Trái phiếu doanh nghiệp giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh mà không quá phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Đặc thù của trái phiếu doanh nghiệp là công cụ vay nợ do doanh nghiệp phát hành để huy động vốn và cũng chính doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Như vậy, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh.
Hiểu đúng về trái phiếu doanh nghiệp
Nếu hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, có thể dẫn đến mất khả năng trả nợ. Rủi ro mất vốn có thể xảy ra khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán cả gốc và lãi trái phiếu.
Thị trường trái phiếu gần đây ghi nhận nhiều thông tin tiêu cực và tiềm ẩn nhiều rủi ro với nhà đầu tư. Cụ thể, một số doanh nghiệp đẩy mức lãi suất phát hành trái phiếu lên cao để huy động vốn dù tình hình tài chính còn yếu. Đặc biệt, rất nhiều doanh nghiệp phát hành lượng trái phiếu lớn và không có tài sản đảm bảo, nợ trái phiếu ở mức cao và nếu gặp rủi ro thanh toán thì sẽ gây ra nguy cơ khó lường cho nhà đầu tư nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Trái phiếu doanh nghiệp: Tìm hiểu kỹ trước khi “xuống tiền” mua. |
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư cá nhân thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro của trái phiếu những vẫn tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp… Không ít người bỏ số tiền lớn mua trái phiếu thông qua lời mời gọi của các “môi giới trái phiếu” trên mạng xã hội.
Nhận định những nguy cơ tiềm ẩn, nhiều cơ quan chuyên ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng liên tục phát đi cảnh báo rủi ro đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nói chung, và trái phiếu doanh nghiệp bất động sản nói riêng.
Cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tài chính kém, kinh doanh thua lỗ hay những doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo, thậm chí là có dấu hiệu lừa đảo.
Công cụ pháp lý chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 16/9/2022. Theo đó, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có cả phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.
Đây được xem là công cụ pháp lý để chấn chỉnh lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm xóa bỏ tình trạng “vàng thau” lẫn lộn trong thời gian qua.
Nhưng hơn hết, chính các nhà đầu tư phải tự nâng cao nhận thức rằng: Trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp là có rủi ro, khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
Theo các chuyên gia tài chính, không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tạo ra một loại hình đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư cá nhân, bên cạnh các sản phẩm đầu tư truyền thống.
Tuy nhiên, lợi nhuận cao cũng sẽ song hành với rủi ro. Vì vậy, nhà đầu tư cần nâng cao nhận thức và hiểu biết để kiểm soát rủi ro, nhất là nhà đầu tư cá nhân vốn có ít lợi thế về thông tin và kỹ năng nghiệp vụ phân tích tài chính. Bộ Tài chính khuyến cáo, nhà đầu tư nên tìm hiểu thật kỹ các quy định pháp luật, nghiên cứu kỹ các thông tin về doanh nghiệp và trái phiếu phát hành, trước khi quyết định đầu tư. Không nên mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao.
Hiện tượng mua lại trái phiếu trên thị trường
Theo ghi nhận thực tế trong quý 3 năm nay, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành các đợt mua lại trái phiếu. Theo lý giải của các chuyên gia, các doanh nghiệp buộc phải tăng cường mua lại nhằm giảm áp lực đáo hạn và giải quyết các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi bởi quy định mới.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2% (khoảng 62.470 tỷ đồng), khối lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn vào khoảng 29.160 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn.
Sang tới năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng hơn rất nhiều, lần lượt ở mức 271.400 tỷ đồng và 329.500 tỷ đồng; trong đó, tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng việc mua lại trái phiếu trước hạn thông thường có thể có mặt tích cực hoặc tiêu cực, tùy trường hợp, bối cảnh. Ở mặt tích cực, theo lý thuyết, khi mua lại trái phiếu trước hạn thì doanh nghiệp không phải trả chi phí lãi vay đang khá cao, đồng thời giảm hệ số nợ/vốn chủ sở hữu. Qua đó doanh nghiệp cải thiện các chỉ tiêu tài chính.
Bên cạnh hiện tượng doanh nghiệp mua lại trái phiếu, càng về những tháng cuối năm, việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp càng diễn ra “nhỏ giọt”. Theo báo cáo của Fiin Group, tháng 8 vừa qua, thị trường trái phiếu chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt trong khối lượng phát hành. Cụ thể, giá trị phát hành trong tháng đạt 9,4 nghìn tỷ VNĐ, giảm lần lượt 84% so với cùng kỳ và 58% so với tháng 7. Nếu như trong quý 1/2022, doanh nghiệp BĐS và xây dựng là những nhóm ngành phát hành mạnh nhất thì càng về những tháng cuối năm lại càng giảm mạnh.
Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm trên là do sự cẩn trọng và chờ đợi các chính sách mới từ cả phía nhà đầu tư lẫn nhà phát hành. Trước tình hình tín room tín dụng dành cho doanh nghiệp bị siết chặt, room tín dụng dành cho doanh nghiệp BĐS bị thu hẹp, thị trường vẫn đang mong chờ những tín hiệu sáng đến từ những quy định, chính sách mới.
Trong lúc bức tranh chung của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang ảm đạm, các chuyên gia tài chính đưa lời khuyên nhà đầu tư nên hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin và theo đúng các quy định của pháp luật, tuyệt đối không mua khi chưa tìm hiểu rõ hoặc theo tư vấn của “môi giới trái phiếu”.
Nguyễn Xuân