Từ mức giá 77.000 đồng/cp (phiên 14/3), cổ phiếu CTD đã điều chỉnh giảm dần về quanh vùng giá 60.000 đồng/cp ở hiện tại. Mặc dù có thời điểm cổ phiếu này hồi về mức 76.500 đồng/cp nhưng rồi lại vội vã rơi vào xu hướng giảm nhanh.
Doanh nghiệp được đặt nhiều kỳ vọng
Thậm chí trong buổi Đối thoại cổ đông (Shareholder’s day) của Coteccons mới đây, một số cổ đông cho rằng giá cổ phiếu của Coteccons đang rớt nhanh, giá cổ phiếu đang phản ánh không đúng về tình hình năng lực, giá trị thực tại của Coteccons, và yêu cầu ban lãnh đạo giải thích rõ về vấn đề này.
Một số cổ đông cho rằng giá cổ phiếu CTD rớt nhanh, đang phản ánh không đúng về tình hình năng lực, giá trị thực tại của Coteccons. |
Thực tế, Coteccons đang dần trở lại vị thế dẫn đầu ngành như đã từng đạt được trong quá khứ, nhất là trong bối cảnh ngành xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn khi thị trường bất động sản mới chỉ dần phục hồi từ mức nền thấp của năm 2023.
Xét về hoạt động kinh doanh, tính chung cả niên độ tài chính 2023 – 2024 (từ 1/7/2023 – 30/6/2024), Coteccons ghi nhận doanh thu 21.045 tỷ đồng, tăng 31% so với niên độ trước và đạt mức cao nhất 4 năm qua. Lợi nhuận sau thuế đạt 299 tỷ đồng, tăng 343% so với kết quả đạt được trong niên độ 2022 - 2023.
Qua đó, doanh nghiệp đã hoàn thành 105% mục tiêu doanh thu và 104% mục tiêu lợi nhuận cả niên độ theo kế hoạch kinh doanh mới được điều chỉnh vào cuối tháng 4/2024.
Đáng chú ý, sau khi thành lập văn phòng đại diện tại Indonesia hồi tháng 3 vừa qua, Coteccons đã có thông báo về việc đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức thành lập công ty con nhằm thực hiện các hoạt động liên quan đến xây dựng trên thị trường nước ngoài.
Hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence đánh giá việc mở rộng ra các thị trường nước ngoài được kỳ vọng sẽ giúp Coteccons tiến gần hơn đến mục tiêu đạt 1 tỷ USD vốn hóa và 3 tỷ USD doanh thu.
Được biết, tại thị trường quốc tế, hiện tại, Coteccons đang thi công một số dự án nhà xưởng tại Ấn Độ và Indonesia do hãng xe điện VinFast làm chủ đầu tư và đang nghiên cứu đấu thầu một số dự án khác ở thị trường quốc tế.
Không chỉ vậy, về giá trị gói thầu, Coteccons đã ký mới được hơn 15.000 tỷ đồng lượng backlog mới trong 8 tháng đầu niên độ tài chính 2023 - 2024.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh của Coteccons trong thời gian tới, một số tổ chức kỳ vọng doanh nghiệp này có thể giành được các hợp đồng xây dựng khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhờ sở hữu lợi thế là doanh nghiệp quy mô đầu ngành, là số ít đơn vị áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG và có khả năng thi công công trình đạt chứng chỉ LEED (chứng nhận cho các công trình xây dựng xanh).
“Sức khỏe” vẫn là dấu hỏi
Theo Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov, lý do cổ phiếu CTD “rớt” nhanh là bởi thời gian qua, cổ phiếu của Coteccons đang nằm chung với nhóm cổ phiếu liên quan đến ngành bất động sản. Trong khi hơn một năm qua, ngành bất động sản đang ảm đạm.
