Nhìn chung từ đầu năm đến nay, nhóm ngành hàng không vẫn chưa thực sự khởi sắc. Nguyên nhân một phần là bởi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không vẫn “chật vật”.
Khó khăn "đè nặng cánh bay"
Theo giới phân tích, do thị trường khách quốc tế chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu nên các hãng bay vẫn chưa thoát lỗ hoặc vẫn lao đao vì dư âm từ đại dịch.
Tính đến cuối tháng 9, các hãng hàng không dù giảm lỗ 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ nhưng vẫn lỗ trước thuế gần 700 tỷ đồng. Thực tế cũng ghi nhận việc đẩy mạnh khai thác thị trường quốc tế giúp Vietnam Airlines và Vietjet cải thiện đáng kể biên lãi gộp lên khoảng 5-8% nhưng vẫn rất mỏng so với trước dịch.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh vận tải cốt lõi chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là các thị trường trọng điểm. Các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá biến động mạnh, lãi suất cũng ảnh hưởng tiêu cực, "đè nặng cánh bay".
Lĩnh vực hàng không được đánh giá được hưởng lợi nhờ Việt Nam thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc. |
Mặt khác, nhóm cổ phiếu này còn chịu ảnh hưởng chung từ sự kiện giảm điểm “khủng” trong phiên 18/8 (giảm tới 55,49 điểm, tương đương 4,49%) và duy trì tính thiếu ổn định kéo dài cho đến thời điểm hiện tại.
Theo đó, hầu hết các mã cổ phiếu ngành hàng không đều giảm mạnh, nhiều mã vẫn ghi nhận thị giá hiện tại chưa phục hồi về mức ở thời điểm đầu tháng 8.
Chẳng hạn, kết thúc phiên 14/12, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có giá 10.950 đồng/cp. So với điểm rơi trong ngày 18/8, HVN vẫn chưa quay lại được mức giá cao tại thời điểm tháng 7, khoảng 14.500 đồng/cp.
Trước đó, cổ phiếu HVN đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 12/7/2023 do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Một số mã cổ phiếu ngành hàng không khác như: ACV (Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam), NCT (CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài), SGN (CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn), MAS (CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng)… cũng chưa phục hồi.
Chiều ngược lại, điểm sáng “hiếm hoi” xuất hiện ở mã cổ phiếu VJC của hãng hàng không Vietjet. Hiện, cổ phiếu này đang dừng ở mức 105.300 đồng/cp (phiên 14/12), vượt qua mức giá trước điều chỉnh phiên 18/8 và trụ vững ở vị trí cổ phiếu đắt nhất ngành hàng không.
Những tín hiệu tích cực
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực bắt đầu le lói xuất hiện sau những thông tin nóng hổi về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trên thị trường, cổ phiếu nhóm ngành không tích cực hưởng ứng với thông tin này. Phiên 13/12, lực bán áp đảo tại nhóm vốn hoá lớn đã đẩy VN-Index lần nữa chìm sâu. Ngược dòng, nhóm cổ phiếu hàng không với 2 đại diện là HVN và VJC đều đồng loạt phát tín hiệu tích cực trong ngày thị trường ngập sắc đỏ.
Trong báo cáo về nhóm cổ phiếu hưởng lợi nhờ Việt Nam - Trung Quốc thúc đẩy hợp tác, Chứng khoán Mirae Asset đã đưa ra dự báo nhóm cổ phiếu hàng không là một trong những nhóm ngành nhiều triển vọng.
Số liệu từ Mirae Asset cho biết, trong năm 2019, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, trong đó lượng khách Trung Quốc chiếm 32,2%, đạt 5,8 triệu lượt. Sang đến năm 2020-2021, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh.
Cụ thể, lượng khách quốc tế năm 2021 đạt 157 ngàn lượt; năm 2022 là 3,6 triệu lượt. Riêng Trung Quốc năm 2021, tổng lượng khách tới Việt Nam thấp nhất trong 10 năm, ở mức 57.000 lượt.
Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 9 triệu lượt và riêng khách Trung Quốc đạt hơn 1,1 triệu lượt. Điều này cho thấy khách Trung Quốc đang dần hồi phục. Bên cạnh đó, Trung Quốc dự kiến sẽ có thêm 1 hãng bay tới Việt Nam giúp cho lượng khách sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng trong cuối năm 2023, động lực từ khách du lịch Trung Quốc và chính sách visa thông thoáng hơn sẽ tiếp tục hỗ trợ xu hướng tích cực của sản lượng hành khách hàng không quốc tế và bức tranh lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành.
Theo đó, các doanh nghiệp có vị thế cạnh tranh tốt như: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP, CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn, CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco… sẽ duy trì được tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi hai chữ số ở mức cao, mặc dù sẽ chậm lại đôi chút so với nửa đầu năm khi hiệu ứng nền thấp dần trôi qua.
Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng của lượng hành khách quốc tế sẽ bình thường hóa trong năm 2024, dự đoán lợi nhuận trước thuế sẽ tăng 42% so với năm nay nhờ khối lượng thị trường quốc tế đóng góp cao hơn, dẫn đến giá bán trung bình của phí dịch vụ hàng không và tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
“Thị trường khách quốc tế phục hồi về mức trước dịch vào năm 2025 và xu hướng này giúp phần lớn các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục tăng trưởng tích cực về lợi nhuận trong năm 2024”, VDSC kỳ vọng.
Mặc dù đứng trước nhiều cơ hội, nhưng nhà đầu tư cũng cần lưu ý bởi nhóm ngành hàng không vẫn đối mặt nhiều thách thức trên hành trình phục hồi, phát triển.
Đó là việc dư thừa cung tải. Được biết, một số hãng bay trong nước đang tiến hành tạm thu hẹp đội máy bay. Trong đó, Vietravel Airlines giảm từ 6 chiếc xuống còn 3 chiếc; Bamboo Airways từ chỗ vận hành 30 máy bay đã giảm còn 17 chiếc và khả năng còn giảm nữa trong giai đoạn sắp tới. Qua 2 năm đại dịch, hoạt động kinh doanh đóng băng, không có nguồn thu nhưng vẫn phải phát sinh chi phí duy trì bộ máy, các hãng hàng không đã gần như kiệt quệ tài chính. Hiện nay, tuy tình hình có phục hồi nhưng hãng vẫn gặp các áp lực trong việc hoàn trả các khoản nợ phát sinh trước đó.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, thách thức lớn nhất đối với các hãng bay trong nước những tháng cuối năm 2023 là việc giá nhiên liệu đang có xu hướng tăng mạnh. Ngoài giá nhiên liệu, yếu tố lãi suất, tỷ giá (tỷ giá các đồng bản tệ và VND so với USD) và nhiều yếu tố đầu vào khác đều đã ở mặt bằng cao hơn, gây bất lợi đáng kể cho các hãng bay Việt so với giai đoạn trước Covid-19. Những yếu tố này chắc chắn sẽ "chất thêm gánh nặng" tài chính cho các hãng bay.
Hải Giang