Thống kê cho thấy, tính từ thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện đến nay, tổng quy mô các gói kích thích kinh tế ở Việt Nam đạt gần 3% GDP. Trong khi các quốc gia khác đều tung ra những gói kích thích lớn thì đây thực sự là con số khá khiêm tốn. Chẳng hạn, Nhật Bản gần 45% GDP, Thái Lan: 15,6% GDP, Malaysia: 8,7% GDP, Singapore: 14,6 % GDP…
Đầu tư công tạo động lực tăng trưởng
Năm 2022, dự kiến Chính phủ sẽ đưa ra các gói hỗ trợ có quy mô lớn hơn nhằm kích thích nền kinh tế. Theo đó, những doanh nghiệp xây dựng cầu đường, xây lắp vẫn sẽ được hưởng lợi lớn.
Hưởng lợi từ đầu tư công, nhóm cổ phiếu xây dựng vẫn được đánh giá cao trong năm 2022. (Ảnh: Int) |
“Nhà đầu tư có thể cân nhắc ngành liên quan đến lĩnh vực đầu tư công như xây dựng hạ tầng, nguyên liệu để giải ngân. Những ngành này sẽ được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công trong nước và thế giới. Về dài hạn, đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn nhất của ngành xây dựng trong 5 năm tới, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng”, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo.
Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp xây dựng vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021, song thực tế cho thấy nhiều cổ phiếu nhóm ngành này dường như đã “chạy” trước.
Có thể kể đến như cổ phiếu C4G (CTCP Tập đoàn CIENCO4). C4G được đánh giá là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong nhóm xây dựng, từ mức giá 8.300 đồng/cp (12/7/2021) đã tăng lên 23.700 đồng/cp (31/12/2021), tăng 185% trong thời gian hơn 5 tháng.
Cùng thời gian, cổ phiếu LCG (CTCP Licogi 16) đã tăng khoảng 144%, từ mức đáy 8.900 đồng/cp lên 21.700 đồng/cp.
Tương tự, cổ phiếu HBC (Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình) tăng 102%, từ vùng 15.000 đồng/cp đạt 30.250 đồng/cp; cổ phiếu CTD (CTCP Coteccons) cũng vừa lập đỉnh cao nhất trong một năm qua ở vùng giá 109.500 đồng /cp.
Theo các chuyên gia phân tích, đà tăng của cổ phiếu không đến từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp mà đến từ lực đẩy mạnh của đầu tư công. Nguyên nhân là bởi, nhóm ngành này cùng với vật liệu xây dựng vẫn luôn là những ngành đầu tiên được nhắc tới trong câu chuyện hưởng lợi từ đầu tư công từ trước đến nay khi mà nền kinh tế dần mở cửa sau đại dịch.
“Ngành xây dựng sẽ có nhiều cơ hội khi đại dịch dần được kiểm soát. Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam cũng có làn sóng đầu tư công về công nghiệp và đẩy mạnh đầu tư công của Nhà nước để khôi phục kinh tế sau đại dịch. Vì vậy, sau đại dịch, ngành xây dựng sẽ rất “nóng”, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng Hòa Bình nhận xét.
Thực tế cho thấy, ngành xây dựng đang có lợi thế về phát triển các dự án đầu tư công lớn là công trình giao thông, hạ tầng khu công nghiệp. Trong đó, một số dự án đầu tư công trọng điểm như Sân bay quốc tế Long Thành đến nay đã giải phóng mặt bằng đạt 57%; dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông đã đạt tỷ lệ 98,8% (khoảng 500.000ha); dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên đạt 88% khối lượng công việc…
“Nếu các dự án quy mô lớn này tiếp tục được triển khai thì sẽ là động lực giúp thúc đẩy ngành xây dựng trong những năm tới”, VDSC nhận định.