Thực tế, ngành xây dựng và bất động sản có quan hệ chặt chẽ với nhau, được ví như "răng với môi". Giai đoạn vừa qua, khi ngành bất động sản gặp khó khăn, “môi hở” nên “răng lạnh”, các doanh nghiệp xây dựng cũng lao đao theo. Tình trạng chủ đầu tư chậm thanh toán, mất khả năng chi trả; chủ đầu tư không có tiềm lực để triển khai, dự án tồn đọng… đã dồn ngành xây dựng vào bước đường cùng. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, đứng trước nhiều hiểm họa, thậm chí thua lỗ triền miên.
Sự sa sút của các doanh nghiệp xây dựng có nhiều nguyên nhân, trong đó cũng cần phải kể tới các khoản nợ khó đòi từ các đối tác là chủ đầu tư đã bó hẹp dòng tiền của doanh nghiệp qua nhiều năm.
Với Coteccons, giai đoạn 2021-2022, công ty bắt đầu trích lập dự phòng nợ khó đòi với các dự án tồn đọng cùng những khó khăn của ngành xây dựng đã tạo áp lực lớn lên biên lợi nhuận. Có những thời điểm như quý II/2022, vì trích lập dự phòng lớn, Coteccons đã lỗ gần 24 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp âm.
Lãnh đạo Coteccons từng cho biết, tùy tình hình thị trường, công ty có thể hoàn nhập hoặc tiếp tục trích lập dự phòng nếu khách hàng là các chủ đầu tư khó khăn hoặc phát sinh vấn đề trong thu hồi công nợ. Thị trường bất động sản vẫn ảm đạm, các khách hàng của Coteccons vẫn gặp khó khăn về dòng tiền. Vì vậy, công ty vẫn tiếp tục trích lập dự phòng và dự kiến trích lập khoảng 90 tỷ đồng cho năm tài chính 2024.
Tuy nhiên, đại diện tài chính của Contecons thông tin, năm 2024, công ty trích lập dự phòng tới 275 tỷ đồng, lũy kế con số trích lập đến hiện tại là 1.400 tỷ đồng. Sang năm 2025, công ty sẽ vẫn tiếp tục trích lập.
Mặt khác, từ lâu, "miếng bánh" xây dựng dân dụng trong nước không còn đủ "màu mỡ". Biên lợi nhuận gộp ngày càng mỏng đi là điều khiến các lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp xây dựng đầu ngành trăn trở. Thậm chí, Coteccons còn kiên quyết không giảm giá thầu để hạn chế hiện tượng tự “cắt máu” trong ngành.
Để thoát khỏi “vòng kim cô” bó buộc sự phát triển của ngành xây dựng, các doanh nghiệp đã tìm đến những giải pháp khác là tham gia lĩnh vực mới như đầu tư công hoặc xây dựng khu công nghiệp. Trong đó, đầu tư công là mảnh đất màu mỡ thu hút nhiều doanh nghiệp xây dựng trong quá trình làm mới và định vị lại chiến lược. Coteccons đã kỳ vọng vào lĩnh vực này khi năm qua đã "cùng chung chiến tuyến" đấu thầu gói thầu thi công sân bay Long Thành. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi.
Một hướng đi khác mà các doanh nghiệp xây dựng đang tìm đến là đầu tư ra nước ngoài, xem đó là vấn đề sống còn. Coteccons cũng đã gia nhập đường đua tiến ra nước ngoài như đã nêu trên. Tuy nhiên, khoảng cách giữa mục tiêu và kết quả thực hiện còn khá xa, trong khi Coteccons hiện vẫn chưa công bố con số cụ thể cho kế hoạch này.
Có thể thấy, những yếu tố đó cho thấy “sức khỏe” của Contecons vẫn còn là dấu hỏi trên con đường lấy lại “ánh hào quang” năm nào. Đây có lẽ cũng là lý do khiến nhiều cổ đông cho rằng Coteccons là đơn vị rất "nhạy" thông tin, cổ phiếu có mức biến động giá cao, độ nhạy cũng rất lớn trong khi triển vọng của doanh nghiệp vẫn “sáng”.
Hải Giang