Công nghệ | Thứ tư, 8/11/2023 | 15:17 GMT+7
0 |

Chủ tịch FPT Semiconductor hé lộ: ‘Đơn hàng 70 triệu chip, tiếp nối giấc mơ bán dẫn của người Việt’ 

FPT Semiconductor xác nhận đã nhận được đơn đặt hàng 70 triệu chip trong 2 năm 2024 và 2025 cho các khách hàng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị y tế và nhiều ứng dụng điện tử. Đồng thời khẳng định, hoàn toàn có thể thiết kế ra dòng chip nguồn có giá cạnh tranh so với cả những hãng lớn trên thế giới.

Ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) kiêm Chủ tịch Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) đã có những chia sẻ với VnBusiness về con đường sản xuất chip bán dẫn.

- Ngành chip bán dẫn Việt Nam hiện nay đang “nóng bỏng” với sự tham của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng, cơ hội và thách thức của ngành này ra sao? làm thế nào để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất chip, bán dẫn toàn cầu?

Ngành thiết kế chip Việt Nam còn khá non trẻ. Công ty Việt Nam đầu tiên làm về thiết kế chip là vào khoảng năm 1999. Cho đến bây giờ, lĩnh vực thiết kế chip xuất hiện ở Việt Nam chưa đến 25 năm. Chúng ta vẫn còn khoảng cách xa so với thế giới. Nếu nói về kinh nghiệm hay các lợi thế, chúng ta không so được với các nước khác hay công ty khác. Bởi vậy thách thức là rất nhiều.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ có những lợi thế nhất định khi tham gia vào thị trường chip bán dẫn. Nếu chỉ thiết kế ra những dòng chip chạy theo thị trường thì ở thời điểm hiện tại sẽ rất khó. Nhưng nếu đi vào đúng nhu cầu khách hàng, làm ra những gì họ cần thì chúng ta sẽ có lợi thế nhất định.

FPT Semiconductor hoàn toàn có thể thiết kế ra dòng chip nguồn có giá cạnh tranh so với cả những hãng lớn trên thế giới. Chúng ta cũng có thể làm ra những dòng chip có hiệu năng tương đương khoảng 80-90%, thậm chí có thể đạt gần như 100% các hãng lớn, với giá thành rẻ hơn rất nhiều, chỉ tương đương 50-60% giá sản phẩm cùng loại.

Một lợi thế khác là các công ty Việt Nam có thể đi vào nhu cầu thiết kế của khách hàng. Một số khách hàng sẽ có những ứng dụng cụ thể, họ cần những dòng chip cụ thể, ví dụ thay đổi thứ tự bật tắt từng thành phần trong dòng chip nguồn thôi cũng đã là một nhu cầu khác rồi. Các công ty vừa và nhỏ rất khó yêu cầu các hãng lớn thiết kế ra dòng chip riêng cho họ. Những công ty Việt Nam như FPT Semiconductor có thể làm việc đó và từ đấy có thị trường của riêng mình.

Ngoài ra, các công ty Việt Nam còn có một số lợi thế khác về thị trường khi nhiều công ty đang chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Điều này làm tăng nhu cầu về các dòng chip tại Việt Nam.

Theo một thống kê không chính thức, mỗi năm có một lượng chip trị giá khoảng 6 tỷ USD được nhập về Việt Nam. Tuy nhiên, không có bất kỳ một công ty nào ở Việt Nam đang cung cấp những dòng chip này. Chưa kể đến tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam dần dần sẽ tăng lên, nhu cầu về các dòng chip Việt Nam vì thế cũng sẽ tăng lên trông thấy.

- FPT Semiconductor đang là đơn vị tiên phong sản xuất chip “made in Vietnam”, xuất khẩu ra thế giới. Ông có thể chia sẻ về hành trình từ ban đầu đến việc đưa sản phẩm ra thị trường?

Tháng 3/2022, Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) chính thức thành lập, để tập trung vào mảng bán dẫn. Việc thành lập FPT Semiconductor cũng là bước tiếp nối giấc mơ bán dẫn của nhiều thế hệ cha anh từ 1979 đến nay. Chúng tôi cũng mới thành lập Trung tâm R&D tại Đà Nẵng trong đó việc phát triển nguồn lực, hợp tác cùng Đà Nẵng trong thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực chip bán dẫn cũng đang được chúng tôi đặt ra các kế hoạch cụ thể.

Thế hệ sản phẩm đầu tiên của FPT Semiconductor là dòng sản phẩm chip nguồn - Power Management IC. Trong năm 2022, FPT Semiconductor đã thiết kế, sản xuất được 3 dòng chip nguồn, dự kiến 2023 sẽ có thêm 7 dòng chip mới.

