Lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay của Vinachem âm hơn 1.000 tỷ đồng |
Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai cho quý III/2020.
Theo đó, Vinachem dự kiến doanh thu quý II đạt 10.432 tỷ đồng (thực hiện 91% so với kế hoạch quý) và ước lỗ 442 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm,Vinachem ước tính doanh thu đạt 19.971 tỷ đồng (thực hiện được 43,4% kế hoạch năm) và lỗ 1.025 tỷ đồng.
Trong đó bốn đơn vị thuộc Đề án 1468 là Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 1 Hải Phòng và DAP số 2 Lào Cai, nằm trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công thương tiếp tục ghi nhận lỗ lớn trong 6 tháng qua, lên tới 1.097 tỷ đồng. So với năm ngoái, số lỗ của các đơn vị này tăng 1.326 tỷ đồng.
Giải trình về nguyên nhân thua lỗ, lãnh đạo Vinachem cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt công tác. Bên cạnh đó, các yếu tố như thời tiết diễn biến bất lợi (mưa đá ở miền Bắc; hạn hán tại Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long) đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc canh tác, giảm nhu cầu phân bón. Nguyên liệu đầu vào, vốn và điều kiện sản xuất, cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng là khó khăn lớn đối với Vinachem.
Về kế hoạch kinh doanh quý III/2020, Vinachem dự kiến doanh thu đạt 10,210 tỷ đồng và lỗ 546 tỷ đồng. Trong đó các đơn vị thuộc Đề án 1468 lỗ 930 tỷ đồng, các đơn vị còn lại lãi 384 tỷ đồng. Ngoài ra, Vinachem cũng dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 9.622 tỷ đồng trong quý III.
Trước nguy cơ 4 dự án yếu kém có thể “kéo sụp cả tập đoàn” như lãnh đạo Vinachem từng lo ngại, Vinachem đã kiến nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng xem xét gỡ khó một số khoản vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho 3 dự án là đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP 2 Lào Cai. Đó là cơ cấu kéo dài thời hạn vay tối đa thành 30 năm; không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả kể từ khi phát sinh; điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay,...
Đối với khoản vay Vietinbank, BIDV, Vietcombank, Vinachem đề nghị cho 3 dự án trên được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; tiếp tục cho vay vốn lưu động.
N.L