Temu ra mắt năm 2022, là một nền tảng mua sắm trực tuyến xuyên biên giới thuộc sở hữu của tập đoàn hàng đầu Trung Quốc là PDD Holdings (PDD). Nền tảng này tập trung vào việc bán hàng với mức giá thấp, tạo ra sự cạnh tranh với các đối thủ lớn khác.
Với chính sách giá cả cực rẻ, miễn phí vận chuyển và chính sách đổi trả hàng trong vòng 90 ngày, Temu trở thành đối thủ đáng gờm của các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) đang hoạt động tại Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki…
Tenmu được xem là phiên bản quốc tế của Pinduoduo - nhà bán lẻ trực tuyến nội địa hàng đầu Trung Quốc.
Pinduoduo - có nghĩa là “cùng nhau tiết kiệm nhiều hơn”, được thành lập vào năm 2015 bởi Colin Huang (43 tuổi), cựu nhân viên Google. Nhà bán lẻ trực tuyến này ban đầu cung cấp hàng hóa tươi sống giá rẻ nhưng sau đó đã nhanh chóng đa dạng hóa sang các danh mục sản phẩm có mức giá bình dân khác.
Temu là một nền tảng mua sắm trực tuyến xuyên biên giới thuộc sở hữu của tập đoàn hàng đầu Trung Quốc là PDD Holdings. |
Dưới sự hậu thuẫn của gã khổng lồ công nghệ Tencent Holdings, PDD Holdings đã mở rộng thị trường trong nước của Pinduoduo và bắt đầu hành trình lấn sân thị trường nước ngoài cùng Temu. Đến cuối năm 2023, PDD Holdings huy động được 1,63 tỷ USD trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ.
PDD Holdings sau đó niêm yết cổ phiếu PDD trên sàn Nasdaq, chính là điểm đến của VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong hành trình vươn ra thế giới. Thời điểm hiện tại, giá trị vốn hoá của PDD lên đến hơn 171 tỷ USD, xếp thứ 85 thế giới (theo companiesmarketcap.com). Trong khi đó, VinFast đang có giá trị vốn hoá hơn 9 tỷ USD.
Sự tăng trưởng của PDD đẩy khối tài sản của nhà sáng lập Colin Huang lên 43,4 tỷ USD, đứng thứ 36 trong danh sách tỷ phú thế giới và là người giàu thứ 4 Trung Quốc, theo Forbes. Cuối năm ngoái, nhà sáng lập PDD Holdings còn là người giàu thứ 2 Trung Quốc với khối tài sản lên đến hơn 54 tỷ USD. Cũng trong danh sách này của Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng của Việt Nam đang xếp thứ 829 với khối tài sản ước tính hơn 4,2 tỷ USD.
Trong thông báo mới nhất gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), BlackRock cho biết đang nắm 33,01 triệu cổ phiếu PDD, tỷ lệ sở hữu 2,4%. Ước tính, số cổ phần PDD trong tay công ty quản lý tài sản này có giá trị vào khoảng 4 tỷ USD.
Theo coin68, BlackRock là một công ty quản lý tài sản toàn cầu được thành lập vào năm 1988 và có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ. BlackRock là một trong những tổ chức quản lý tài sản lớn nhất trên toàn cầu, chuyên cung cấp dịch vụ quản lý danh mục đầu tư, quản lý rủi ro và các dịch vụ tài chính liên quan cho cá nhân và tổ chức trên khắp thế giới.
Đầu tháng 6 năm nay, “gã khổng lồ” quản lý tài sản lớn nhất thế giới (quy mô hơn 10.000 tỷ USD) này đã ra thông báo dừng hoạt động một trong những ETF từng khuynh đảo thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo kế hoạch, iShares MSCI Frontier and Select EM ETF sẽ ngừng giao dịch và không còn chấp nhận các lệnh tạo và mua lại sau khi thị trường đóng cửa ngày 31/3/2025. ETF này đã liên tục bị rút vốn mạnh sau khi BlackRock bất ngờ thông báo đóng quỹ.
BlackRock cho biết, trong thời gian thanh lý kéo dài, iShares MSCI Frontier and Select EM ETF sẽ không được quản lý theo mục tiêu và chính sách đầu tư vì quỹ sẽ bán bớt tài sản của mình.
Theo quyết định của BlackRock, tiền thu được từ việc thanh lý dự kiến sẽ được gửi cho các cổ đông trong khoảng 3 ngày sau ngày giao dịch cuối cùng. Đến giữa tháng 9 vừa qua, ETF này đã bán sạch cổ phiếu Việt Nam trong danh mục.
iShares MSCI Frontier and Select EM ETF là quỹ ETF chuyên đầu tư vào khu vực cận biên và mới nổi, tiền thân là Ishare MSCI Frontier Markets 100 ETF với chỉ số tham chiếu là MSCI FM 100 Index. Tới tháng 3/2021, quỹ đổi tên thành iShares MSCI Frontier and Select EM ETF như hiện tại và lấy chỉ số MSCI Frontier & Emerging Markets Select Index làm tham chiếu. Trước khi BlackRock quyết định đóng quỹ, Việt Nam là thị trường có tỷ trọng cao nhất trong danh mục của ETF này.
Theo nhận định của giới chuyên môn, việc ETF này đóng cửa không ảnh hưởng gì đến thị trường chứng khoán Việt Nam do NAV không lớn, chỉ khoảng 1.900 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, loạt quỹ đầu tư quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài lớn như Black Rock, Morgan Stanley, JP Morgan chase, ING, UBS, Merry Lynch, Black Rock, BNY Mellon... bày tỏ kỳ vọng tích cực vào khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam và sẵn sàng “kích hoạt” dòng tiền vào chứng khoán Việt khi được nâng hạng.
Châu Anh