OPEC và các đối tác ước tính rằng xuất khẩu dầu của Iran sẽ giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày sau khi Mỹ tái áp các biện pháp trừng phạt lên ngành dầu lửa của nước này kể từ ngày 4/11. Tuy vậy, mức sản lượng hiện nay của khối là đã đủ cho thị trường và tuyên bố sẽ không sớm tăng mức khai thác.
Dù còn nhiều khó khăn bủa vây, nhưng xu hướng tăng của giá dầu đang đem đến triển vọng tích cực hơn cho các doanh nghiệp dầu khí.
Dầu tăng giá "thần tốc"
Lệnh cấm vận của Mỹ lên hoạt động xuất khẩu dầu của Iran đã khiến thị trường dấy lên dự đoán giá dầu có thể quay trở lại mức 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Cùng có nhận định lạc quan, có ý kiến cho rằng giá dầu Brent có thể tăng lên 90 USD/thùng vào tháng 12 và vượt 100 USD/thùng vào 2019, khi nguồn cung càng thêm thắt chặt vì lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ có hiệu lực đầy đủ từ tháng 11 tới.
Một dự báo mới nhất của bộ phận phân tích thị trường dầu lửa thuộc Energy Aspects cũng đưa ra nhận định, trong quý IV, giá dầu thế giới có khả năng vượt ngưỡng 80 USD/thùng, thậm chí là vượt 90 USD/thùng.
Thực tế đã chứng minh giá dầu đang tăng mạnh trong thời gian qua. Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 2,4 USD/thùng, tương đương tăng gần 3,1%, chốt ở 81,2 USD/ thùng mà không cần chờ đến quý IV/2018.
Trang MarketWatch dẫn số liệu từ Dow Jones cho biết đây là mức giá chốt phiên cao nhất của dầu Brent kể từ ngày 12/11/2014.
Tại thị trường New York, giá dầu WTI tăng 1,3 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, đạt 72,08 USD/thùng. Đây là mức giá chốt phiên cao nhất của dầu WTI từ ngày 10/7.
Đà tăng tiếp tục được duy trì đến phiên giao dịch ngày thứ Ba, New York Mercantile Exchanghe ghi nhận giá dầu WTI đứng ở mức 72 USD/thùng và giá dầu brent đứng ở mức 81 USD/thùng.
Giá dầu thế giới tiếp tục đứng ở mức cao nhất 4 năm sau khi các nước OPEC và đồng minh không tìm được giải pháp bù đắp sản lượng thiếu hụt từ Iran do lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuần trước, giá dầu Brent đã tăng 0,9% và giá dầu WTI tăng 2,6%.
Nếu tính từ tháng 9/2017 tới nay, giá dầu thô đã tăng hơn 61%. Sự tăng trưởng và ổn định của giá dầu đã khiến nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí có kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2018 như Petrolimex, PV Gas, PV Oil, PV Trans, PV Coating…
Theo dự báo, đà khởi sắc của nhóm doanh nghiệp dầu khí sẽ tiếp tục được ghi nhận, ít nhất là trong kết quả kinh doanh quý III/2018.
Là một trong những cổ phiếu bị phụ thuộc vào thị trường, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí cũng "thăng hoa" cùng giá dầu trong thời gian gần đây.
Diễn biến giá cổ phiếu PVD trong 6 tháng năm 2018 |
"Số phận" cổ phiếu họ dầu
Chốt phiên giao dịch ngày 26/9, cổ phiếu OIL của PVOil ghi nhận mức giá đóng cửa có sự điều chỉnh nhẹ về 16.700 đồng/cp.
Trước khi có sự điều chỉnh này, OIL đã có 5 phiên tăng giá liên tiếp từ mức 14.600 đồng/cp (phiên 17/9) lên 17.200 đồng/cp (phiên 25/9), tương đương mức tăng đạt 17,8%.
Tương tự, cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng có diễn biến giao dịch tích cực với 9/16 phiên tăng giá, 2 phiên đứng giá, 5 phiên giảm giá, tính từ đầu tháng 9 tới nay.
Chốt phiên giao dịch ngày 26/9, BSR đóng cửa tại mức giá 20.400 đồng/ cp, tăng 18,6% từ mức giá 17.200 đồng/cp (phiên 4/9), khối lượng giao dịch luôn đạt ở mức cao vài triệu đơn vị mỗi phiên.
Với 12/16 phiên giao dịch tăng giá trong thời gian qua, cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí dường như là cổ phiếu phản ứng tích cực nhất đối với giá dầu.
Tổng mức tăng mà PVD đạt được là 31,8% từ mức giá 15.100 đồng/ cp (phiên 4/9) lên 19.900 đồng/cp (phiên 25/9), bất chấp trước đó, CTCK HSC đã đưa ra nhận định rằng năm 2018 PVD sẽ ghi nhận lợi nhuận âm.
Tất nhiên, đà tăng của các nhóm cổ phiếu "họ" dầu không thể không kể đến những ông lớn như GAS của PVGas với mức tăng gần 14,6% từ mức giá 103.000 đồng/cp hồi đầu tháng lên 118.000 đồng/ cp (phiên 25/9); PLX cũng ghi nhận mức tăng 11,3% từ mức giá 67.400 đồng/ cp lên 72.100 đồng/cp (phiên 26/9)…
Xu hướng giá dầu tăng, cùng với kế hoạch tái cơ cấu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) cơ bản hoàn tất, đã đóng góp vào sự khởi sắc của các doanh nghiệp dầu khí đang niêm yết.
Tuy nhiên, nhiều mã cổ phiếu "họ" dầu đã tăng trưởng mạnh từ vùng giá hấp dẫn cách đây hơn 2 tháng. Có thể lấy dẫn chứng từ trường hợp cổ phiếu PVS, cổ phiếu này hiện đang giao dịch tại mức giá 23.800 đồng/cp, đã vượt qua nhận định giá mục tiêu 23.000 đồng/ cp được đưa ra tại thời điểm tháng 7/2018 (lúc đó PVS giao dịch tại mức 16.000 đồng/cp).
Hay như trường hợp của "ngôi sao mới nổi" PVB của PV Coating, tại thời điểm cổ phiếu này giao dịch tại mức giá 14.000 đồng/cp, đây được xem là mức giá hấp dẫn cho mục tiêu dài hạn là 19.600 đồng/cp.
Tuy nhiên, hiện PVB đang giao dịch tại vùng giá 23.300 đồng/cp, vượt 3.700 đồng/cp so với mức giá mục tiêu.
Trong quá khứ, đợt tăng giá năm 2008 đã đẩy giá dầu Brent có lúc lên đến gần 150 USD/thùng nhưng đã nhanh chóng giảm mạnh vì khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lần này, cuộc chiến tranh thương mại cũng đang đe dọa tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á và những bất ổn của thị trường mới nổi có thể chặn đà tăng của giá dầu.
Do đó, nhiều ý kiến đánh giá cho rằng dòng tiền được đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu "họ" dầu thời gian qua vẫn là dạng đầu cơ.
Linh Đan