Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa thông báo kết quả chào bán cạnh tranh lô 17,85 triệu cổ phần (tương đương 51% vốn) của CTCP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (Afiex, mã: AFX) thuộc sở hữu của SCIC đã được một nhà đầu tư tổ chức mua với giá bình quân 19.000 đồng/cp, cao hơn 100 đồng so với giá khởi điểm.
Trước đó, hồi tháng 9/2020, SCIC đã từng mang lô cổ phần này ra đấu giá nhưng "ế ẩm" do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự.
Người "đổi vận"
Nguyên nhân thất bại trong lần thoái vốn trước có thể do lịch sử kinh doanh không mấy tươi sáng của Afiex những năm trước đó nhưng giá khởi điểm cho mỗi cổ phần lại ở mức cao.
Sau nhiều thất bại, SCIC quyết tâm thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp "đình đám". |
Tại lần này, SCIC vẫn giữ nguyên mức giá khởi điêm 18.900 đồng/cp, cao hơn giá thị trường nhưng hiện tại, Afiex đã xoá được lỗ luỹ kế và có thể chia cổ tức năm 2018, 2019.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 598 tỷ đồng, giảm 3%; lãi sau thuế 8 tỷ đồng, cải thiện mạnh so con số 101 triệu đồng cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh kết quả kinh doanh có phần cải thiện, Afiex còn sở hữu quỹ đất "khủng", nằm rải rác khắp tỉnh An Giang với tổng diện tích hàng trăm nghìn m2.
Cũng có diễn biến tương tự như Afiex, sau đợt chào bán không ai "ngó ngàng" hồi tháng 7, SCIC tiếp tục công bố bán trọn lô 3,56 triệu cổ phần (tương đương 49,89% vốn) của CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (mã: SGC) vào ngày 9/12 tới.
Mức giá khởi điểm cho mỗi cổ phần mà SCIC chào bán là 97.500 đồng, tương đương giá trị của cả lô là 347 tỷ đồng, thấp hơn giá thị trường của cổ phiếu SGC và giảm 12,7% so với mức giá khởi điểm của lần chào bán trước (111.700 đồng/cp).
Khác với lần đấu giá trước, tương lai lô cổ phần Sa Giang của SCIC tươi sáng hơn khi CTCP Vĩnh Hoàn - nhà chế biến và xuất khẩu cá tra thị phần lớn nhất hiện nay cho biết sẽ tham gia phiên đấu giá nhưng không nêu rõ lý do.
Sa Giang là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm từ gạo như bánh phồng tôm, hủ tiếu, phở, bún gạo lứt, bánh tráng, sản phẩm từ thịt và nước uống đóng chai. Trong đó, phồng tôm là sản phẩm chủ lực đóng góp trên 90% doanh thu mỗi năm với công suất 7.000 tấn mỗi năm.
Doanh nghiệp hiện vận hành ba xí nghiệp và một chi nhánh tại TP.HCM. Ngoài sản xuất phục vụ nội địa, Sa Giang cũng xuất khẩu sản phẩm đến EU, châu Á tại hơn 40 quốc gia, theo thông tin tự bạch của công ty.
Năm 2019, công ty ghi nhận doanh thu gần 319 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 32,6 tỷ đồng - tăng lần lượt 10,4% và 42,3% so với năm trước. Riêng 9 tháng đầu năm nay, công ty báo doanh thu đi ngang 229 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 9% đạt 23,3 tỷ đồng.
Vẫn gập ghềnh
Trong tháng 12 này, SCIC cũng sẽ bán đầu giá hơn 44,2 triệu cổ phần Tổng công ty công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, mã: VOC). SCIC đã đưa ra giá khởi điểm trọn lô là 18.540 đồng/cp, tương ứng tổng số tiền gần 820 tỷ đồng.
Đây là lần thông báo đấu giá cổ phần Vocarimex thứ ba trong vòng hai năm qua của SCIC, với lần gần nhất vào tháng 10 vừa qua và trước đó là vào tháng 7 - 8/2019. Trong cả hai lần đấu giá không thành công trước đây, mức giá khởi điểm của VOC đều được ấn định cao hơn 22.000 đồng/c
Khúc mắc trong những lần đấu giá bất thành lô cổ phần tại Vocarimex nhiều khả năng nằm tại mức giá mà SCIC đưa ra. Động thái hạ giá lần này thể hiện mong muốn rút lui của phía SCIC tại doanh nghiệp hàng đầu của ngành dầu.
Theo công bố, Vocarimex đang sở hữu 7 lô đất với hình thức sở hữu là thuê của nhà nước từ 1 năm đến 50 năm làm trụ sở công ty, cửa hàng, phòng trưng bầy gồm: 1.173m2 tại số 58 Nguyễn Bỉnh Khiêm là chủ sở chính; 509,47m2 tại 138-142 Hai Bà Trưng, TP HCM; 334,9m2 tại số 8 Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội; 3.332,7m2 tại Nhà Bè; 124.044m2 trong đó có 118.425m2 tại 368 Gò Ô Môi, quận 7, TP HCM là Nhà máy dầu Voca; 29.668m2 tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch II, Đồng Nai và 452,5m2 tại Nguyễn Văn Của, quận 8, TP HCM.
Trên thị trường, cổ phiếu VOC đang giao dịch tại mức 20.500 đồng/cp, tăng 24% kể từ đầu tháng 11 tới nay nhưng đã giảm khá nhiều so với đợt tăng trước đó hồi tháng 8/2020. Như vậy, giá khởi điểm đấu giá cổ phần VOC thấp hơn thị giá.
Hiện, Vocarimex đang là "rào cản" cuối cùng của thương vụ sáp nhập giữa Dầu Tường An và Tập đoàn Kido. Do vậy, nếu xét về bên mua tiềm năng nhất hiện nay đối với phiên đấu giá của SCIC chỉ có Tập đoàn Kido bởi đây là công ty mẹ đang năm giữ 51% cổ phần tại Vocarimex.
Được biết tháng 5/2017, Kido đã hoàn tất mua vào 32,886 triệu cổ phiếu của Vocarimex nâng tỷ lệ sở hữu tại đơn vị này lên 51%. Thương vụ này giúp Kido trở thanh một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành dầu ăn Việt Nam khi có trong tay quyền chi phối, hoặc quyền kiểm soát các công ty lớn ở thị trường dầu ăn bởi Vocarimex là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành, có hệ thống các công ty con và công ty liên kết chiếm thị phần lớn trong ngành...
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa xuất hiện thông tin, thậm chí lời đồn nào về việc Kido hay một nhà đầu tư nào sẽ mua vào lượng cổ phần Nhà nước nói trên tại Vocarimex.
Minh Khuê