Theo đó, những doanh nghiệp như “họ” Licogi, Cienco, Sông Đà, các doanh nghiệp xây lắp điện,… sẽ được hưởng lợi trực tiếp và một ngành cũng được hưởng lợi gián tiếp từ đầu tư công và sự hồi phục của thị trường bất động sản là ngành xây dựng cơ bản.
Thời gian gần đây, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình và CTCP Coteccons liên tục nhận được những hợp đồng xây dựng lớn. Tính đến tháng 11/2021, giá trị hợp đồng ký mới lũy kế từ đầu năm của Hòa Bình là 25.000 tỷ và Coteccons là 16.000 tỷ, xấp xỉ mức doanh thu ở đỉnh tăng trưởng trước giai đoạn 2016 – 2017. Điều này cho thấy, ngành xây dựng cơ bản đang có sự hồi phục rất tích cực.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang có sự chuyển động tích cực về đấu thầu các dự án có vốn ngân sách. Chẳng hạn, Tập đoàn CIENCO4 là một trong những nhà đầu tư tham dự thầu và đã qua vòng sơ tuyển ở nhiều dự án thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam. Hay như CTCP FECON (FCN) đã chuẩn bị sẵn sàng thiết bị, nguồn nhân lực để chủ động tham gia đấu thầu 10 dự án đầu tư công của Bộ GTVT và các địa phương.
Tránh “vơ đũa cả nắm”
Mặc dù nhìn nhận ngành xây dựng sẽ tiếp tục được hưởng lợi do kích cầu, nhưng theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinGroup, khả năng “ăn bằng lần” của cổ phiếu xây dựng như thời gian vừa qua khó xảy ra.
Trước hết, đó là các doanh nghiệp xây dựng vẫn đứng trước thách thức giá nguyên vật liệu xây dựng còn cao, ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp, trong khi các gói thầu đưa ra có giá khá thấp.
“Nếu không nhận thì doanh nghiệp không có việc để làm, còn nhận thì nhìn thấy trước nhiều gói thầu có thể bị lỗ”, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch FECON cho biết.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ siết lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản sẽ khiến các doanh nghiệp xây dựng chịu áp lực lớn về thu xếp nguồn vốn để tham gia dự thầu cũng như triển khai các gói thầu xây dựng. Đồng thời, tạo ra sự phân hóa trong ngành bất động sản.
Cụ thể, những doanh nghiệp có quỹ đất và khả năng triển khai dự án và tình hình tài chính tốt cơ bản không bị ảnh hưởng, thậm chí hưởng lợi. Còn những doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào trái phiếu để đảo nợ sẽ gặp khó khăn, gián tiếp ảnh hưởng tới ngành xây lắp.
Theo một số chuyên gia, những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt và năng lực triển khai dự án mới có thể “tính chuyện dài hơi” cùng triển khai các dự án đầu tư công của Chính phủ. Nhà đầu tư cần cân nhắc từng công ty, biết “đãi cát tìm vàng” khi giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp xây dựng đã tăng quá “nóng” thời gian qua và lưu ý tránh “vơ đũa cả nắm”.
Thực tế, các cổ phiếu có tính chất đầu cơ không đi cùng yếu tố cơ bản thường có diễn biến giá tiêu cực khi xu hướng thị trường chung đảo chiều từ tăng sang giảm. Điều này sẽ mang tới rủi ro lớn cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào các công ty niêm yết theo “đồn thổi” mà chưa tìm hiểu kỹ về công ty.
“Giá cổ phiếu luôn hàm chứa kỳ vọng trong tương lai và chạy trước diễn biến thực tế. Vì vậy, không ít cổ phiếu đã tăng giá mạnh nên kết quả kinh doanh các quý tới không như kỳ vọng có thể khiến giá điều chỉnh sâu so với mặt bằng chung của thị trường. Để hạn chế rủi ro, việc định giá cổ phiếu và dự phóng lợi nhuận cần được thực hiện với tâm thế thận trọng”, bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt nêu quan điểm.
Hải Giang