Từ khi chuẩn bị lên niêm yết tới nay, Yeah 1 đã gây bất ngờ với hàng loạt thương vụ giao dịch liên quan đến cổ đông lớn.
Ngày 18/7/2018, CTCP Tập đoàn Yeah1 (mã: YEG) đã có công văn gửi Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM để giải trình về quá trình giao dịch và mục đích sử dụng vốn liên quan tới các đợt phát hành trước đó.
Thừa nhận… né quy định
Tại thời điểm ngày 21/4, hai cổ đông lớn nhất của Yeah1 là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Ảnh Nhượng Tống và DFJ VinaCapital nắm giữ lần lượt 11,3 triệu và 9,8 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, trước khi YEG chào sàn khoảng một tháng, ông Tống chỉ còn nắm 7,4 triệu cổ phiếu và DFJ VinaCapital nắm giữ 1,95 triệu cổ phiếu tương đương 7,14% vốn điều lệ của YEG. Yeah1 xuất hiện thêm một cổ đông mới là ông Hồ Ngọc Tấn với lượng sở hữu đúng bằng 3,91 triệu cổ phiếu.
Theo giải trình của Yeah1, thực chất các giao dịch cổ phiếu lòng vòng thời gian qua là giúp cổ đông DFJ Vinacapital bán 7,82 triệu cổ phiếu YEG đang nắm giữ cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi Yeah1 lên sàn.
Tuy nhiên, DFJ Vinacapital là cổ đông nội bộ, nên khi niêm yết, quỹ đầu tư này không thể chuyển nhượng trực tiếp cho nhà đầu tư nước ngoài, vì bị hạn chế chuyển nhượng trong 6 tháng.
Do đó, cấu trúc của giao dịch sẽ diễn ra theo ba bước: DFJ VinaCapital bán 7,82 triệu cổ phiếu cho ông Tống, sau đó ông Tống bán đi cho 6 cá nhân, rồi từ 6 cá nhân này chuyển cho 33 nhà đầu tư ngoại theo thoả thuận vào ngày thứ hai sau khi cổ phiếu YEG niêm yết.
Cũng theo thỏa thuận, ngay sau khi nhà đầu tư nước ngoài mua 7,82 triệu cổ phiếu với giá 300.000 đồng/cp, DFJ VinaCapital sẽ mua cổ phiếu mới do Yeah1 phát hành bằng 50% số cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài đã mua, tức 3,91 triệu cổ phiếu YEG cũng với mức giá 300.000 đồng/cp.
Thế nhưng, do tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại Yeah1 đã đạt 48,2%, tức là gần chạm trần 49%, nên việc ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống mua cổ phần của DFJ VinaCapital có thể được xem là động thái chủ động tạo “hở room ngoại” cho YEG đủ hấp dẫn khi lên sàn.
Ngay sau khi YEG hoàn tất nâng ‘room’ ngoại lên 100%, DFJ VinaCapital sẽ mua lại 3,91 triệu cổ phiếu này theo thoả thuận.
Do cũng là cổ đông nội bộ nên cá nhân ông Tống cũng vướng quy định hạn chế chuyển nhượng, ông Tống đã thực hiện giao dịch qua trung gian là ông Hồ Ngọc Tấn để có thể mua bán số cổ phần trên, để từ trung gian sẽ bán lại cho DFJ VinaCapital và sẽ mua lại 3,91 triệu cổ phiếu qua phát hành riêng lẻ.
Tất cả giao dịch của Yeah1 trong suốt quá trình trước và sau niêm yết có thể gọi bằng cách khác là “né” quy định hạn chế chuyển nhượng.
Về bản chất, tất cả giao dịch của cổ đông lớn trước khi Yeah1 niêm yết là để "né" quy định |
Dễ gặp rủi ro
Theo giải trình của Yeah1, lượng sở hữu của Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống trước và sau khi hoàn thành giao dịch là không đổi, vẫn giữ nguyên 11,33 triệu cổ phiếu, tương đương 41% vốn điều lệ doanh nghiệp.
Toàn bộ các giao dịch được thực hiện theo thoả thuận với nhà đầu tư nước ngoài, tránh bị hạn chế chuyển nhượng, vừa đảm bảo Yeah1 có dòng tiền mới để hoạt động và đầu tư như đã cam kết.
Bên cạnh đó, Yeah1 cũng khẳng định đây là quá trình “tái cơ cấu” hoặc “tái thiết lập” (restructure) cơ cấu cổ đông khá phổ biến của các công ty trước khi niêm yết, nhằm đáp ứng quy định chứng khoán cũng như nhu cầu của nhà đầu tư.
Lý giải về những giao dịch này, ông Tống cho biết đây là kết quả của việc đàm phán với nhà đầu tư và từ tư vấn của công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC), phù hợp với thông lệ trên thế giới.
Ngoài ra, giao dịch này còn giúp các cổ đông nội bộ của Yeah1 hiện thực hóa khoản đầu tư sau 10 năm tham gia hoạt động của tập đoàn như quỹ DFJ VinaCapital, giúp Yeah1 tiếp tục nhận được nguồn vốn mới cho hoạt động kinh doanh trong giai đoạn mới.
Trên thực tế, số tiền mà Yeah1 sẽ thu được từ những giao dịch “lạ” trước niêm yết lên tới gần 1.200 tỷ đồng, số tiền này sẽ được sử dụng một phần cho việc đầu tư vào ba công ty “bé hạt tiêu” là BlueX, ADSBNC và Netlink.
“Các giao dịch này đều được báo cáo đến các cơ quan chức năng, được hướng dẫn chi tiết cách thực hiện cũng như sự chấp thuận về tính pháp lý của các giao dịch. Các hình thức giao dịch này cũng đã được một số các công ty niêm yết trong thời gian gần đây áp dụng và hoàn toàn tuân thủ pháp luật Việt Nam, phù hợp với thông lệ tài chính trên thế giới”, trích giải trình của Yeah1.
Chi sẻ về mô hình chuyển nhượng của Yeah1, một chuyên gia chứng khoán cho rằng việc sắp xếp lại cơ cấu cổ đông, hay chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông trước khi niêm yết là hoàn toàn bình thường, không vi phạm quy định.
Tuy nhiên, việc chấp thuận cho Yeah1 thực hiện các giao dịch trên dễ “khuyến khích” các doanh nghiệp chuẩn bị lên sàn dựa vào đó tìm cách “lách luật” nhằm thực hiện các giao dịch nội gián.
Về mặt lý thuyết, giao dịch nội gián là hành vi của nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư tổ chức có được thông tin nội bộ có giá trị và sử dụng thông tin đó trước khi thông tin được công bố công khai nhằm mua – bán cho chính mình hoặc cung cấp cho bên thứ ba để hưởng lợi, hoặc sử dụng tại các “công ty ngoài khơi”.
Trong lịch sử hình thành và phát triển thị trường chứng khoán, chống giao dịch nội gián là mục tiêu mà các cơ quan chức năng hướng tới nhằm làm trong sạch môi trường chứng khoán Việt Nam.
Linh Đan