Bộ Xây dựng cho biết, trong quý I/2022, giá thép xây dựng ở Việt Nam có xu hướng tăng mạnh theo xu thế tăng chung của thị trường thép trên thế giới.
Gánh nặng đặt lên vai nhà thầu
Cụ thể, từ giữa tháng 2 đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã bắt đầu tăng mạnh (khoảng tăng giá từ 600-1.200 đồng/kg). Đến giữa tháng 3, giá thép tăng 3,5% so với giá tại thời điểm tháng 2 và 7,5% so với tháng 1. Sang đến đầu tháng 4, giá thép xây dựng vẫn chưa giảm sức nóng.
Chi phí vật liệu liên tục tăng “phi mã” đang khiến cho cổ phiếu nhóm ngành này gặp khó. (Ảnh: Int) |
Khảo sát thị trường ở thời điểm hiện tại, giá thép xây dựng các loại khoảng 18.600-20.600 đồng/kg. Trong đó, giá thép tròn tại nhà máy trung bình sau thuế VAT của các nhà sản xuất Hòa Phát, Miền Nam, Việt Nhật lần lượt là 18.300 đồng/kg, 18.600 đồng, 19.000 đồng/kg; giá thép hình các loại trung bình khoảng 20.600 đồng/kg. Như vậy, trung bình trong quý I/2022, giá thép xây dựng các loại khoảng 18.890 đồng/kg, tăng 3,5% so với quý IV/2021.
Không chỉ giá thép, mà cát xây dựng, xăng dầu... cũng đồng loạt tăng giá trong thời gian qua. “Dự báo thời gian tới các loại vật liệu này sẽ còn tăng giá do ảnh hưởng từ giá nhiên liệu”, Bộ Xây dựng lưu ý.
Nhận định riêng về giá thép, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, đà tăng giá của giá thép có thể còn tiếp tục do nhu cầu sử dụng thép sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi các bộ, ngành, địa phương triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế gần 350 ngàn tỷ đồng, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hàng loạt công trình xây dựng mới được triển khai.
Có thể thấy, việc tăng giá vật liệu xây dựng dự báo sẽ gây tác động làm cho giá nhà ở, công trình xây dựng tăng, khiến thị trường xây dựng trở nên chao đảo. Đây được coi là nỗi ám ảnh của các nhà thầu, đặc biệt là đối với những nhà thầu đã ký hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá. Theo đó, nhiều chủ thầu xây dựng lao đao vì lo vỡ tiến độ công trình dẫn tới thua lỗ.
Nhiều chủ thầu xây dựng tính toán, mỗi công trình họ chỉ lời khoảng 3-5%. Trong khi đó, thép chiếm khoảng 20-25% chi phí xây dựng căn hộ chung cư và khoảng 30% chi phí xây dựng căn nhà phố liền kề. Giá thép tăng mạnh sẽ kéo theo các chi phí khác, công trình bị đội giá lên 10 – 15%. Vì vậy, khi giá vật liệu xây dựng tăng nhà thầu phải chịu lỗ.
“Vật liệu xây dựng tăng giá quá cao sẽ làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, kể cả các dự án được chỉ định thầu. Bởi giá vật liệu tăng làm đội giá thành xây dựng, nên nhà thầu nào cũng lo ngại. Các định mức đơn giá cũ trong hồ sơ mời thầu không còn phù hợp với giá cả thị trường", ông Lâm khuyến cáo.
Trước tình hình trên, nhiều chuyên gia cảnh báo nếu không có giải pháp bù giá kịp thời thì nhiều công trình, dự án lớn sẽ đình trệ.
Ông Hồ Minh Hoàng, chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả (HHV) nêu ý kiến, nếu giá vật liệu xây dựng tăng quá cao thì Nhà nước cũng cần xem xét để bù giá cho nhà thầu trong khâu thanh toán quyết toán. Còn nếu vật liệu tăng giá đến ngưỡng nhất định, dĩ nhiên nhà thầu vẫn vẫn cố hết sức để “gồng gánh”.
Tốt xấu đan xen
Có thể nói, năm 2021 là năm khó khăn của nền kinh tế nói chung, ngành xây dựng nói riêng. Tuy nhiên, sang năm 2022, các chuyên gia kỳ vọng doanh thu của các công ty xây dựng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022 và trở lại mức trước đại dịch bởi đầu tư công vẫn được kỳ vọng sẽ trở thành lực kéo mũi nhọn của kinh tế vĩ mô. Do đó, trong giai đoạn 3 - 5 năm tới, đầu tư công sẽ được Chính phủ đặc biệt quan tâm và tập trung nguồn lực thực hiện các dự án hạ tầng nhằm hỗ trợ khôi phục nền kinh tế.
“Xét theo các yếu tố cơ bản, bên cạnh bán lẻ, dệt may, thủy sản..., khả năng dòng tiền trên thị trường sẽ tập trung ở nhóm ngành đầu tư công, xây dựng hạ tầng… Đây là nhóm doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022”, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest đánh giá.
Thực tế, trong bức tranh kế hoạch lợi nhuận năm 2022, xét theo nhóm ngành, tạm tính đến hiện tại, xây dựng là nhóm dẫn đầu về kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2022 nhờ kỳ vọng hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công.
Trong đó, Cienco 4 (C4G) là doanh nghiệp dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận trong nhóm này và đứng thứ hai tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường với mức tăng dự kiến 348% trong năm 2022. Tiếp theo Xây dựng Hoà Bình (HBC) với tốc độ tăng 329%. Một số doanh nghiệp trong ngành xây dựng khác cũng lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với thị trường như VC2 (Đầu tư và xây dựng VINA2), FCN (Fecon), PHC (Phục Hưng Holdings), HHV, BMP (Nhựa Bình Minh).
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, cổ phiếu xây dựng lại bắt đầu có xu hướng tụt dốc sau thời gian tăng mạnh trước đó, thậm chí có cổ phiếu còn lao dốc mạnh, bởi nhà thầu thi công bị đánh giá là bất lợi vì hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh tại thời điểm ký. Các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này dẫn đến sụt giảm lợi nhuận vốn mỏng manh của doanh nghiệp.
Điển hình như cổ phiếu CTD (CTCP Xây dựng Coteccons). Cổ phiếu này vừa trải qua 1 phiên giảm sàn (22/4), xuống vùng giá thấp nhất trong vòng 8 tháng, 57.000 đồng/cp. So với đỉnh 3 năm đạt được vào ngày 7/1/2022 (113.600 đồng/cp), cổ phiếu CTD đã mất gần 50% thị giá.
Cùng thời điểm, cổ phiếu HBC (Xây dựng Hòa Bình) cũng giảm hơn 44% từ mức 34.500 đồng/cp xuống 19.200 đồng/cp.
Ngoài ra, một số cổ phiếu khác trong ngành xây dựng cũng bị sụt giảm đáng kể trong thời gian gần đây như FCN, EVG (Tập đoàn Everland), ACC (xây dựng Bình Dương), HVH (Đầu tư công nghệ HVC), HTN (Hưng Thịnh Incons)…
Các chuyên gia trong ngành đánh giá các cổ phiếu ngành xây dựng đang gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp ngành xây dựng đang phải xoay sở với việc giá nguyên vật liệu tăng mạnh có thể bào mòn lợi nhuận, khiến các dự án gánh nhiều chi phí dẫn tới lỗ trầm trọng.
“Nếu giá vật liệu còn tiếp tục tăng mạnh thì có lẽ cổ phiếu xây dựng sẽ vẫn gặp khó trong thời gian tới”, một chuyên gia nhận định.
Hải Giang