Ứng dụng công nghệ Blockchain mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam. |
Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu thúc đẩy việc sử dụng giao dịch kỹ thuật số thông qua công nghệ chuỗi khối (Blockchain) vào rất nhiều lĩnh vực như: dịch vụ ngân hàng, sản xuất công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp, y tế, bán lẻ và tiêu dùng… Đặc biệt, Blockchain có thể áp dụng phục vụ các lĩnh vực công.
Chẳng hạn, Singapore đang nổi lên như một trong những địa điểm nghiên cứu lớn nhất thế giới về việc sử dụng rộng rãi công nghệ Blockchain trong các ngành công nghiệp.
Ông Đức Trần, Giáo sư ngành Khoa học Máy tính thuộc Đại học Massachusetts (Boston, Mỹ) cho biết, Trung Quốc cũng là nước đang dồn lực để phát triển Blockchain, như việc đầu tư hàng tỷ USD để nghiên cứu Blockchain và nộp nhiều bằng sáng chế về Blockchain, với mong muốn trở thành quốc gia số 1 thế giới về công nghệ Blockchain…
Tại Việt Nam, nhiều tỉnh, thành đang thúc đẩy việc sử dụng Blockchain như: TP. Hồ Chí Minh đang ứng dụng Blockchain để tổ chức tốt hơn hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và phát triển đô thị.
Tương tự, TP. Đà Nẵng ứng dụng Blockchain trong thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, tạo ra nhiều việc làm, đem lại nhiều tiện ích cho người dân.
Trong khi đó, ứng dụng Blockchain không chỉ thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, chủ động với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm. Dự kiến vào năm 2030, Blockchain sẽ tạo ra 40 triệu việc làm, 10% - 20% cơ sở hạ tầng kinh tế toàn cầu sẽ chạy theo các hệ thống công nghệ Blockchain.
Tuy nhiên, công nghệ này cũng đang sản sinh ra nhiều đồng tiền ảo như Bitcoin (hay còn gọi là tiền kĩ thuật số, tiền mã hóa). Dù đa phần, Chính phủ các nước không công nhận tiền ảo là một loại tiền tệ và không được quy định là phương thức thanh toán hợp pháp. Việc các cá nhân, tổ chức giao dịch bằng Bitcoin với nhau, hoặc giao dịch trên các sàn quốc tế, chỉ mang tính cá nhân hoặc cục bộ, nhưng Chính phủ lại dành một khoản hỗ trợ không hoàn lại, đầu tư để các công ty phát triển Blockchain.
“Chính phủ một số quốc gia đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho Blockchain sau khi nhận thấy những tính năng ưu việt của công nghệ”, ông Đức Trần cho hay.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, trong kế hoạch phát triển đất nước giai đoạn 2035-2045 cũng nhấn mạnh đến mục tiêu Việt Nam trở thành nền kinh tế số, và để đạt được mục tiêu này cần phải sử dụng công nghệ Blockchain. “Trong nền kinh tế, ngay cả trong lĩnh vực ngân hàng mới chỉ có một vài nhà băng đang đủ điều kiện sử dụng. Nhiều ngân hàng họ chưa nhìn thấy Blockchain tạo giá trị thương mại cho họ”, ông Hiếu nói.
Theo chuyên gia này, NHNN nên sử dụng Blockchain cho hệ thống thông tin tín dụng của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Blockchain sẽ được dùng khi nhiều người chia sẻ dữ liệu, cập nhật dữ liệu, cần tính năng xác thực, giải pháp xác thực phức tạp, giao dịch nhanh chóng và liên quan nhiều người...
Về xu hướng phát triển của Blockchain, chuyên gia này cho biết, Blockchain là một công nghệ tính toán giúp lưu trữ và giao dịch với thông tin một cách an toàn (không sợ mất hay bị sửa đổi), minh bạch (dễ dàng xác minh, truy xuất), tin cậy tuyệt đối 100% (người dùng yên tâm giao dịch, không cần một trung gian thứ ba đứng ra đảm bảo).
“Hiện nay, Blockchain cùng với trí tuệ nhân tạo là công cụ để đưa Việt Nam vào một nền kinh tế số”, ông Hiếu nói.
Bàn về khả năng phát triển Blockchain tại Việt Nam, các chuyên gia nhận định, với nguồn nhân lực thông minh, cần cù là một thế mạnh lớn. Vì vậy, Việt Nam cần có những cơ sở đào tạo, cấp chứng chỉ về Blockchain để bước đầu tạo ra hệ sinh thái cho công nghệ này.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế cởi mở để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng và y tế. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần sớm có khung pháp lý đủ thuận lợi cho doanh nghiệp ứng dụng Blockchain phát triển.
Thanh Hoa