Từ ngày 17/8- 21/8/2018, CTCP Tập đoàn Yeah1 (mã: YEG) đã phân phối thành công 3,91 triệu cổ phiếu, tương đương 100% khối lượng chào bán cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống.
Sau đợt phát hành riêng lẻ, vốn cổ phần của Yeah1 tăng thêm 39,1 tỷ đồng lên mức 313 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu, thông qua vốn và thặng dư vốn cổ phần, tăng thêm 1.147 tỷ đồng.
Giá cam kết
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu YEG vẫn đang dò đáy sau nhiều đồn đoán dư luận, kết thúc phiên giao dịch ngày 27/8, cổ phiếu YEG đóng cửa tại mức giá 181.000 đồng/cp, tương ứng giảm 47,2% so với mức giá 343.000 đồng/cp lúc mới lên sàn (phiên 28/6).
Trong khoảng thời gian diễn ra giao dịch chào bán cổ phiếu cho Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, YEG giao dịch tại mức giá trung bình là 197.000 đồng/cp.
So với mức giá này, ông Tống đã phải mua cổ phiếu với mức giá cao gấp 1,5 lần mức giá trên sàn tại thời điểm, tổng số tiền chênh lệch mà ông Tống phải chi là 400 tỷ đồng.
Trong một thông báo gần đây được Yeah1 và Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống gửi Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE), nguyên nhân của việc mua với mức giá cao “chót vót” này là một phần trong quá trình tái cơ cấu cổ đông.
Đây là một thỏa thuận giữa các cổ đông lớn và nhà đầu tư nước ngoài tại Yeah1 mà cụ thể là DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd (DFVJ) ngay trước thời điểm cổ phiếu này lên sàn, với giá cam kết là 300.000 đồng/cp.
Sau khi ông Tống hoàn thành mua số cổ phiếu phát hành riêng lẻ, Yeah1 sẽ thực hiện thủ tục đăng ký tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên 100%.
Theo quy định thỏa thuận, DFVJ sẽ mua lại 3,19 triệu cổ phiếu này, như vậy, quá trình tái cơ cấu cổ đông của Yeah1 về cơ bản đã hoàn thành.
Việc giải trình về những giao dịch nội bộ “bất thường” dường như vẫn không khiến giới đầu tư đặt niềm tin, bằng chứng là thị giá cổ phiếu đã giảm gần một nửa so với thời điểm “đỉnh cao” chỉ cách đây gần hai tháng.
Mới đây, Macquarie Bank Limited – London Branch (Australia) đã phải bán bớt 88.150 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu tại Yeah1 xuống còn 4,74% và không còn là cổ đông lớn của Yeah1. Giao dịch được thực hiện theo thỏa thuận trong phiên 9/8 với giá 208.000 đồng/ cổ phiếu.
Với mức giá này, khoản lỗ của Macquarie Bank Limited tạm tính là 8,1 tỷ đồng, sau chưa đầy hai tháng đầu tư.
Động thái này của Macquarie Bank Limited càng khiến giới đầu tư nghi ngại về giá trị thực của YEG, bởi ngay từ khi chào sàn, thị giá cổ phiếu này đã vượt xa các “đại gia” trên thị trường chứng khoán Việt như: VNM, Sabeco…
Với tình trạng liên tiếp giảm, “dò đáy” như hiện tại, câu chuyện đâu là đáy của cổ phiếu YEG cũng là điều đáng quan tâm.
Lỗ ảo, lãi ảo cũng hợp pháp?
Hiện, cơ cấu cổ đông của Yeah1 bao gồm: Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống sở hữu 36,23% vốn tại Yeah1, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông còn lại theo đó giảm xuống.
Theo đó, ông Hồ Ngọc Tấn là 12,49%, hai quỹ Ancla Assets Ltd và DFJV lần lượt là 10,93% và 6,23%, thành viên HĐQT kiêm TGĐ Đào Phúc Trí là 3,83%, Macquarie Bank Ltd là 4,15%. Tổng cộng, các cổ đông trên nắm tới 73,86% vốn Yeah1.
Tuy nhiên, ngay sau khi Yeah1 được nới room ngoại lên 100% đồng thời DJVF thực hiện mua vào, cơ cấu cổ đông lớn của Yeah1 sẽ quay trở về như ban đầu.
Theo giải thích của YEG, việc giao dịch “lòng vòng” trước giao dịch là nhằm đảm bảo nhà đầu tư không bị hạn chế chuyển nhượng, đồng thời đảm bảo YEG có dòng tiền mới để hoạt động và đầu tư như đã cam kết.
Về khách quan, giao dịch mua vào cổ phiếu riêng lẻ của Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống khiến cho lợi nhuận trong tài khoản của vị Chủ tịch này giảm đi tới 400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, về bản chất, với mức giá cam kết 300.000 đồng/cp đã thỏa thuận trước đó, YEG sẽ có mức định giá ngày chào sàn cao “chót vót” cùng đà tăng “phi mã” những phiên chào sàn, khiến những cổ đông hiện hữu “tạm” lãi hàng trăm tỷ đồng.
Chỉ tính số cổ phiếu đã bán cho Macquarie Bank Limited, “người bán” đã lãi 78,5 tỷ đồng so với giá tham chiếu phiên chào sàn.
Theo Luật Chứng khoán, những cá nhân, tổ chức “làm giá” cổ phiếu sẽ bị xử phạt nặng thậm chí có thể bị truy tố hình sự.
Theo giải trình của YEG “các giao dịch này đều được báo cáo đến các cơ quan chức năng, được hướng dẫn chi tiết cách thực hiện cũng như sự chấp thuận về tính pháp lý của các giao dịch. Các hình thức giao dịch này cũng đã được một số các công ty niêm yết trong thời gian gần đây áp dụng và hoàn toàn tuân thủ pháp luật Việt Nam, phù hợp với thông lệ tài chính trên thế giới”.
Còn nhớ, một chuyên gia chứng khoán đã nhận định về thị giá cổ phiếu Yeah1 xung quanh những nghi ngại của giới đầu tư về mức giá chào sàn của YEG, việc Yeah1 lãi lớn trong những năm qua đã là quá khứ.
Chưa kể, con số lợi nhuận này được tính cả các công ty con theo phương pháp chiết khấu dòng tiền, việc này chỉ có “tác dụng” làm đẹp báo cáo tài chính, còn ở tương lai vẫn còn là dầu hỏi.
Vị này cũng lưu ý tỉ lệ sở hữu cổ phiếu của các nhà đầu tư lớn tại Yeah1 rất nhiều, cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài ít nên sẽ rất dễ đẩy giá cổ phiếu lên cao.
Đồng thời, hoạt động mua bán này cũng khiến giá trị định giá cổ phiếu YEG có độ chênh rất lớn với giá thực trên thị trường. Giá trị của cổ phiếu này phản ánh không bằng đánh giá của thị trường, mà được “neo” bằng cách mua bán lòng vòng có đi trái với nguyên tắc quản lý thị trường chứng khoán hay không, đó là câu hỏi đặt ra với các nhà quản lý.
Thùy Linh