện thoại giả mạo thường không được kiểm định chất lượng, dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Hầu hết các sản phẩm này thiếu tính năng bảo mật cần thiết, dễ hỏng hóc và thường không thể cập nhật phần mềm. Điều này không chỉ gây bất tiện mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến an ninh thông tin.
Một trong những nguyên nhân khiến điện thoại giả mạo tồn tại và phát triển mạnh mẽ là tâm lý muốn sở hữu hàng hiệu nhưng không đủ khả năng tài chính của người tiêu dùng. Nhiều người không ngần ngại bỏ ra một khoản tiền lớn để mua các sản phẩm nổi tiếng với giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường. Khi nhìn thấy quảng cáo hấp dẫn hay những lời mời chào giảm giá từ các trang thương mại điện tử, họ thường bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo, dẫn đến việc mua phải hàng giả, hàng nhái.
Chia sẻ với VnBusiness, bạn Nguyễn An (sinh viên năm nhất Đại học Thủy Lợi Hà Nội) kể lại, vừa vào năm học nên muốn mua một chiếc điện thoại mới qua mạng để phục vụ cho việc học tập và giải trí. Sau khi tìm kiếm sản phẩm trên các tài khoản Facebook, An phát hiện một quảng cáo hấp dẫn cho mẫu điện thoại yêu thích với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường. Mặc dù có chút nghi ngờ về mức giá, nhưng những đánh giá tích cực và hình ảnh đẹp mắt đã khiến An tin tưởng và đặt hàng.
Khi nhận sản phẩm, An nhanh chóng thất vọng. Chiếc điện thoại không chỉ "chậm chạp" mà còn thường xuyên bị treo, camera kém chất lượng và không thể cập nhật phần mềm. Sau một tuần sử dụng, pin điện thoại bắt đầu phồng và có dấu hiệu nguy hiểm. Khi An liên hệ với người bán để đổi trả, họ không phản hồi. Sau khi đem ra một cửa hàng cạnh nhà thì An nhận ra mình đã mua phải hàng giả mạo, không rõ nguồn gốc.
Xuất hiện nhiều hành vi lừa đảo
Ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, các mặt hàng có nguy cơ cao vi phạm về hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ là hàng tiêu dùng; hàng điện máy, linh kiện điện tử, điện và điện tử gia dụng; thực phẩm chức năng, đường cát, tân dược; thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, rượu, sắt thép, phế liệu... Đáng chú ý, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng hiện được công khai trên các website thương mại điện tử.
Hiện nay, việc mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra nhiều cơ hội cho những kẻ lừa đảo. Nhiều trang web và tài khoản mạng xã hội mạo danh các thương hiệu nổi tiếng, cung cấp sản phẩm với giá cực kỳ hấp dẫn. Khi người tiêu dùng đặt hàng, họ có thể nhận được một sản phẩm hoàn toàn khác hoặc không nhận được hàng. Thậm chí, có nhiều trang web chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn trước khi biến mất cùng với số tiền của khách hàng.
Một số cửa hàng còn sử dụng các chiêu trò quảng cáo đánh lừa, chẳng hạn như tạo ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn hoặc thông báo "giá sốc" cho các sản phẩm mới. Người tiêu dùng dễ dàng bị cuốn hút và không kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc sản phẩm. Khi họ phát hiện ra mình đã bị lừa, thì đã quá muộn để có thể lấy lại tiền hoặc đổi sản phẩm.
Bên cạnh đó, nhiều kẻ lừa đảo còn lợi dụng sự phát triển của công nghệ để đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của người tiêu dùng. Sau khi người dùng cung cấp thông tin thanh toán trên các trang web giả mạo, họ sẽ bị rút tiền một cách bất hợp pháp mà không hay biết. Điều này không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng đến danh tiếng cá nhân khi thông tin cá nhân bị rò rỉ.
Những sản phẩm giả mạo không chỉ làm mất tiền của người tiêu dùng mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điện thoại và linh kiện không chính hãng có thể gây hại cho sức khỏe, như pin bị nổ hoặc quá nhiệt. Ngoài ra, việc sử dụng các sản phẩm này còn khiến người dùng dễ bị tấn công bởi các phần mềm độc hại, dẫn đến nguy cơ mất mát dữ liệu cá nhân, thông tin nhạy cảm và tài chính.
Theo một thống kê, Việt Nam có đến 53% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone, cho thấy tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, đi cùng với đó là tình hình vi phạm về thương mại điện tử cũng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Do đó, việc lật tẩy các website bán các sản phẩm giả mạo, sản phẩm nhái, sẽ góp phần không nhỏ mang lại hiệu quả trong công tác chống gian lận thương mại trên môi trường internet.
Vừa qua, Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải Quan đã ra văn bản số 770/ĐTCBL-P3 (ngày 11/9) về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thiết bị điện tử viễn thông, điện thoại iPhone nhập lậu trên tuyến hàng không. Cục Điều tra chống buôn lậu nhận định, thời điểm mở bán mẫu điện thoại iPhone 16 tại một số nước như Australia, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là lúc các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép điện thoại qua tuyến đường hàng không có dấu hiệu tăng đột biến.
Với người tiêu dùng, mỗi khi quyết định mua hàng qua mạng internet, giới chuyên gia khuyến cáo cần tìm hiểu kỹ về hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo; cần có sự đối chiếu, kiểm tra khi thấy có sự chênh lệch quá lớn giữa giá bán và giá trị hàng hóa hoặc có sự khác biệt quá lớn giữa giá bán được giới thiệu so với giá bán trên thị trường của cùng loại hàng hóa hoặc hàng hóa tương đương.
Lê Hồng