Có lẽ cảnh báo “cổ đông đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III, quý IV sẽ thấy kết quả kinh doanh thê thảm như thế nào vì ngành thép không thuận lợi" của tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Hòa Phát tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra hồi tháng 4 đang dần ứng nghiệm.
Gam màu tối chủ đạo
CTCP Gang thép Thái Nguyên – Tisco (TIS) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2022 với kết quả ảm đạm. Theo đó, doanh số bán hàng của Tisco đạt 2.600 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn bán hàng chiếm gần 100% doanh số. Sau khi trừ các khoản chi phí điều hành, lợi nhuận trong quý III của Tisco âm 25 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 9 tỷ đồng.
Đây là khoản lỗ theo quý nặng nhất mà Tisco từng ghi nhận trong vòng 9 năm trở lại đây, kể từ cuối năm 2013. Đồng thời, con số này cũng phản ánh đúng diễn biến sản xuất và tiêu thụ thép của Việt Nam trong 9 tháng năm 2022, khi giảm lần lượt 5,8% và 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của Tisco đi ngang so với cùng kỳ, đạt hơn 9.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7,9 tỷ đồng, lao dốc gần 93% so với cùng kỳ. Ngoài ra, dòng tiền kinh doanh cũng ghi nhận âm hơn 171 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 608 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2016, dòng tiền của Tisco ghi nhận giá trị âm.
Doanh nghiệp thép tiếp tục thông báo kết quả kinh doanh quý III/2022 nhiều khó khăn và thách thức với các khoản lỗ lớn. (Ảnh minh họa: Int) |
Trước đó, CTCP Thép Thủ Đức - Vnsteel (TDS) cũng công bố BCTC quý III lỗ gần 30 tỷ đồng, cao gấp 36 lần so với cùng kỳ năm ngoái do tiêu thụ chậm, tồn kho giá cao cộng với gánh nặng lãi vay.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, Thép Thủ Đức lỗ 15,8 tỷ đồng, trong khi 9 tháng năm 2021 có lãi 58 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu do đó giảm từ 297 tỷ đồng còn 276 tỷ đồng.
Hay như CTCP Thép Vicasa – VNSTEEL (VCA) cũng công bố BCTC quý III với doanh thu hơn 477 tỷ đồng, sụt giảm gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn, kèm theo hàng loạt chi phí đều tăng, là những nguyên nhân khiến công ty bị lỗ ròng sau thuế xấp xỉ 22 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ nặng nhất kể từ năm 2009 đến nay.
Tính chung lũy kế 9 tháпg đầu năm, VNSTEEL đạt xấp xỉ 1.840 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 4%), nhưng đã ghi nhận lỗ ròng 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn còn lãi 42 tỷ đồng.
“May mắn” hơn, CTCP Gang thép Cao Bằng (CBI) không lỗ nhưng lợi nhuận gần như "bốc hơi" so cùng kỳ, chỉ còn 750 triệu, trong khi quý III/2021 lãi tới 80 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Gang thép Cao Bằng đạt 1.718 tỷ đồng doanh thu, giảm 20% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ở mức 43,8 tỷ, giảm tới 85% so với mức 296 tỷ đồng của cùng kỳ.
Mặc dù chưa có kết quả kinh doanh quý III, nhưng SSI Research ước tính, lợi nhuận sau thuế quý III của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đạt khoảng 2.100 tỷ đồng, giảm 80% so với mức đỉnh trong quý III/2021. Lý do bởi giá thép giảm mạnh từ đỉnh cao năm 2021, trong khi giá than cốc lên cao làm tăng chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, lỗ tỷ giá cũng tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh của HPG.
Gần đây, CTCP Thép Pomina (POM) cũng vừa phải thông báo dừng hoạt độпg sản xuất lò cao, đồng thời chấm dứt hợp đồng lao độпg với một số cán bộ công nhân viên.
Theo đại diện Thép Pomina, doanh nghiệp đã bị thiệt hại nặng do các tác độпg tiêu cực từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đã đẩy giá dầu cùng các loại hàng hóa leo thang, trong khi giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép lại giảm mạnh.
Khó khăn vẫn ở phía trước?
Nhìn chung, những bất ổn từ các cuộc khủng hoảng địa chính trị trên thế giới và chính sách phong tỏa Covid của Trung Quốc được coi là những nguyên nhân chính khiến cho tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép mang sắc màu ảm đạm.
“Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, cùng những chính sách của Trung Quốc và tình hình lạm phát toàn cầu đã có những tác động đến ngành thép, xây dựng trong nước. Bên cạnh đó, ngân hàng siết room tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản làm giảm nhu cầu sử dụng thép”, ông Huỳnh Công Du, Tổng giám đốc Thép Vicasa đánh giá.
Không chỉ vậy, những mảng tối trong bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp đã ảnh hưởng lớn đến thị giá cổ phiếu nhóm ngành thép.
Có thể thấy, từ tháng 10/2021 trở lại đây, nhóm cổ phiếu thép không ngừng lao dốc. Đáng chú ý, có giai đoạn cổ phiếu “quốc dân” HPG còn “trôi” về đáy 23 tháng (tính theo giá điều chỉnh) và bật khỏi Top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán và đang giao dịch ở mức giá 1x.
Mặc dù trong tuần qua (10-14/10), giá cổ phiếu của hầu hết các doanh nghiệp thép đã tăng trở lại khi các nhà đầu tư tham gia “bắt đáy”, như cổ phiếu HPG tăng 10,5%, HSG (Tập đoàn Hoa Sen) tăng 19,9%, NKG (Tập đoàn Nam Kim) tăng 14,9%..., song cũng cần nhắc lại, trước đó, trong một vài phiên, nhóm cổ phiếu thép với các mã này dẫn đầu có tăng điểm trở lại ở mức khá mạnh nhưng rồi ngay lập tức thoái trào.
Nhận định về nhóm cổ phiếu này, giới phân tích cho rằng, cổ phiếu ngành thép, nhất là 3 cổ phiếu đầu ngành: HPG, HSG và NKG đã mất khoảng 55-65% thị giá trong vòng một năm trở lại đây nên đã kích hoạt dòng tiền tham gia “bắt đáy”. Tuy nhiên, khó khăn có lẽ vẫn còn ở phía trước khi nhu cầu sử dụng thép trong nước ở mức thấp, còn triển vọng nhu cầu tiêu thụ thép thế giới chưa chắc chắn do lo ngại tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều quốc gia.
Thực tế, trong 8 tháng năm 2022, sản xuất và tiêu thụ thép giảm lần lượt là 5,8% và 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng 9, sản lượng bán hàng của Hòa Phát đang ở mức thấp nhất trong 18 tháng qua (555.000 tấn).
Mặc dù vậy, các chuyên gia kỳ vọng tiêu thụ thép nội địa 3 tháng cuối năm sẽ phục hồi bởi mùa mưa - mùa thấp điểm xây dựng đã qua, quý IV là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng đẩy mạnh tiến độ. Bên cạnh đó, đầu tư công kỳ vọng đẩy mạnh vào cuối năm. Và giá thép có thể tăng trở lại khi Trung Quốc mở cửa, thị trường nhà ở sôi động trở lại, dẫn đến nhu cầu vật liệu xây dựng tăng.
Hải Giang