Quý II, ‘vua tôm’ hết lỗ, ‘nữ hoàng cá tra’ giảm lợi nhuận. |
Thủy sản Minh Phú vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với doanh thu thuần giảm phân nửa so cùng kỳ, về mức 2.350 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp gần 331 tỷ đồng, lao dốc 62% so cùng kỳ 2022. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên chỉ giảm 14% so mức 19,8% của cùng kỳ.
Kỳ này, “vua tôm” cắt giảm mạnh chi phí bán hàng 61% về còn 181 tỷ đồng; chi phí quản lý cũng giảm 61% về mức 74 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của Thủy sản Minh Phú vẫn giảm mạnh gần 93% so với cùng kỳ, về mức gần 11 tỷ đồng nhưng vẫn khả quan hơn mức lỗ 97 tỷ đồng của quý I/2023.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của “vua tôm” giảm 48% so với cùng kỳ về còn 4.472 tỷ đồng. Tuy nhiên, thu không đủ bù chi khiến doanh nghiệp báo lỗ 86 tỷ đồng sau 6 tháng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 242 tỷ đồng.
Thủy sản Minh Phú giải trình, lợi nhuận kỳ này giảm do doanh thu bán hàng trong kỳ giảm. Đồng thời, hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nuôi tôm thương phẩm không có hiệu quả như Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy sản Minh Phú Lộc An, Công ty TNHH Thủy hải sản Minh Phú Kiên Giang và Công ty TNHH Sản xuất Giống Thủy sản Minh Phú Ninh Thuận.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp vẫn ở mức 10.432 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn kho chiếm phân nửa với 5.607 tỷ đồng, tiền mặt giảm 67% về còn 273 tỷ đồng.
Thủy sản Minh Phú đang vay nợ tài chính ngắn và dài hạn lần lượt là 3.669 tỷ và 201 tỷ đồng, tăng nhẹ so đầu kỳ.
Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm, CTCP Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần 4.945 tỷ đồng, giảm 34% so cùng kỳ. Biên lãi gộp cũng giảm về 19% so với mức 25% cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng nhẹ 2% lên 182 tỷ đồng chủ yếu từ lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện.
Còn chi phí tài chính giảm 8% về 140 tỷ đồng, chủ yếu do hoàn nhập gần 19 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh. Trong khi đó, lỗ chênh lệch tỷ giá và chi phí lãi vay lần lượt từ 79-80 tỷ đồng, tương ứng tăng 56% và 104% so với cùng kỳ.
Kỳ này, “nữ hoàng cá tra” cắt giảm 57% chi phí bán hàng, về còn 97 tỷ đồng nhờ chi phí vận chuyển, lưu kho và các chi phí dịch vụ mua ngoài khác giảm mạnh. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 6%, lên mức 137 tỷ đồng.
Sau cùng, lãi ròng doanh nghiệp 6 tháng đầu năm ghi nhận 631 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ.
Riêng quý II, doanh thu thuần và lãi ròng của Vĩnh Hoàn lần lượt đạt 2.724 tỷ đồng và 412 tỷ đồng, suy giảm 36% và 48% so với cùng kỳ.
So với mục tiêu doanh thu hợp nhất và lãi ròng năm 2023 ở mức 11.500 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, doanh nghiệp thực hiện được lần lượt 43% và 63% sau 6 tháng.
Tính tới cuối quý II/2023, Vĩnh Hoàn có tổng tài sản xấp xỉ 12.170 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho ở mức 3.927, tăng 39%; phải thu ngắn hạn ở mức 2.009 tỷ đồng, giảm gần 14%.
Giá trị khoản đầu tư tài chính ngắn hạn vẫn ở mức 1.778 tỷ đồng, trong đó có gần 175 tỷ đồng giá trị chứng khoán kinh doanh, bao gồm cổ phiếu NLG, DXS và KBC. Theo ghi nhận, giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này là 124 tỷ đồng, nghĩa là Vĩnh Hoàn đang tạm lỗ gần 51 tỷ đồng, tương ứng 29% và đã trích lập dự phòng.
Trong cơ cấu nợ phải trả 3.853 tỷ đồng, dư nợ vay ngắn hạn ngân hàng chiếm 2.664 tỷ đồng, tăng 21%.
Theo báo cáo phân tích vào cuối tháng 6 vừa qua, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự phóng doanh thu thuần năm 2023 của Vĩnh Hoàn vẫn giảm 13% về mức 11.498 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cũng giảm 38% về 1.255 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, chốt phiên 1/8, cổ phiếu VHC ngược dòng thị trường chung tăng lên mức 76.200 đồng/cp, ngược lại cổ phiếu MPC giảm về mức 18.300 đồng/cp.
Châu Giang