Tính đến hết phiên ngày 29/9, sàn HoSE đã có hơn 20 phiên liên tiếp có giá trị giao dịch khớp lệnh đạt từ 4.000 tỷ đồng trở lên. Đặc biệt, những ngày gần đây, thanh khoản thường xuyên lên mức 5.000. 6.000, thậm chí vượt 7.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Dòng tiền mạnh và luân chuyển liên tục tất yếu sẽ phải tìm đến những nhóm cổ phiếu phù hợp, và ngân hàng chính là mục tiêu lý tưởng. Chỉ có một số ít cổ phiếu ngân hàng có giao dịch trung bình dưới 1 triệu đơn vị/phiên, còn lại khối lượng giao dịch đều lên tới hàng triệu cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên.
Nhờ có câu chuyện riêng
Thực tế, nhìn vào những cái tên "tạo sóng" lớn trong nhóm ngân hàng vừa qua có thể thấy, đằng sau mỗi đà tăng khủng đều có câu chuyện riêng.
Cổ phiếu ngành ngân hàng thu hút được dòng tiền lớn trong những ngày qua. |
“Hot” nhất trên sàn chứng khoán gần đây phải kể đến cổ phiếu STB của Sacombank khi ghi nhận mức giao dịch đột biến trong phiên 22/9 với gần 45 triệu cổ phiếu được sang tay, giá cổ phiếu bật lên mức trần 12.550 đồng/cp.
Sự sôi động của cổ phiếu STB diễn ra đồng pha với một tin đồn được lan truyền rộng rãi trên nhiều diễn đàn đầu tư và mạng xã hội. Theo đó, CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) của ông Trần Bá Dương sẽ mua 180 triệu cổ phiếu STB (10% cổ phiếu đang lưu hành) với giá 18.000 đồng/cp từ Kienlongbank (mã: KLB).
Tuy nhiên, nhiều bên phủ nhận giao dịch cổ phiếu STB với khối lượng lớn và Thaco cũng chưa có ý định đầu tư cổ phần Sacombank.
Không dừng lại ở đó, trong những phiên giao dịch tiếp theo (23 - 28/9), STB tiếp tục là ngôi sao sáng trong nhóm cổ phiếu ngân hàng khi tăng mạnh lên 13.800 đồng/cp, thanh khoản trung bình đạt 27,7 triệu đơn vị/phiên. Chuỗi tăng giá của STB bị ngắt quãng bằng phiên giảm ngày 29/9, nhưng thanh khoản không hề giảm sút với gần 23 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.
Tại mức giá 13.300 đồng/cp của phiên 29/9, STB vẫn ghi nhận mức tăng 33% so với vùng giá 10.000 đồng/cp hồi cuối tháng 7 và tăng hơn 82% so với mức đáy cuối tháng 3.
Cổ phiếu LPB của LienVietPostBank cũng gây choáng với mức thanh khoản đột biến hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên, gấp đôi so với khối lượng giao dịch trung bình trước đó. Thị giá của LPB đã tăng gần 45% kể từ cuối tháng 7 và tăng hơn 100% so với cuối tháng 3.
Hỗ trợ đà tăng trưởng của cổ phiếu LPB có thể đến từ việc ngân hàng này sẽ nộp hồ sơ niêm yết và cam kết lên sàn HoSE trong năm 2020. Việc rời sàn UPCoM của LPB có thể nhằm hướng đến việc chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ không quá 4,99% vốn.
Câu chuyện chuyển sàn cũng là yếu tố hỗ trợ diễn biến tích cực trong thời gian qua của cổ phiếu ACB và SHB. Hai mã cổ phiếu này cũng đang là trụ cột chính giữ vững đà tăng cho HNX-Index những ngày gần đây.
Ngoài những cổ phiếu kể trên, một số đại diện nhóm ngân hàng như VCB (Vietcombank), MBB (MB), TCB (Techcombank) cũng ghi nhận thanh khoản tăng tích cực, song song với đó là giá trị tăng trung bình 30% chỉ tính từ đầu tháng 8.
Duy trì triển vọng tích cực
Bên cạnh những câu chuyện riêng, thực chất nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng lâu nay vẫn được đánh giá cao. Tại báo cáo của hầu hết các công ty chứng khoán đều đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư giải ngân vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, thanh khoản cao và hoạt động kinh doanh khởi sắc hơn trong 6 tháng cuối năm. Đây là những yếu tố mà phần lớn các cổ phiếu ngân hàng đáp ứng tốt.
Hiện, trên thị trường chứng khoán Việt Nam có 19 mã cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết với vốn hóa chiếm 1/4 toàn thị trường. Trong điều kiện GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, ngành ngân hàng cũng có nền tảng tốt để phát triển, bởi tốc độ tăng trưởng của ngành này thường nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của GDP khoảng 2-2,5 lần.
“GDP dự kiến tăng trưởng 5-6%/năm, là nền tảng cho tín dụng tăng trưởng 13-15% năm”, ông Đặng Trần Phục, chuyên gia tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDirect cho biết.
Cũng theo ông Phục, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng ngành ngân hàng tăng trưởng 12,6%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng riêng quý II lại tăng trưởng 22%. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,26% nhưng kỳ vọng cả năm có thể đạt 10-13% nhờ việc đẩy mạnh đầu tư công nửa cuối năm, từ đó cầu về tín dụng tăng trưởng tốt hơn.
Tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng kỳ vọng sẽ đạt 8-10% trong năm 2020, là tín hiệu tích cực cho cổ phiếu ngành này.
Đồng tình, bà Nguyễn Thị Phương Thanh - chuyên gia phân tích cấp cao tại VNDirect cho rằng, trong năm nay, các cổ phiếu ngân hàng niêm yết có thể vẫn có xu hướng giảm nhưng sẽ tăng trở lại trong năm 2021 nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, như hạ lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn từ 0,5-1%; giảm mức trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn từ 0,3-0,5%, hay lùi lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn…
Nhìn chung, cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn được đánh giá cao tùy vào khẩu vị của mỗi nhà đầu tư có sự lựa chọn khác nhau, dựa trên mỗi tiêu chí tùy vào từng thời điểm. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các chuyên gia khuyến nghị những ngân hàng có quản trị rủi ro chặt chẽ, thận trọng, nợ xấu giảm thiểu tốt sẽ có thuận lợi hơn. Còn về dài hạn, những ngân hàng có ứng dụng công nghệ cao và tiên phong trong phát triển sản phẩm mới, nâng cao thu nhập lãi dịch vụ sẽ có lợi thế hơn.
Minh Khuê