Chiều 25/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP. HCM 2024 lần thứ 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, Chủ tịch UBND TP. HCM, lãnh đạo các tỉnh thành với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ ngành đối thoại với các doanh nghiệp. |
Điều phối chương trình, TS. Trần Du Lịch đã đặt câu hỏi cho đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phát triển thị trường công nghệ Việt Nam. Thứ trưởng Lê Xuân Định nhìn nhận vấn đề này là một 'nút thắt' hiện nay cần tháo gỡ. Theo ông Định, để các kết quả nghiên cứu có thể thương mại hoá và thực sự trở thành một sản phẩm đổi mới sáng tạo thì một trong các “rào cản” chính là Luật Quản lý tài sản công.
“Theo góc nhìn của chúng ta hiện nay, khi một nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước thì những tài sản được hình thành từ nhiệm vụ đó được quản lý như một tài sản công, như một công trình xây dựng đã hoàn thành mà không tính rằng tất cả những đầu tư của chúng ta đã kết tinh thành tri thức và việc quan trọng nhất là quản lý tri thức ấy, truyền bá tri thức ấy và ứng dụng”, ông Định nói.
Thứ trưởng cho biết, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi Nghị định 70/2018/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước
“Chúng tôi đang cố gắng để tháo gỡ việc này tuy nhiên chỉ một nghị định là chưa đủ”. Theo Thứ trưởng, nếu không tháo bỏ được vướng mắc thì các cơ quan, tổ chức nghiên cứu không thể dùng tài sản của mình để góp vốn vào những doanh nghiệp, mà sử dụng chính những tri thức về khoa học công nghệ của mình để phát triển thành các sản phẩm phục vụ xã hội.
Một rào cản khác được chỉ ra là các quy định về quản lý công chức, viên chức không cho phép nhóm đối tượng này tham gia làm lãnh đạo doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp. Vì vậy đã ngăn cản sự chuyển đổi nhân lực có kỹ năng nghiên cứu, có tri thức giữa khối nghiên cứu như các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp. Trong khi chính các doanh nghiệp là nơi có thể khẳng định được hướng công nghệ ấy có khả thi về thị trường hay không.
Nói thêm về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận nguồn lực khoa học công nghệ của Việt Nam đang bị bó lại và muốn phát triển được thì phải phát triển thị trường công nghệ. Thủ tướng cho biết đó chính là trọng tâm trong dự án sửa Luật Khoa học và Công nghệ lần này.
Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ - sản phẩm trí tuệ phải được giao dịch và được coi là hàng hoá, có thể giao dịch trên thị trường một cách công khai minh bạch, đúng giá trị, tuân thủ quy luật thị trường là cạnh tranh, cung cầu, giá trị: “Tạo ra một thị trường công nghệ cạnh tranh và đúng bản chất của nó trở lại kinh tế thị trường. Đấy chính là nguồn lực chúng ta cần huy động. Còn nguồn lực nhà nước thì sẽ đóng vai trò vốn mồi", Thủ tướng lưu ý.
Đỗ Kiều