Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tổng xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường tính tới tháng 11 năm nay đạt 3,27 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong cả năm 2018 có thể đạt gần 3,8 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với năm ngoái.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm hiện đang có đà tăng trưởng khá tốt trước kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Cổ phiếu hút dòng tiền
Quay trở lại sàn chứng khoán hồi cuối năm 2017, cổ phiếu MPC của “vua tôm” Minh Phú giao dịch khá èo uột trong sự thờ ơ của nhà đầu tư với thanh khoản chỉ vài trăm đơn vị được khớp lệnh, thậm chí có những phiên không có giao dịch.
Bị giới đầu tư “ngó lơ” là xu hướng chung của hầu hết các doanh nghiệp niêm yết trên sàn UPCoM. Tuy nhiên, đến tháng 8/2018, nhóm cổ phiếu ngành thủy sản nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng thu hút được sự chú ý của dòng tiền, thanh khoản của MPC cũng vì thế bật tăng lên vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên.
Từ đó, lượng cổ phiếu giao dịch mỗi phiên của MPC cứ thế tăng trưởng đều đặn, hiện đang giao dịch tại mức dưới 500.000 đơn vị. Trong quá trình giao dịch cũng xuất hiện những phiên thanh khoản “khủng” lên hàng triệu đơn vị, thậm chí lên tới 4 triệu cổ phiếu (phiên 22/10).
Thanh khoản tăng chứng tỏ sức hấp dẫn của dòng tiền với cổ phiếu nhóm doanh nghiệp này, thị giá của MPC cũng bật tăng mạnh mẽ từ 37.500 đồng/cp (giá đã điều chỉnh phiên 17/8 ) lên 51.700 đồng/cp (phiên 4/10), tương đương mức tăng đạt gần 38%.
Hiện, cổ phiếu MPC đang được điều chỉnh giảm xuống vùng giá dưới 40.000 đồng/cp do ảnh hưởng bởi xu hướng chung của thị trường. Một trong những chiến lược của Minh Phú là sẽ chuyển sàn niêm yết từ UPCoM sang HoSE trong năm 2019 nhằm thu hút nhiều hơn nữa sự chú ý của giới đầu tư.
Tương tự MPC, cổ phiếu FMC của CTCP Thực phẩm Sao Ta cũng là một trong những “ông lớn” ngành tôm đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về thị giá và thanh khoản trong thời gian qua.
Kể từ giữa tháng 9, cổ phiếu FMC đã tăng mạnh từ mức giá 24.600 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) lên 31.450 đồng/ cp (phiên 13/11), tương đương tăng 27,8% chỉ trong 2 tháng.
Hiện FMC đang giao dịch quanh mức giá 29.000 đồng/cp bất chấp đà sụt giảm nặng nề của thị trường thời gian gần đây, tăng 33,4% so với đầu năm, thanh khoản trung bình đạt vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên.
Không chỉ thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường mà cổ đông lớn CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group – mã: PAN) mới đây đã đăng ký chào mua công khai 4,8 triệu cổ phiếu FMC, tương đương 11,85% vốn điều lệ công ty.
Mức giá chào mua PAN đưa ra là 30.000 đồng/cp, tương ứng với số tiền dự chi khoảng 143 tỷ đồng. Đây là mức giá trung bình của cổ phiếu FMC trong khoảng 2 tháng trở lại đây.
Nếu giao dịch lần này thành công, tổng sở hữu của PAN Group tại Sao Ta sẽ nâng lên hơn 18 triệu cổ phiếu, tương đương 45% vốn điều lệ công ty.
![]() |
Cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm hiện đang có đà tăng trưởng khá tốt trước kỳ vọng của các nhà đầu tư |
Doanh nghiệp ăn nên làm ra
Trong khi kim ngạch xuất khẩu tôm đang có dấu hiệu suy giảm thì Thực phẩm Sao Ta lại công bố tình hình kinh doanh 11 tháng năm 2018 với sản lượng chế biến đạt 20.781 tấn, doanh số tiêu thụ đạt 201,8 triệu USD, vượt lần lượt 7% và 6,2% chỉ tiêu kế hoạch năm; lợi nhuận tương ứng đạt trên 180 tỷ đồng.
Đồng thời, trại tôm công ty đang thu hoạch, còn 54 ao tôm lớn, dự kiến sẽ thu hoàn tất trong tháng 12 để chuẩn bị cải tạo ao cho vụ nuôi 2019. Song song với đó, Sao Ta còn đang tìm quỹ đất mở rộng nuôi các năm về sau.
Theo lãnh đạo của Thực phẩm Sao Ta, dự phòng rủi ro biến động giá nguyên liệu tăng mạnh nên khó đưa ra con số chính xác lợi nhuận cả năm 2018 nhưng ở mức tương đối có thể vượt khoảng 20% chỉ tiêu đề ra.
Đối với Thủy sản Minh Phú, giá trị xuất khẩu trong 10 tháng năm 2018 công ty đạt 612 triệu USD, dự kiến cả năm đạt hơn 1 tỷ USD. Hiện, công ty đang tìm đối tác chiến lược để hiện thực hóa quy trình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Danh tính của đối tác này sẽ được tiết lộ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến diễn ra vào đầu tháng 1/2019.
Tổng giá trị các hợp đồng đã ký kết tính đến tháng 10 là 738,19 triệu USD, khả năng công ty sẽ đạt được kế hoạch 800 triệu USD xuất khẩu trong năm 2018.
Một doanh nghiệp xuất khẩu tôm niêm yết có quy mô nhỏ là CTCP Camimex Group (mã: CMX) cũng có kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng năm 2018.
Cụ thể, trong 9 tháng Camimex Group đạt 803 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2017, lợi nhuận sau thuế đạt gần 59 tỷ đồng tăng cao gấp 3,7 lần cùng kỳ.
Cổ phiếu CMX cũng tăng mạnh từ mức 4.430 đồng/cp lên mức 15.000 đồng/cp như hiện nay, tương đương mức tăng đạt 238,6%.
Theo các chuyên gia, ngành tôm Việt Nam vẫn được đánh giá triển vọng nhờ hiệp định thương mại tự do ký với EU (EVFTA), sẽ có hiệu lực trong năm 2019.
Hiện, EU đang là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu tôm trong 11 tháng năm 2018 đạt 779,7 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái và chiếm 23,8% tổng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đi các thị trường.
Ngoài EVFTA thì chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng mang lại cơ hội cho sản phẩm tôm chế biến trong việc chiếm thị phần của Trung Quốc ở Mỹ.
Linh Đan