Sau khi nối dài chuỗi tăng trưởng giá và đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2015, giá dầu thế giới đã quay lại xu hướng điều chỉnh với chuỗi lao dốc không ngừng trong hơn hai tháng qua, kéo theo đợt lao dốc mạnh của cổ phiếu dầu khí trên thị trường chứng khoán.
Kết thúc phiên 13/12, dầu thô Brent tăng 1,3 USD tương đương 2,16% lên 61,45 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 1,43 USD tương đương 2,8% lên 52,58 USD/ thùng. Nếu so sánh với đỉnh hồi tháng 10 thì giá dầu hiện nay đã mất 30% giá trị.
Cổ phiếu giảm sâu
Sau khi thiết lập mức đỉnh mới 124.000 đồng/ cp hồi đầu tháng 10, cổ phiếu GAS của Tổng CTCP Khí Việt Nam (PV Gas) đã quay về mức 95.800 đồng/cp như hiện nay, giảm 22,7%.
Trước đó, hồi cuối tháng 11, GAS thậm chí đã có lúc giảm về vùng giá 90.000 đồng/cp, tương đương giảm 27,4%.
Tương tự, cổ phiếu PGS cũng giảm sâu từ mức giá 32.400 đồng/cp xuống 29.300 đồng/cp, tương đương giảm 9,6% trước khi hồi phục lên vùng giá 30.000 đồng/cp như hiện tại.
Ngoài các doanh nghiệp ngành khí, diễn biến tương tự cũng xảy ra với cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC): giảm từ 22.200 đồng/cp (phiên 4/10) xuống còn 17.110 đồng/ cp (theo giá đã điều chỉnh), tương đương giảm 30%.
Hiện, cổ phiếu PVS đã có sự hồi phục nhẹ về vùng giá 20.500 đồng/cp, vẫn giảm khoảng 7,6% so với hồi đầu tháng 10.
Cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) cũng giảm mạnh từ mức giá 21.900 đồng/cp xuống 17.300 đồng/cp như hiện nay, tương đương giảm 21%. Nếu so với mức giá 15.300 đồng/cp hồi tháng 11 thì PVD ghi nhận mức giảm khoảng 30%.
Một trong những cổ phiếu khiến nhà đầu tư "đau tim" nhất chính là BSR của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn, khi tăng mạnh lên 20.900 đồng/ cp hồi cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua, nhưng ngay sau đó đã có chuỗi giảm giá dài hạn về mức 14.800 đồng/cp (phiên 14/11), tương đương giảm 29,2%. Hiện, cổ phiếu này đang giao dịch tại mức giá 15.300 đồng/cp, giảm 26,8% so với trước đó.
Một cái tên khác cũng có đà giảm không kém là cổ phiếu OIL của PV Oil, sau khi đạt được mức giá 17.500 đồng/cp (phiên 4/10), đã quay đầu giảm một mạch về mức 13.800 đồng/cp trong giai đoạn cuối tháng 11, tương đương 21,1%.
"Ông lớn" ngành xăng dầu Petrolimex cũng không nằm ngoài xu thế chung của ngành khi cổ phiếu PLX giảm từ 71.000 đồng/cp hồi tháng 10 xuống 55.000 đồng/cp hồi tháng 11, ghi nhận mức giảm 22,5%.
Hiện, cổ phiếu PLX đã hồi phục về mức 60.000 đồng/cp nhưng vẫn giảm 15,6% so với cách đây hai tháng.
Nguyên nhân dẫn đến đà quay đầu giảm giá của các cổ phiếu dầu khí được cho là đến từ sự lao dốc của giá dầu do những lo ngại dâng cao về khả năng tái diễn tình trạng thừa cung trên thị trường dầu.
Ngành dầu khí Việt Nam đang đứng trước một số khó khăn nhưng vẫn có những cơ hội tiềm tàng |
Thách thức và cơ hội
Số liệu gần nhất của quý III/2018 cho thấy sản lượng sản xuất của hai nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới là Mỹ và OPEC đồng loạt xác lập mức cao nhất kể từ năm 2013. Theo cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sản lượng dầu của Mỹ có thể tăng thêm hơn 2 triệu thùng/ ngày kể từ năm 2019 và gia tăng thêm nguy cơ tái lập tình trạng thừa cung trên toàn cầu.
Trước những diễn biến khó lường của giá dầu thế giới, vừa qua tại tọa đàm "Dầu khí Việt Nam phát triển cùng đất nước" cũng có nhiều ý kiến cho rằng ngành dầu khí đang phải đối mặt với 4 thách thức lớn như cạn kiệt nguồn khai thác...
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, ngành dầu khí cũng vẫn có những cơ hội lớn bao gồm tiềm năng về trữ lượng, có truyền thống ngành, thường xuyên nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân.
Theo nhận định của Biên An Toàn – công ty chuyên về đầu tư và quản lý tài sản, viễn cảnh không mấy tích cực của thị trường dầu khí thế giới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí trong nước. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ có sự phân hóa xuất phát từ chiều sâu liên kết với thị trường dầu khí thế giới.
Xét về khía cạnh doanh thu, nhóm doanh nghiệp ngành khí với đại diện là PV Gas, CTCP Kinh doanh Khí Miền Nam (mã: PGS), CTCP Kinh doanh Khí Miền Bắc (mã: PVG), CTCP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PGD), CTCP Đầu tư và Sản xuất Petro Miền Trung (PMG), CTCP CNG Việt Nam (CNG)… sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi giá bán khí có sự tham chiếu cao theo giá dầu thế giới.
Không nằm ngoài xu hướng bị tác động từ diễn biến của giá dầu nhưng CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn và Petrolimex sẽ được giảm đi nhờ sự hỗ trợ từ nhu cầu xăng dầu trong nước.
Riêng Petrolimex sẽ có cơ hội tăng trưởng lớn trong những năm tới nhờ sản phẩm xăng E5 và các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao hơn, bù đắp cho rủi ro từ biến động giá dầu.
Các doanh nghiệp hoạt động ở phân khúc vận tải và hỗ trợ thượng nguồn là PTSC và PV Trans (mã: PVT) lại được đánh giá khả quan hơn trong giai đoạn hiện tại, khi hoạt động kinh doanh ít chịu sự phụ thuộc bởi giá dầu.
Mới đây, CTCK Bảo Việt (BVSC) đã đưa ra nhận định về kết quả kinh doanh của PV Drilling năm 2019 với dự báo mảng dịch vụ khoan sẽ vẫn tiếp tục lỗ trong năm 2019.
Tuy nhiên, BVSC cũng đánh giá trong năm 2019, nếu PV Drilling ghi nhận nốt khoảng hơn 200 tỷ số công nợ khó đòi còn lại của PVEP thì khả năng công ty sẽ thoát lỗ.
Bên cạnh đó, với nhu cầu sản phẩm dầu khí tăng cao trong nước và các dự án khai thác dầu khí trong khu vực, PVS và PVT sẽ đứng trước cơ hội gia tăng hiệu suất hoạt động và trở thành các cổ phiếu có triển vọng "đi ngược" với xu hướng giá dầu trong thời gian tới.
Linh Đan