Theo VDSC, Hoa Sen đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử. (Ảnh: Int) |
Trước đó, quý 1 niên độ tài chính 2022-2023 (1/10/2022-31/12/2022), Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 7.917,4 tỷ đồng, giảm 53,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ quý thứ hai liên tiếp, giá trị lỗ là 680,2 tỷ đồng. Không chỉ vậy, trong quý 4 niên độ tài chính 2021-2022, Hoa Sen cũng ghi nhận lỗ 886,98 tỷ đồng. Như vậy, trong hai quý liên tiếp, Hoa Sen đã ghi nhận lỗ 1.567,18 tỷ đồng.
Đánh giá năm 2023, HĐQT Hoa Sen cho rằng xuất khẩu thép vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn khi ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa, các động thái thắt chặt tiền tệ, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành.
Trong báo cáo phân tích mã HSG vừa được công bố, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết, Hoa Sen đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử khi gặp khó gấp đôi so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Theo VDSC, gần như tất cả các nhà sản xuất tại Việt Nam đều gặp khó trong hoạt động mua nguyên liệu và chính sách tồn kho trong khoảng 2 quý vừa qua do giá quốc tế biến động mạnh và khó lường. Đối với các nhà sản xuất tôn mạ, 2 năm gần nhất là giai đoạn giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng giảm với biên độ rất lớn.
Lý do thứ 2 khiến Hoa Sen có kết quả kinh doanh tiêu cực nằm ở hoạt động bán lẻ của doanh nghiệp. Bởi, trong khi các doanh nghiệp tôn thép khác có mức tồn kho thấp hơn và dễ cắt giảm hơn do hoạt động ở một phân đoạn nhất định của chuỗi giá trị, thì Hoa Sen là doanh nghiệp vừa sản xuất vừa bán lẻ tới người dùng cuối. Điều này khiến HSG vừa phải tích trữ nguyên liệu như một nhà sản xuất, lại vừa phải tồn kho thành phẩm như một nhà bán lẻ. Như vậy, giá nguyên liệu giảm ăn mòn biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen từ cả đầu ra và đầu vào.
Khác với hầu hết doanh nghiệp tôn thép niêm yết, Hoa Sen vận hành các cửa hàng bán lẻ để bán sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng. Điều này trong các năm trước đây là lý do khiến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp khá cao.
Song song đó, doanh nghiệp cũng cần mất chi phí để duy trì sức mạnh thương hiệu. Chi phí bán hàng của Hoa Sen luôn duy trì ở mức cao, chiếm trung bình 7,3% doanh thu trong 3 năm gần nhất, khoảng 600-1.200 tỷ đồng mỗi quý.
Theo VDSC, đây là khoản chi phí lớn. Ước tính nếu trừ chi phí bán hàng vào doanh thu, biên lợi nhuận gộp của HSG sẽ tương đương với các nhà sản xuất tôn mạ khác do sản phẩm có sự tương đồng nhất định. Trong điều kiện thị trường đặc biệt chậm chạp như hiện tại, việc phải “nuôi” thương hiệu lại là một điểm yếu của doanh nghiệp.
Trên sàn chứng khoán, chốt phiên sáng (21/2), cổ phiếu HSG đang giảm giá về mức 16.150 đồng/cp.
Châu Anh