Thị trường liên tục ghi nhận đà phục hồi kéo dài từ những phiên đầu tháng 8 đến nay, dưới sự dẫn dắt luân phiên của nhiều nhóm cổ phiếu quan trọng. Đáng chú ý, hầu hết bữa tiệc vui nào cũng đều có sự góp mặt sôi nổi của nhóm "cổ phiếu vua".
Đồng loạt “dậy sóng”
Chẳng hạn, trong phiên 15/8 vừa qua, VN-Index tiếp tục leo dốc sau khi đã có chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Điển hình, BID (BIDV) tăng 4,6%, đóng góp 2,3 điểm cho chỉ số chung; HDB (HDBank) bứt phá 3,5% với thanh khoản tăng gấp 3 lần và là mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với hơn 2,2 triệu cổ phiếu, đánh dấu phiên mua ròng thứ 11 của khối ngoại đối với mã cổ phiếu này…
Ngoài ra, với sự bùng nổ khối lượng giao dịch ở những cổ phiếu như SHB (Sahabank), HDB, VPB (VPBank)…, thanh khoản toàn ngành đạt 3.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Tính từ đầu tháng 8 đến nay, cổ phiếu SHB đã tăng tới 8,5% giá trị cùng lượng cổ phiếu giao dịch trung bình mỗi ngày là hơn 16,5 triệu đơn vị. |
Ấn tượng nhất phải kể đến cổ phiếu SHB khi tăng trần lên 15.900 đồng/cp với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 46,25 triệu đơn vị khớp lệnh, tương đương với hơn 700 tỷ đồng được sang tay. Khối lượng này cao gấp 3,6 lần mức giao dịch bình quân của SHB trong một năm gần nhất.
Đồng thời, đây cũng là mã đứng đầu thanh khoản toàn thị trường, chiếm hơn 8,3% tổng khối lượng tại sàn HoSE. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, SHB đã tăng tới 8,5% giá trị cùng lượng cổ phiếu giao dịch trung bình mỗi ngày là hơn 16,5 triệu đơn vị. Nhờ đó, thị giá cổ phiếu này đang gần quay về vùng đỉnh.
Tương tự, một số cổ phiếu ngân hàng khác như VCB của Vietcombank tăng tới 13%; KLB của Kienlongbank (+12,7%); BID (+9,9%); CTG của Vietinbank (+8,2%); MBB của MB (+6,6%); LPB của Lienvietpostbank (+6,2%)... cũng đang tiến dần về mức đỉnh.
Những con số nêu trên cho thấy, cổ phiếu ngân hàng đang được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm trở lại và ghi nhận đà phục hồi tốt hơn so với chỉ số chung cùng thời điểm.
Nhìn chung, sau giai đoạn điều chỉnh khá mạnh, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã rơi về vùng quá bán. Cùng với nhà đầu tư cá nhân, nhiều công ty chứng khoán, quỹ đầu tư nhận định mức định giá của nhóm này rất hấp dẫn để đầu tư dài hạn và tích cực mua vào trong thời gian qua. Điều này đã giúp cổ phiếu nhóm ngân hàng dần hồi phục ngay từ những phiên trong tháng 7 và là một trong những nhóm cổ phiếu giúp VN-Index thoát khỏi mức đáy.
Bên cạnh đó, đà tăng mạnh của nhóm ngân hàng cũng được cho là phản ứng tích cực với thông tin hàng loạt nhà băng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ.
Chẳng hạn, SHB vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 26.674 tỷ đồng; HDBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.030 tỷ đồng, nâng số vốn điều lệ lên 25.503 tỷ đồng; Kienlongbank được cho phép tăng vốn điều lệ tối đa thêm hơn 578 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ từ 3.652,8 tỷ đồng lên 4.231,2 tỷ đồng.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng như SeABank (SSB), Techcombank (TCB), ACB (ACB), Vietcapital Bank (BVB), OCB (OCB)… cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc tăng vốn điều lệ. Các phương án tăng phổ biến của nhóm ngân hàng này là chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên.
Chờ … “con sóng” lớn hơn
Đánh giá về triển vọng nhóm ngân hàng , giới phân tích cho rằng, các vấn đề về chất lượng tài sản sau COVID-19 của các ngân hàng ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022.
Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao khoảng 14%, được hỗ trợ bởi sự hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh và gói hỗ trợ ước tính 350.000 tỷ đồng. Trong khi đó, các ngân hàng hiện nay đang kiểm soát tốt bảng cân đối, từ đó hạn chế rủi ro từ biến động nền kinh tế.
“Sức khỏe tài chính" các ngân hàng hiện nay xứng đáng có mức định giá cao hơn so với thời điểm hiện tại”, các chuyên gia của Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định.
Vì vậy, ngoài động lực từ hoạt động tăng vốn điều lệ, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm 2022 sẽ là đòn bẩy hỗ trợ cho tính hấp dẫn của định giá, cũng như giá cổ phiếu của ngành ngân hàng, giúp các cổ phiếu ngành ngân hàng tăng trưởng vượt trội hơn so với mặt bằng chung của VN-Index.
“Giá cổ phiếu ngân hàng sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm”, ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital kỳ vọng.
Trong khi đó, các chuyên gia của Chứng khoán VDSC dự báo, xu hướng tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có thể được duy trì trong ngắn hạn và ngành ngân hàng sẽ dẫn đắt đà tăng của thị trường nhờ giá vẫn ở vùng chiết khấu tốt và tiếp tục đạt kết quả kinh doanh tích cực.
Tương tự, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là nhóm có dư địa tốt hơn, bền vững hơn nhóm khác trong nhóm vốn hóa lớn sẽ dẫn dắt đà tăng thị trường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa. Chẳng hạn, môi trường lãi suất dần tăng lên cùng một phần lo ngại liên quan đến rủi ro nợ xấu sẽ ảnh hưởng tới triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng. Vì vậy, trong dài hạn nên quan tâm tới cổ phiếu của những ngân hàng có hoạt động cho vay thận trọng và tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản cũng như trái phiếu doanh nghiệp ở mức tương đối thấp.
Bên cạnh đó, nên tập trung vào ngân hàng còn room tín dụng, xử lý tốt quá trình tái cơ cấu nợ xấu. Bởi trong 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng thống kê nợ xấu giảm khá tốt, đồng nghĩa với việc họ thực hiện tốt tái cơ cấu trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm. Cho nên, room tái cơ cấu phục vụ thời điểm 6 tháng cuối năm là có.
Ngoài ra là câu chuyện sáp nhập ngân hàng, mua lại từ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Và cuối cùng là những ngân hàng đạt tiêu chuẩn Basel II được ưu tiên mở room tín dụng trong thời gian tới.
Hải Giang