Theo cập nhật mới nhất của FiinTrade, tính đến ngày 5/5/2024, ngành hàng không đang dẫn đầu toàn thị trường chứng khoán về mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ, với mức tăng 1.962,7%.
Đua nhau báo lãi đột biến
Điển hình, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã: HVN) ghi nhận lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt xấp xỉ 1.500 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 137 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I/2024 lên tới 4.400 tỷ đồng, trong khi các quý liền trước của năm 2023 đều lỗ (quý IV/2023 lỗ 1.982 tỷ đồng, quý III lỗ 2.203 tỷ đồng, quý II lỗ gần 1.295 tỷ đồng, quý I lỗ hơn 37 tỷ đồng).
Nhóm cổ phiếu hàng không đang được dòng tiền ưu ái. |
Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cũng công bố khoản lãi kỷ lục hơn 2.900 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ trong quý I/2024.
Mặc dù không ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục, song hãng hàng không giá rẻ CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air, mã: VJC) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý I vừa qua.
Theo báo cáo tài chính, quý I/2024, doanh thu vận chuyển hàng không của Vietjet đạt 17.765 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 520 tỷ đồng, tăng lần lượt 38% và 209% so với cùng kỳ năm 2023.
Vietjet ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 17.792 tỷ đồng và 539 tỷ đồng, tăng 38% và 212% so với cùng kỳ 2023. Với mức lợi nhuận này, Vietjet đã quay về thời kỳ trước khi dịch Covid-19 ập đến.
Một hãng bay khác cũng lần đầu ghi nhận kết quả kinh doanh "cất cánh" là Pacific Airlines. Đây là quý đầu tiên sau đại dịch Covid-19, đơn vị thành viên của Vietnam Airlines có lãi.
Ngay cả tân binh trên thị trường là hãng hàng không lữ hành Vietravel Airlines, cũng lần đầu tiên có lãi sau thuế hơn 10 tỷ đồng trong quý I/2024 sau hơn 3 năm đi vào khai thác.
Nhìn chung, các hãng hàng không có kết quả kinh doanh tích cực trong 3 tháng đầu năm 2024 bất chấp thị trường chung gặp khó khăn vì thiếu máy bay (do nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney triệu hồi động cơ PW1100 trên toàn thế giới, trong đó hàng chục máy bay tại Việt Nam cũng phải tạm dừng khai thác để bảo trì).
Doanh thu của các hãng nội địa tăng mạnh trong giai đoạn cao điểm Tết, khi giá vé neo cao chót vót với một số chặng nóng. Tình trạng giá vé cao còn kéo dài đến cả tháng sau Tết Nguyên đán.
Mặt khác, các hạng vé giá rẻ 0 đồng, 9.000 đồng, 14.000 đồng, 99.000 đồng... để kích cầu du lịch cũng gần như biến mất từ đầu năm nay, khi giá trần vé máy bay bị áp, du lịch dần hồi phục và các hãng hàng không cần tăng trưởng để bù đắp nguồn thu giai đoạn sau đại dịch.
Một nguyên nhân khác giúp doanh nghiệp hàng không cải thiện doanh thu đến từ việc thị trường quốc tế hồi phục. Sau 3 năm bị ảnh hưởng từ đại dịch, các hãng hàng không đang co kéo nguồn lực để cân đối hiệu quả giữa đường bay nội địa và quốc tế. Từ quý cuối năm 2023 đến nay, một số hãng giảm tần suất hoặc cắt các đường bay nội địa ít khách để dồn lực cho các tuyến bay quốc tế.
Nhà đầu tư xếp hàng lên “tàu bay”
Trên thị trường, nếu như trong năm 2023, nhóm cổ phiếu ngành hàng không có diễn biến kém tích cực hơn thị trường chung, thì từ đầu 2024 đến nay, nhóm cổ phiếu hàng không, đặc biệt là cổ phiếu Dịch vụ hàng không có diễn biến tích cực hơn hẳn, nhất là sau thông tin tăng trần vé máy bay nội địa từ 1/3/2024 theo Thông tư số 34/2023/TT- BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.
Nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc, nhóm cổ phiếu này như được tiếp thêm “nhiên liệu” bật tăng mạnh mẽ trong vài phiên gần đây.
Chẳng hạn, dù đang trong diện hạn chế giao dịch trên HoSE nhưng cổ phiếu HVN vẫn “bay cao” khi tiếp tục tăng trần vào phiên 6/5. Trước đó, trong phiên cuối tuần 3/5, cổ phiếu này “tím lịm” với khối lượng giao dịch tăng mạnh lên 6,7 triệu đơn vị, sau thông tin kết quả kinh doanh đột biến. Hiện, HVN có giá 19.750 đồng/cp, tăng khoảng 40% chỉ trong hơn 1 tháng qua, cũng là mức giá cao nhất trong vòng 23 tháng, kể từ đầu tháng 6/2022.
Tương tự, cổ phiếu VJC cũng tiếp nối đà tăng, bật lên mức trần 113.400 đồng/cp (phiên 6/5). Một cổ phiếu hàng không khác có 4 phiên tăng liên tiếp là ACV khi đang ở mức 98.200 đồng/cp, tăng hơn 20% chỉ trong thời gian ngắn.
Theo dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024. Trong đó, thị trường châu Á - Thái Bình Dương, khu vực phục hồi chậm nhất, có thể ngắt mạch lỗ và đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ USD trong năm 2024.
Trong báo cáo phân tích ngành hàng không, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng các hãng hàng không đang đứng trước cơ hội phục hồi và gia tăng lợi nhuận khi thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng so với thời điểm trước dịch Covid-19, thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục và trở lại.
"Dự báo thị trường hàng không Việt Nam cũng nằm trong xu thế của thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm 2024", báo cáo phân tích nêu.
Về định giá, theo phân tích của Chứng khoán Yuanta, định giá của ngành Dịch vụ hàng không vẫn đang ở mức EV/EBITDA 39.x, cao hơn hơn nhiều so với giai đoạn 2018-2019, trong khi nhóm kho bãi, hậu cần và bảo dưỡng EV/EBITDA ở ngang mức trước dịch - khoảng 15.x.
Với kỳ vọng hồi phục nhu cầu du lịch, Chứng khoán Yuanta cho rằng định giá các doanh nghiệp kho bãi, hậu cần và bảo dưỡng đang ở mức hấp dẫn, trong khi các doanh nghiệp hàng không vẫn cần thêm thời gian hồi phục.
Mặt khác, công ty chứng khoán này cũng đưa ra lưu ý: Việc tăng trần giá vé máy bay sẽ tạo điều kiện cho các hãng bù đắp chi phí đầu vào, đặc biệt là giá nhiên liệu, có dư địa điều chỉnh giá vé trên đường bay nội địa. Tuy nhiên, các hãng sẽ phải cân đối giá vé để bảo đảm hiệu quả hoạt động và quyền lợi khách hàng.
Hải Giang