Kể từ khi tạo đáy tại vùng giá 20.000 đồng/cp hồi tháng 3, cổ phiếu Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi (QNS) đã tăng 83,5% lên 36.700 đồng/cp - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, hơn một nửa đà tăng của QNS tập trung chính vào giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8/2020.
Hiện QNS đã điều chỉnh giảm về vùng giá 34.000 đồng/cp nhưng so với mức giá đáy, cổ phiếu này vẫn tăng 70%, với thanh khoản trung bình ở mức khá, khoảng gần 400.000 đơn vị mỗi phiên.
Đồng loạt khởi sắc
Đà tăng giá của cổ phiếu QNS diễn ra trong bối cảnh Đường Quảng Ngãi công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 với doanh thu giảm so với cùng kỳ, đạt 3.122 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế giảm sút 16,5%, xuống còn 488 tỷ đồng, hoàn thành trên 53% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, đà tăng của cổ phiếu mía đường thời gian qua chỉ là sóng đầu cơ. |
Cùng thời điểm công ty cũng công bố quyết định chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2020 bằng tiền tỷ lệ 5%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 500 đồng. Danh sách cổ đông được chốt vào ngày 7/9/2020 và tiền chi trả vào 18/9/2020.
Đáng chú ý, giữa mức tăng được cho là quá cao của QNS, ông Võ Thành Đàng - Chủ tịch HĐQT đã công bố mua vào 92.500 cổ phiếu, tăng tỷ lệ sở hữu lên 6%. Động thái mua vào cổ phiếu QNS của ông Đàng đã diễn ra liên tiếp kể từ đầu năm.
Không chỉ QNS, cổ phiếu SLS của CTCP Mía đường Sơn La cũng ghi nhận mức tăng "khủng" từ vùng giá 41.000 đồng/cp hồi tháng 3 lên 76.900 đồng/cp (phiên 30/9), tương đương 87,6%, trong đó chỉ tính riêng quý III đã đóng góp tới 54%.
Đà tăng của SLS còn kéo dài thêm đến những phiên đầu tiên của tháng 10 vươn tới mốc 79.800 đồng/cp (phiên 6/10), tăng gần 95% kể từ cuối tháng 3. Đây là mức giá cao nhất của SLS trong nhiều năm qua.
Cũng giống QNS, hỗ trợ đà tăng của SLS là thông tin về việc Mía đường Sơn La thông qua việc chi trả cổ tức năm 2019 - 2020 bằng tiền với tỷ lệ 70% (1 cổ phiếu nhận 7.000 đồng). Quyết định này dựa trên kết quả kinh doanh niên độ tài chính 2019-2020 của công ty đều vượt xa kế hoạch đề ra.
Cụ thể, doanh thu thuần đạt 1.048 tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm trước đó và vượt 23,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế tăng 89% lên trên 119 tỷ đồng và vượt 367% chỉ tiêu.
Không nằm ngoài xu thế, "ông lớn" SBT của CTCP Thành Thành Công - Biên Hoà cũng tăng thêm hơn 39% kể từ tháng 3 tới nay lên 16.550 đồng/cp. Tương tự những cổ phiếu mía đường khác như LSS của CTCP Mía đường Lam Sơn, KTS của CTCP Mía đường Kon Tum...cũng kịp thời ghi nhận mức tăng hơn 70% trong hơn 6 tháng qua.
Đà tăng của SBT, LSS, KTS cũng có điểm chung với QNS, SLS là đều tập trung chính vào quý III và được sự hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh khởi sắc cùng với thông tin chia cổ tức tiền mặt ở mức cao.
Nhưng chỉ là sóng đầu cơ?
Nhìn vào diễn biến trên, nhiều nhà đầu tư tưởng rằng đã đến thời của nhóm cổ phiếu ngành mía đường, bởi sau một thời gian dài chìm nghỉm, những mã cổ phiếu này đã hấp dẫn được dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
Thực tế cho thấy, niên vụ 2019-2020 là một năm khó khăn đối với ngành đường Việt Nam. Theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA), gần 1/3 số nhà máy đường tại Việt Nam đã phải đóng cửa trong niên vụ này.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành mía đường đặc biệt là doanh nghiệp niêm yết đã vượt qua được những khó khăn này để công bố những kết quả doanh thu và lợi nhuận đáng kể. Thế nhưng, bức tranh tài chính của các doanh nghiệp đường vẫn có những điểm kém tích cực, như cấu trúc vốn có tỷ lệ nợ vay ở mức cao và nguồn tiền dự trữ mỏng.
Ðến cuối niên độ, ngoại trừ Thành Thành Công - Biên Hoà, các doanh nghiệp còn lại như Mía đường Sơn La, Mía đường Kon Tum, Mía đường Lam Sơn đều không có nguồn tiền gửi ở các kỳ hạn trên 3 tháng. Thậm chí, số dư tiền và tương đương tiền cũng rất ít trong cơ cấu tài sản.
Có thể lấy ví dụ trường hợp của Mía đường Sơn La, tính đền ngày 30/6/2020 công ty ghi nhận số dư tiền chỉ 4,7 tỷ đồng-khá nhỏ so với quy mô tài sản 1.128 tỷ đồng. Dư nợ vay ngắn và dài hạn của Mía đường Sơn La lên tới 448,4 tỷ đồng, chiếm 40% nguồn vốn, chi phí lãi vay trong năm qua chiếm đến 30,5% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (chưa bao gồm hoạt động tài chính).
Đặc biệt, Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ đầu năm, quy định xóa bỏ toàn bộ hạn ngạch nhập khẩu đường từ các nước ASEAN và thuế nhập khẩu chỉ ở mức 5% mới chỉ tác động lên 1 nửa niên độ tài chính, do đó còn cả 1 tương lai dài phía trước.
Lâu nay, ở khu vực, đường Thái Lan là đối thủ chính của ngành đường Việt Nam, khi là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về sản xuất đường. Mỗi năm, sản lượng đường lậu giá rẻ từ Thái Lan về Việt Nam ước tính chiếm hơn 30% nhu cầu sử dụng đường trong nước, tác động tiêu cực tới giá đường nội địa.
Trong bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực tìm cách cơ cấu lại nhằm đảm bảo sức cạnh tranh thì lượng tiền đổ vào cổ phiếu mía đường được các chuyên gia đánh giá chỉ mang tính chất đầu cơ ngắn hạn, ít nhất trong vòng 1,2 năm tới vẫn khó có thể tìm thấy "cửa sáng".
Minh Khuê