Sở GDCK Tp.HCM (HoSE) vừa ra thông báo bán đấu giá cổ phần Nhà nước của Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) đầu tư tại CTCP Cao su Đà Nẵng (mã: DRC). Theo đó, ngày 4/6 tới, Vinachem sẽ đấu giá 17,23 triệu cổ phiếu DRC với giá khởi điểm 25.170 đồng/cp, nhằm giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 36%.
Nếu thành công, tập đoàn sẽ thu về tối thiểu gần 433 tỷ đồng. Hiện nay, trên thị trường chứng khoán cổ phiếu DRC đang giao dịch tại mức giá 22.700 đồng/cp.
Lợi nhuận sụt giảm
Trong thời gian qua, tiến độ thoái vốn của Vinachem tại các doanh nghiệp diễn ra khá chậm, một mặt do khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp, mặt khác là thị trường chứng khoán có diễn biến kém thuận lợi.
Đặc biệt, xu hướng kết quả kinh doanh suy giảm trong 3 năm trở lại đây của các doanh nghiệp thuộc Vinachem khiến giá cổ phiếu biến động tiêu cực.
Cao su Đà Nẵng có thể được coi là doanh nghiệp sản xuất săm lốp hiệu quả nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại, hai dòng sản phẩm lốp Bias và lốp Radial đang là sản phẩm chủ lực và nổi bật của công ty, doanh thu từ hai sản phẩm này chiếm 80% tổng doanh thu.
Tuy nhiên, công ty lại vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2019 không khả quan với doanh thu thuần đạt 823,6 tỷ đồng, tăng trưởng 12,3% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm 19,1% xuống còn 21 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ chỉ còn 16,8 tỷ đồng, giảm 18% so với quý I/2018.
Lợi nhuận của Cao su Đà Nẵng giảm chủ yếu do tỷ suất lợi nhuận của lốp Bias giảm từ 23,8% xuống còn 20,7%, hơn nữa sản lượng tiêu thụ lốp Bias cũng giảm 10,5% so với cùng kì đạt 72.986 lốp trong khi đây là mảng đem lại lợi nhuận chính cho Cao su Đà Nẵng.
Đứng trước tình trạng kinh doanh kém khả quan của các doanh nghiệp săm lốp trong vài năm gần đây, năm 2019, Cao su Đà Nẵng đặt mục tiêu doanh thu thuần 3.875 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 157 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.
Trước đó, doanh thu thuần cả năm 2018 công ty đạt 3.551 tỷ đồng, giảm 3,21% so với năm 2017 và mới hoàn thành 77,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 177,45 tỷ đồng, cũng mới chỉ hoàn thành 86,3% chỉ tiêu lợi nhuận được giao. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 141 tỷ đồng, giảm 15,11% so với lợi nhuận đạt được năm 2017.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DRC giao dịch tích cực trong 3 tháng đầu năm khi tăng nhẹ từ 21.500 đồng/ cp lên 22.350 đồng/cp, tương đương 4%. Tuy nhiên, bước sang tháng 4, trước diễn biến tiêu cực chung của cả thị trường, cổ phiếu DRC quay đầu giảm giá về mức 21.000 đồng/cp và chỉ hồi phục trở lại mức giá 22.700 đồng/cp vào tháng 5.
Diễn biến giá cổ phiếu DRC trong 3 tháng gần đây |
Tiềm năng ở đâu?
Tình trạng lợi nhuận sụt giảm, giá cổ phiếu giao dịch thiếu nổi bật cũng là tình cảnh của các doanh nghiệp săm lốp thuộc sở hữu của Vinachem phải đối mặt như CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (mã: CMS)) và Cao su Sao Vàng (mã: SCR).
Nguyên nhân chung dẫn đến tình trạng này, theo các doanh nghiệp săm lốp, là giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và chi phí bán hàng gia tăng do đẩy mạnh chính sách bán hàng.
Tuy nhiên, dù khó khăn là vậy nhưng theo nhận định của một chuyên gia phân tích đến từ công ty Biên An Toàn, Cao su Đà Nẵng vẫn có dấu hiệu cải thiện tình hình. Cao su Đà Nẵng là doanh nghiệp vận hành tốt công suất các dự án mới như dự án Radial đã chạy 110% công suất trong khi nhà máy Radial của Cao su Miền Nam được đưa vào hoạt động cùng thời điểm mới chỉ đạt khoảng 30% công suất.
Điều này cho thấy một dự án với vốn đầu tư lớn có thể ban đầu chưa đem lại lợi nhuận lớn do khấu hao cao nhưng nếu vận hành tối đa công suất sẽ đem lại dòng tiền mạnh cho doanh nghiệp
Hơn nữa, Cao su Đà Nẵng cũng đã hoàn thành nâng công suất nhà máy Radial từ 300.000 lên 600.0000 lốp, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2 chỉ 500 tỷ đồng (giai đoạn 1 là 1.200 tỷ) do cơ sở hạ tầng có sẵn từ giai đoạn 1, dự kiến giá thành sản xuất của lốp Radial sẽ giảm xuống và tăng biên lợi nhuận.
Ngoài ra, Cao su Đà Nẵng đã đưa vào sản xuất lốp LTR sử dụng cho xe tải nhẹ với vốn đầu tư khoảng 4 tỷ đồng, công suất 200.000 lốp. Hiện, Thaco đã ký hợp đồng các sản phẩm mới này với Cao su Đà nẵng, kỳ vọng sẽ bù đắp vào sự sụt giảm của lốp Bias.
Ngoài ra, công ty cũng sẽ sản xuất lốp không săm mới cho xe tay ga và dự kiến sẽ đầu tư nhà máy sản xuất lốp PCR (lốp Radial bán thép sử dụng cho xe du lịch và xe tải trọng tải thấp) với công suất thiết kế là 4 triệu lốp vào năm 2020.
Cơ hội của Cao su Đà Nẵng còn là thị trường xe máy với các sản phẩm lốp không săm cho xe tay ga dù thị trường này có vẻ đã bão hòa nhưng doanh số bán xe máy của các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng nhẹ.
Thêm nữa, quá trình khấu hao kéo dài 7 năm của nhà máy Radial giai đoạn 1 trị giá 1.200 tỷ đồng sẽ kết thúc vào năm 2021, mức khấu hao hàng năm là quanh 170 tỷ đồng, do đó lợi nhuận được kì vọng sẽ tăng tốt sau năm này.
Nhìn chung, trong ngắn hạn, Cao su Đà Nẵng vẫn phải đối mặt khó khăn bởi áp lực cạnh tranh khi nguồn cung đang dư thừa từ Trung Quốc do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Nhưng về trung hạn, với nhu cầu săm lốp ô tô trong thị trường nội địa tăng trưởng tốt, các sản phẩm mới và khả năng M&A có thể là động lực tăng trưởng của Cao su Đà Nẵng.
Linh Đan