Tối muộn ngày 5/10, CTCP Xây dựng Coteccons (mã: CTD) đã chính thức công bố đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Bá Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Coteccons với nguyện vọng cá nhân.
Ông Dương sẽ thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và Thành viên HĐQT kể từ ngày 2/10/2020. Đồng thời, HĐQT cũng thống nhất bầu ông Bolat Duisenov đảm nhận trọng trách này, trở thành Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 5/10/2020.
Kết quả đã được báo trước
Sự kiện ông Dương rời ghế Chủ tịch HĐQT Coteccons đã gây bất ngờ cho nhiều người bởi cách đây không lâu ông vừa hoàn thành nâng tỷ lệ sở hữu tại Coteccons lên 5,77% và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp với cam kết gắn bó với công ty và cổ đông.
Coteccons của hiện tại đã là một Coteccons khác |
Bất ngờ là bởi, ông Nguyễn Bá Dương không chỉ là người sáng lập mà còn là "thuyền trưởng" của Coteccons từ những ngày đầu. Ông là một trong năm cổ đông sáng lập của Coteccons, khi công ty này được thành lập năm 2004 từ quá trình cổ phần hóa một đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 (FiCO). Đồng thời, ông cũng giữ vị trí Tổng giám đốc và sau đó là Chủ tịch HĐQT từ những ngày đầu thành lập.
Trong hơn 16 năm “chèo lái”, ông Dương cùng đội ngũ của mình đã đưa Coteccons trở thành một trong những nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam. Đến cuối quý II, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt gần 15.000 tỷ đồng, với vốn chủ sở hữu hơn 8.400 tỷ. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm ngoái lần lượt đạt 23.730 tỷ đồng và 890 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ có thể thấy, sự rời đi này của ông Nguyễn Bá Dương đã được ngầm dự báo từ trước khi các cộng sự lâu năm của ông Dương lần lượt rời khỏi những vị trí quan trọng của Coteccons như: Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công, Thành viên HĐQT Trần Quyết Thắng, cho tới Kế toán trưởng Vũ Thị Hồng Hạnh...
Trước đó, ông Nguyễn Bá Dương cũng bị miễn nhiệm chức danh Trưởng tiểu ban Chiến lược tại Coteccons, và người thay thế chính là ông Bolat Duisenov. Trong khi, Tiểu ban chiến lược này chỉ vừa mới được thành lập ngày 25/9.
Thực tế, dù là bất ngờ hay sự việc đã được dự báo trước thì việc rời đi của ông Nguyễn Bá Dương cũng vẫn khiến nhiều người không khỏi băn khoăn cho rằng đây có thể là dấu chấm hết cho hệ sinh thái vây quanh Coteccons vốn là một phần sức mạnh giúp nhà thầu này dẫn đầu ngành trong nhiều năm.
Một số đơn vị đáng chú ý trong hệ sinh thái quanh Coteccons gồm Ricons và Newteccons trong vai trò thầu phụ, BMWindows chuyên cung cấp nhôm kính, công ty nội thất Boho Décor, công ty vật liệu xây dựng chống thấm SOL. Những doanh nghiệp kể trên đều có liên quan đến ông Nguyễn Bá Dương và ông Trần Quang Quân (1 trong những thành viên HĐQT đã bị bãi nhiệm của Coteccons).
Tương lai khó đoán
Chỉ trong vòng vài tháng, Coteccons đã trải qua quá nhiều thăng trầm, đến khi mọi việc tưởng chừng như đã ngã ngũ khi những mâu thuẫn giữa ban lãnh đạo và nhóm cổ đông lớn đã được giải quyết ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Cùng với đó là động thái mua vào cổ phiếu CTD của ông Nguyễn Bá Dương đã phần nào ổn định tâm lý đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Cũng trong giai đoạn này, nhiều đánh giá tích cực đối với cổ phiếu CTD của các công ty chứng khoán đồng loạt được công bố. Gần đây nhất là Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) đã đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu này với mức giá mục tiêu là 90.400 đồng/cp.
PHS cho rằng, sự giảm nhẹ xung đột của ban điều hành sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty và nỗ lực tái cơ cấu sẽ mang lại kết quả tốt cho Coteccons vào cuối năm. Thế nhưng, đây là câu chuyện của những ngày trước.
Trên thị trường chứng khoán, trong khoảng 10 phiên giao dịch gần đây, diễn biến giao dịch của cổ phiếu CTD khá tiêu cực khi chỉ có 1 phiên tăng giá duy nhất, còn lại là đóng cửa trong sắc đỏ. Thị giá của CTD đã giảm sâu từ 73.100 đồng/cp (phiên 23/9) xuống 64.500 đồng/cp (phiên 6/10), tương đương gần 12%.
Tuy nhiên, thanh khoản của CTD trong phiên 6/10, ngay sau khi thông tin ông Nguyễn Bá Dương từ nhiệm được công bố rộng rãi đã gây chú ý với khối lượng giao dịch lên tới gần 2,9 triệu đơn vị, gấp 4,4 lần phiên trước đó.
Điều này chứng tỏ tâm lý bi quan của các nhà đầu tư khi triển vọng kinh doanh của Coteccons đang được đặt ra dấu hỏi lớn. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh thầu dự án lớn trong tương lai của Coteccons cũng bị bỏ ngỏ bởi uy tín cá nhân của người đứng đầu là rất quan trọng trong ngành xây dựng để có thể lấy được dự án.
Có thể thương hiệu Coteccons vẫn sẽ được đội ngũ cổ đông lớn kế nhiệm mà đại diện là Kusto tiếp tục phát triển, thậm chí vững mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, nếu nhìn vào lịch sử đầu tư của Kusto và những nhà đầu tư có liên quan ở Việt Nam trong những năm qua, có thể thấy Kusto không phải là một nhà đầu tư thân thiện.
Bi kịch của Descon và Beton 6 là một ví dụ điển hình của kịch bản đầu tư, xung đột lợi ích rồi thâu tóm của Kusto. Tuy nhiên, điều đáng nói là các doanh nghiệp này đều rơi vào tình cảnh kinh doanh lao dốc, đứng trên bờ vực phá sản.
Nhìn chung, tại thời điểm này chưa thể nói trước điều gì về vận mệnh của Coteccons và cổ phiếu CTD nhưng có một điều mà chắc chắn nhà đầu tư nào cũng nhận ra sau sự kiện quan trọng trên là Coteccons chưa từng thoát khỏi hố đen mâu thuẫn giữa các bên quyền lực.
Minh Khuê