Tính đến hết tháng 8, chỉ số Vn-Index ghi nhận mức tăng 33%, HNX-Index tăng 35% kể từ đáy hồi cuối tháng 3/2020. Tuy nhiên, nhiều mã thuộc nhóm ngành hóa chất lại có mức tăng tốt hơn thị trường chung như DGC của Hóa chất Đức Giang, CSV của CTCP Hóa chất cơ bản miền Nam, VPS của CTCP Thuốc sát trùng Việt Nam (Vipesco)...
Giá cổ phiếu “nổi sóng”
Đặc biệt, ngày 28/7 vừa qua cổ phiếu HNX đã chính thức chuyển giao dịch từ sàn HNX sang HoSE với mức giá tham chiếu 39.700 đồng/cp, đến nay mã này đã tăng gần 4% lên 41.250 đồng/cp. Tuy nhiên, so với hồi cuối tháng 3, DGC đã ghi nhận mức tăng gấp hơn 3 lần.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp hóa chất đồng loạt "nổi sóng" trong nhiều tháng qua. |
Cũng ghi nhận mức tăng vượt trội so với đà tăng của thị trường chung, cổ phiếu CSV đã “chuyển mình” mạnh mẽ từ vùng giá 17.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi cuối tháng 3 lên 27.050 đồng/cp như hiện nay, tương đương mức tăng gần 60%.
Trường hợp của VPS gây khá nhiều bất ngờ cho giới đầu tư bởi vừa có một chu kỳ tăng giá “không tưởng” bất chấp kết quả kinh doanh không thuận lợi.
Cụ thể, trong giai đoạn từ 27/7-14/8, cổ phiếu VPS đã bất ngờ có 14 phiên tăng trần xác lập đỉnh giá mới ở mức 21.550 đồng/cp, gấp gần 3 lần so với những phiên giao dịch trước đó (8.000 đồng/cp). Sau đó, VPS đã điều chỉnh nhiều phiên liên tiếp về 13.450 đồng/cp nhưng vẫn ghi nhận được mức tăng hơn 68%.
Không có mức tăng đột biến như những cái tên kể trên, nhưng LIX của CTCP Bột giặt LIX (Lixco) cũng kịp thời vượt qua được mức tăng của Vn-Index trong 4 tháng qua (đầu tháng 4 đến cuối tháng 8) với 37,4% từ 40.770 đồng/cp lên 56.000 đồng/cp.
Một công ty bột giặt khác là CTCP Bột giặt NET (mã: NET) cũng vừa gây xôn xao thị trường khi 4 tháng qua, cổ phiếu NET đã tăng gần 67%. Nếu tính đến thời điểm hiện tại thì NET đã tăng 91% đang giao dịch tại vùng giá 63.000 đồng/cp.
Có một điểm đáng chú ý là tất cả những cái tên vừa “nổi sóng” này đều thuộc sở hữu của Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) với tỷ lệ sở hữu tương đối lớn. Ngoại trừ Hóa chất Đức Giang với tỷ lệ 8,85% thì các doanh nghiệp còn lại là Vipesco, Bột giặt NET , Bột giặt LIX, Hóa chất Cơ bản miền Nam... đều là những doanh nghiệp mà Vinachem sở hữu tỷ lệ 51% trở lên.
Không chỉ nhóm doanh nghiệp nhà Vinachem mà các cổ phiếu hóa chất khác như DPM của Đạm Phú Mỹ, DCM của Đạm Cà Mau...cũng giao dịch khá tích cực trong thời gian qua.
Phong độ nhất thời?
Thực tế, bất chấp đại dịch, nhiều ông lớn của ngành hóa chất đều đang ghi nhận những tín hiệu tích cực trong kinh doanh dù tình hình kinh tế chung còn ảm đạm, trong đó là sự hưởng lợi từ nguồn nguyên liệu đầu vào giá rẻ.
CTCK Mirae Asset đã chỉ ra chi phí điện chỉ chiếm khoảng 35%-45% chi phí sản xuất sản phẩm chủ lực của Hóa chất Đức Giang (phốt pho vàng). Trong khi, giá điện năm 2020 dự kiến nếu không tăng sẽ tạo lợi thế về mặt tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, giá nguyên liệu phốt pho thế giới nửa đầu năm 2020 thấp hơn 10% - 20% so với năm 2019 là nhân tố hỗ trợ tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận.
Hay như đối với trường hợp của VPS, dù có kết quả kinh doanh giảm sút nhưng dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã khiến các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng liên quan đến vật tư y tế, khử trùng khử khuẩn... lại đang có một số lợi thế nhất định tác động đến tâm lý của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, có một con “sóng ngầm” mà tâm lý các nhà đầu tư đang tập trung vào nhóm cổ phiếu ngành hóa chất này là hoạt động thoái vốn của Vinachem đang đi đến giai đoạn chót. Thực tế, hiện tượng “dậy sóng” ở các cổ phiếu có “game” thoái vốn là câu chuyện không mới nhưng chưa cũ trên thị trường bởi nhà đầu tư vẫn có sự kỳ vọng vào những doanh nghiệp có nền tảng tốt.
Theo Vinachem, hiện tập đoàn đang triển khai các bước chuyển nhượng vốn tại một số công ty cổ phần, trong đó có 3 doanh nghiệp niêm yết là Hóa chất cơ bản miền Nam, Phân lân Nung chảy Văn Điển (mã: VAF), Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã: LAS). Bên cạnh đó, thoái nốt phần vốn còn lại tại Hóa chất Đức Giang.
Trước đó, vào cuối năm 2019 Vinachem đã ráo riết thực hiện khá nhiều đợt thoái vốn tại Cao su Sao Vàng (mã: SRC), Cao su Đà Nẵng (mã: DRC), Phân bón miền Nam (mã: SFG), Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng (mã: DCI) và Bột giặt NET (mã: NET)...Tất nhiên, trước mỗi đợt thoái vốn hầu hết các cổ phiếu này đều ghi nhận một sóng tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh sự tích cực vẫn có ý kiến hoài nghi rằng, sự sôi động của nhóm cổ phiếu trên có nguyên nhân tác động từ chính đơn vị sở hữu vốn Nhà nước vì trách nhiệm phải tối đa lợi ích.Và khi giá cổ phiếu tăng cao cùng thanh khoản tốt sẽ có lợi cho việc chuyển nhượng cổ phần.
Thế nhưng, thị trường chính là thước đo chính xác nhất giá trị của các doanh nghiệp được thoái vốn, không phải công ty nào trong số đó cũng mang lại lợi ích cho nhà đầu tư. Bằng chứng là không ít đợt thoái vốn của Vinachem đã thất bại, nhiều nhà đầu tư nhận "trái đắng" khi cổ phiếu của các doanh nghiệp này "gẫy sóng".
Minh Khuê