Theo quan sát, kể từ mức đỉnh vào quý II/2022, cổ phiếu của các doanh nghiệp thủy sản đã giảm khoảng 40 – 60%. Chẳng hạn, cổ phiếu VHC (Vĩnh Hoàn) đã giảm 35%; cổ phiếu ANV (Thủy sản Nam Việt) giảm 43%; cổ phiếu IDI (Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I) giảm hơn 46%; cổ phiếu MPC (Thủy sản Minh Phú) giảm hơn 62%...
Thị giá cổ phiếu ảm đạm cùng bức tranh kinh doanh
Có thể thấy, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết dường như đang phản ánh phần nào triển vọng ảm đạm của ngành thủy sản năm 2023.
“Năm 2023 là một “nốt trầm” của ngành thủy sản Việt Nam trước những tác động của suy thoái kinh tế, lạm phát toàn cầu và những khó khăn sản xuất chế biến trong nước, cộng thêm áp lực cạnh tranh quá lớn từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia...”, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam nhận xét.
Tính trong tháng 5, Vĩnh Hoàn đạt tổng doanh thu 954 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. |
Thống kê cho thấy, những tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu cũng như kim ngạch xuất khẩu cá tra đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ và giảm ở nhiều thị trường, chủ yếu bởi những khó khăn như nhu cầu yếu, vận tải tắc nghẽn và chính sách Zero covid tại Trung Quốc chưa chấm dứt.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 5 tiếp tục giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ giảm kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 5 bắt đầu chậm lại so với mức giảm 52% của tháng 4. Lũy kế kim ngạch xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm 2023 đạt 730 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế, tác động tiêu cực của thị trường đã thể hiện rõ trên các con số kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thuỷ sản trong những tháng đầu năm 2023.
Báo cáo kết quả kinh doanh tháng 5 của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) cho thấy, doanh thu các thị trường đều giảm mạnh. Trong đó, sản phẩm chủ lực cá tra có doanh thu 592 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước. Tính trong tháng 5, Vĩnh Hoàn đạt tổng doanh thu 954 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, trong quý I/2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 2.221,58 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 218,98 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Nếu xét riêng về doanh thu, mức giảm của “nữ hoàng cá tra” lớn hơn so với các đối thủ như Thuỷ Sản Nam Việt (doanh thu giảm 5% so với cùng kỳ), Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (giảm 6%), do thị trường Hoa Kỳ - thị trường chính của Vĩnh Hoàn là thị trường suy giảm mạnh nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Thị trường Hoa Kỳ chiếm khoảng 54% doanh thu xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn.
Theo đánh giá của SSI Research, lợi nhuận ròng của Vĩnh Hoàn đã chạm đáy trong quý 4/2022 do giá bán trung bình nằm ở mức thấp nhất. Hiện công ty kỳ vọng đơn hàng sẽ bắt đầu phục hồi từ cuối quý 3/2023 hoặc sang đầu năm 2024 khi lạm phát tại thị trường này giảm, mức tồn kho giảm và nhu cầu cho các dịp lễ hội cuối năm tăng lên.
Ở mảng tôm, “ông vua” Thuỷ sản Minh Phú cũng đã có quý lỗ đầu tiên kể từ khi niêm yết với mức lỗ 97 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước đạt 90 tỷ đồng). Doanh thu hợp nhất quý I của Minh Phú đã giảm 50% so với cùng kỳ.
Kỳ vọng hồi phục từ cuối quý III/2023
Dù vậy, thị trường vẫn cho thấy những dấu hiệu của sự phục hồi ngành cá tra vào những tháng tới. Theo VASEP, xuất khẩu cá tra được kỳ vọng hồi phục trở lại vào quý III, nhờ các chương trình giao thương, xúc tiến thương mại và chủ yếu kỳ vọng vào Trung Quốc, một số nước châu Âu như Anh, Đức, Bồ Đào Nha, các thị trường Trung Đông.
“Hiện hàng tồn kho bên Mỹ cũng đã cạn dần và nhu cầu nhập hàng của họ sẽ quay trở lại”, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư Ký VASEP cho biết.
Trong báo cáo mới nhất, chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, lạm phát tại Mỹ đang dần hạ nhiệt. Bên cạnh đó, cuối quý II là kỳ tích trữ kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ để phục vụ cho mùa cao điểm lễ hội cuối năm. Đây là những động lực cho giá cá tra tăng tại khu vực Bắc Mỹ.
Còn tại Trung Quốc, trong tháng 2, thị trường này có hiện tượng thiếu cung cá giống và cá tra nguyên liệu do các doanh nghiệp chế biến tại thị trường này bắt đầu tăng công suất 15 – 30% so với đầu năm. Nhu cầu mua cá tra nguyên liệu chỉ hạ nhiệt nhẹ trong tháng 3 khi cầu phao tại Móng Cái sửa chữa trong 5 ngày khiến hoạt động vận chuyển bị đình trệ. Đến thời điểm 10/3, cầu phao đã được hoàn thiện.
Thêm vào đó, nguồn cung tàu và container đang ở trạng thái dư cung nên việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các nước phương Tây sẽ được thuận lợi hơn trong năm 2023. “Nhiều khả năng thị trường cá tra sẽ phục hồi trong thời gian tới”, VCBS nhận định.
Tương tự, chứng khoán VNDirect dự báo nhu cầu thủy sản của Mỹ (một trong bốn thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất của thủy sản Việt Nam) có thể sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 do lạm phát giảm, mức tồn kho giảm và nhu cầu cho các kỳ nghỉ cuối năm. Mức tăng có thể lên tới 40-50% so với 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, tại thị trường EU, nhu cầu cá tra tiếp tục ổn định nhờ lạm phát cao.
“Nhu cầu đối với cá tra của Việt Nam tại EU sẽ ổn định trong nửa cuối năm do lạm phát tại EU vẫn ở mức cao, trong khi nguồn cung các loại cá thịt trắng khác như cá minh thái bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine”, VNDirect kỳ vọng.
Hải Giang