Tại ĐHĐCĐ vừa được tổ chức mới đây của Tập đoàn Cao su Việt Nam (mã: VRG), bên cạnh các báo cáo kinh doanh, ban lãnh đạo Tập đoàn đã dành thời gian giải đáp thắc mắc của cổ đông liên quan đến vấn đề khác, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tái cơ cấu sở hữu tại các đơn vị thành viên.
Một trong những nội dung quan trọng nhất hiện nay chính là việc rà soát, cơ cấu tại Tập đoàn theo chỉ thị Chính phủ, đặc biệt là phương án xử lý sở hữu chéo tại CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã: NTC).
Thay đổi ở phút 89
Hiện, Tập đoàn Cao su Việt Nam đang sở hữu 66% vốn tại CTCP Cao su Phước Hòa (mã: PHR) và 22,4% vốn tại Nam Tâm Uyên. Theo đó, Tập đoàn đang vi phạm quy định khi công ty mẹ cùng góp vốn tại các công ty con.
Do đó, vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm nhất chính là công ty mẹ hay Cao su Phước Hòa sẽ thực hiện bán vốn để xóa sở hữu chéo.
Theo phương án cơ cấu lại vốn góp tại Tập đoàn Cao su Việt Nam, Cao su Phước Hòa sẽ bán toàn bộ 37,2% vốn góp tại Nam Tân Uyên. Số cổ phần trên được công ty mẹ Tập đoàn Cao su mua lại 27,2% để nâng sở hữu lên 51% vốn, còn 10% bán cho đối tác khác.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo của Tập đoàn, hiện giá cổ phiếu NTC đang ở mức cao, nếu cao su Phước Hòa bán với giá thấp thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông. Do đó, Tập đoàn quyết định sẽ không thực hiện việc phát hành cho cổ đông chiến lược để nâng sở hữu tại Nam Tân Uyên nữa mà một trong hai sẽ bán cổ phiếu NTC ra thị trường theo đúng quy định.
"Còn thực hiện theo phương án nào, Tập đoàn sẽ trình Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Uỷ ban quyết định lựa chọn phương án nào, Tập đoàn sẽ thực hiện phương án đó", vị lãnh đạo này cho biết.
Điều này đồng nghĩa với việc đến thời điểm hiện nay, việc xác định chính xác Tập đoàn mẹ hay Cao su Phước Hòa sẽ thoái vốn tại Nam Tân Uyên thông qua việc bán cổ phiếu trên sàn giao dịch là chưa được rõ ràng.
Thực tế, những thông tin liên quan đến tiến trình thoái vốn của Cao su Phước Hòa đã được "rò rỉ" từ cách đây khá lâu và đã có tác động tích cực đến cổ phiếu NTC và PHR trong khoảng một năm qua.
Đối với NTC, cổ phiếu này đã liên tiếp có những đợt tăng "chóng mặt" và chinh phục mức đỉnh 150.100 đồng/cp vào phiên 10/6 vừa qua. Tuy nhiên, NTC đã có sự điều chỉnh về mức giá 137.000 đồng/cp (phiên 20/6) nhưng vẫn ghi nhận mức tăng khoảng 151,6% trong vòng một năm qua.
Tương tự, kỳ vọng vào khoản lợi nhuận từ việc thoái vốn tại Nam Tân Uyên sẽ được ghi nhận trong năm 2019 đã khiến cổ phiếu PHR trở thành cái tên "hot" nhất sàn chứng khoán kể từ đầu năm 2019 tới nay, khi ghi nhận mức tăng 76,4%, lên vùng giá 59.000 đồng/cp.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng kỳ vọng thái quá của các nhà đầu tư vào "game thoái vốn" đã khiến cổ phiếu NTC tăng quá cao, dẫn tới quyết định bất ngờ của Tập đoàn Cao su.
Thế nhưng, theo một vài báo cáo phân tích của các CTCK, cả PHR và NTC đều có cơ sở để tăng trưởng ngay cả khi không có những thông tin thoái vốn. Thông tin này chỉ như "chất phụ gia" tác động vào tâm lý các nhà đầu tư.
Cổ phiếu NTC tăng chóng mặt nhờ "game thoái vốn" |
Phản ứng ngược của "game thoái vốn"?
Thực tế, những năm gần đây, trong bối cảnh giá cao su giảm, Cao su Phước Hòa đã chuyển hướng mạnh mẽ hơn sang kinh doanh bất động sản khu công nghiệp – lĩnh vực đang có triển vọng tích cực nhờ hút được dòng vốn FDI.
Ngoài Nam Tân Uyên, Cao su Phước Hòa còn sở hữu cổ phần tại hai khu công nghiệp khác là KCN Tân Bình và KCN VISIP. Tại KCN Tân Bình, công ty nắm giữ 80% vốn và dự kiến mở rộng diện tích thêm 1.055 ha để đạt tổng diện tích hơn 1.400 ha.
Ngoài ra, doanh thu từ việc thanh lý cây cao su (4.000 ha gỗ già) cũng hứa hẹn mang lại cho Cao su Phước Hòa hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Về Nam Tân Uyên, theo tài liệu ĐHĐCĐ công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2019 đạt 303,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 130 tỷ đồng. So với thực hiện năm 2018, tổng doanh thu theo kế hoạch giảm 55% và lợi nhuận giảm 72%.
Nhưng nhìn vào diễn biến thực tế Nam Tân Uyên là doanh nghiệp thường có truyền thống nhiều năm đặt kế hoạch thấp nhưng kết quả thực hiện vượt xa kế hoạch.
Đặc biệt là tỷ lệ cổ tức cũng luôn tăng qua từng năm, điển hình nhất là năm 2018 với tỷ lệ chi trả gấp 11,5 lần kế hoạch đề ra (kế hoạch 17,38%, chi trả 200%).
Đáng chú ý, đây cũng không phải là lần đầu tiên Tập đoàn Cao su Việt Nam thay đổi phương án nâng sở hữu tại Nam Tân Uyên. Hồi đầu năm 2018, tập đoàn cũng đưa ra lý do thị giá cổ phiếu NTC trên sàn quá cao (trên 70.000 đồng/cp) nên sẽ không mua trực tiếp từ Cao su Phước Hòa mà mua từ phát hành riêng lẻ.
Trong suốt khoảng thời gian từ đầu năm 2018 đến nay, Tập đoàn Cao su Việt Nam mới lại tiếp tục có thông tin bất thường về động thái này.
Sau tất cả, Nam Tân Uyên vẫn như xưa, vẫn thuộc tập đoàn và Cao su Phước Hòa. Nam Tâm Uyên vẫn phải hợp nhất BCTC và vẫn có thể phát triển các dự án khu công nghiệp và Cao su Phước Hòa vẫn có lợi ích tại Nam Tân Uyên.
Do đó, nhiều nghi vấn đặt ra về mục đích thật sự của tập đoàn trong thương vụ tay ba này là gì. Phải chăng đây là chiêu "lách luật"?
Linh Đan