Trong đó, dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) ở lĩnh vực y tế với tiêu chí "chip Make in Vietnam, Made by FPT" ra mắt năm 2022 đã đánh dấu tên tuổi của FPT Semiconductor trên bản đồ công nghệ chip thế giới. Đây được xem là một bước đột phá trong hành trình khẳng định trí tuệ Việt.

Trong năm 2023, đầu năm 2024, FPT Semiconductor sẽ tiếp tục thiết kế, sản xuất dòng chip IoT platform cho ứng dụng thiết bị thông minh, IoT cho nông, lâm, thủy hải sản.

Gần đây, FPT Semiconductor xác nhận đã nhận được đơn đặt hàng 70 triệu chip trong 2 năm 2024 và 2025 cho các khách hàng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị y tế và nhiều ứng dụng điện tử. Con số này gần gấp 3 lần so với kế hoạch đã đề ra.

- Sản xuất chip cần 3 công đoạn chính là thiết kế, chế tạo, kiểm tra và đóng gói. Vậy ông cho rằng Việt Nam nên chọn công đoạn nào? vì sao?

Trong làm chip có chuỗi ba đoạn: thiết kế, sản xuất và đóng gói dùng thử, Việt Nam có khả năng phục vụ cả ba. Đặc biệt, nếu tham gia vào phần sản xuất và đóng gói, Việt Nam có thể kêu gọi được các nhà đầu tư nước ngoài vào nếu cung cấp đất đai, nhân lực, điện nước và một số các chế độ ưu đãi khác nữa. Như vậy sẽ kêu gọi được nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Khi đó, Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp phụ trợ về ngành bán dẫn, các sản phẩm thiết kế tại Việt Nam có thể chuyển ngay sang các nhà máy tại Việt Nam để sản xuất và đóng gói.

Hiện tại, chip do FPT Semiconductor thiết kế được mang sang Hàn Quốc để sản xuất và sang Đài Loan để đóng gói, sau đó sẽ xuất sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Nếu chúng ta xây dựng được tất cả chuỗi tại Việt Nam thì đó sẽ là một lợi thế rất lớn.

- FPT tham gia vào kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, ông cho biết kế hoạch cụ thể hơn? Đánh giá ra sao về nguồn nhân lực chip bán dẫn hiện nay?

Theo một số thống kê không chính thức thì hiện Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, như vậy chúng ta phải tăng đội ngũ này lên 10 lần để đạt con số 50.000 theo mục tiêu của Chính phủ. Nhu cầu về nhân lực ngành bán dẫn đang tăng lên liên tục, có thể nói là không giới hạn, khi mà rất nhiều doanh nghiệp, công ty trên thế giới có xu hướng đổ về Việt Nam và thuê sử dụng nhân lực của Việt Nam.

FPT mong muốn đào tạo 10.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn từ nay đến năm 2030. Đại học FPT đã thành lập khoa vi mạch đầu tiên tại Việt Nam, liên kết mời các giáo sư từ Nhật Bản, Đài Loan đến tham gia cố vấn, giảng dạy. Chúng tôi cũng liên kết với các trường đại học hàng đầu ở Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản để mang các khóa học của họ về Đại học FPT.

Đặc biệt, FPT Semiconductor đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Silvaco - đối tác công nghệ lớn từ Mỹ để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và đẩy mạnh kinh doanh ở lĩnh vực giàu tiềm năng này.

- Theo ông, để Việt Nam chớp được cơ hội, trở thành trung tâm của ngành bán dẫn, đâu là những giải pháp cần thực hiện?

Việt Nam cần thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực bán dẫn, do vậy Chính phủ cần có những chính sách để hỗ trợ, ví dụ như tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán dẫn của Việt Nam được tham gia ưu tiên sản xuất trong một số lĩnh vực, hay mua sản phẩm của doanh nghiệp trong giai đoạn đầu để họ có thể phát triển và phục vụ được nhu cầu lớn hơn…

Tiếp theo, cần có chính sách tối ưu quy trình logistics. Nếu tiếp tục chu trình: thiết kế chỗ này, sản xuất lại ở một chỗ khác, đóng gói kiểm thử lại một chỗ khác nữa… sẽ gây tốn kém. Với vị thế của Việt Nam hiện nay thì hoàn toàn có thể rút gọn được chu trình đó.

Thêm vào đó, Việt Nam cần đào tạo nhiều nhân lực để đáp ứng nhu cầu. Bởi để một thị trường có hàng trăm triệu người, có hàng triệu kỹ sư bán dẫn thì không phải nước nào cũng có khả năng.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Thúy - Mạnh Nguyễn
 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu