Bộ Xây dựng sẽ thoái toàn bộ cổ phần đang sở hữu tại Hancorp. |
Bộ Xây dựng dự kiến đưa gần 139,4 triệu cổ phần Hancorp ra bán đấu giá với giá khởi điểm 19.930 đồng/cp. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào 16/12/2020 tại HNX.
Hancorp là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, được thành lập tháng 12/1982. Tháng 3/2014, công ty thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng và tổ chức ĐHCĐ lần thứ nhất vào tháng 7/2016, chính thức hoạt động theo hình thức CTCP từ tháng 8/2014 với vốn điều lệ hơn 1.410 tỷ đồng. Kể từ khi cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo hình thức CTCP, Hancorp chưa thực hiện tăng vốn điều lệ.
Trong đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, Bộ Xây dựng đã đưa 49,74 triệu cổ phần Hancorp ra đấu giá với giá khởi điểm 10.200 đồng/cp. Tuy nhiên, phiên bán đấu giá thất bại nặng nề khi 203 nhà đầu tư tham gia đấu giá nhưng khối lượng đặt mua chỉ gần 1,6 triệu cổ phần, thu về hơn 16 tỷ đồng.
Đến nay, Bộ Xây dựng đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 98,83% vốn điều lệ công ty, tương ứng toàn bộ số cổ phần dự kiến mang ra đấu giá.
Trong khoảng một năm trở lại đây, cổ phiếu HAN giao dịch mờ nhạt trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu thậm chí có lúc giảm sâu đến 6.000 đồng/cp, nhưng từ đầu tháng 11 tới nay bất ngờ tăng mạnh.
Đặc biệt, ngay sau công bố của Bộ Xây dựng, HAN đã tăng liên tiếp 6 phiên. Hiện, cổ phiếu này đang có mức giá 19.000 đồng/cp, chỉ còn cách mức giá khởi điểm đấu giá gần 1.000 đồng/cp.
Theo ghi nhận, Hancorp chỉ mới công bố BCTC quý II/2020, theo đó, doanh thu thuần 6 tháng của công ty ghi nhận 831 tỷ đồng, giảm hơn 8% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chỉ đạt 2 tỷ đồng, nhưng vẫn tăng 11% so cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/6/2020, Hancorp có tổng tài sản 6.079 tỷ đồng, trong đó đầu tư tài chính dài hạn 885 tỷ đồng nhưng phải trích lập dự phòng gần 71 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn vẫn ở mức cao tới 2.468 tỷ đồng, trong đó trích lập tới 147 tỷ đồng.
Theo Công ty THNN Hãng kiểm toán AASC, riêng số dư công nợ phải thu chưa được đối chiếu, xác nhận của doanh nghiệp nằm tại khoản mục các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn là 370,8 tỷ đồng, giảm hơn 30 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2020.
Nợ phải trả của Hancorp tính tới 30/6/2020 là 4.436,7 tỷ đồng, tương ứng tỷ trọng 72,9% tính trên tổng nguồn vốn. Riêng giá trị vay nợ và thuê tài chính tăng gần 30% so với thời điểm đầu năm do doanh nghiệp tăng giá trị vay nợ dài hạn trong kỳ.
Trong khi đó, số dư tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp tại ngày 30/6/2020 giảm sâu từ 240,8 tỷ đồng xuống 150,8 tỷ đồng do tiền từ hoạt động kinh doanh âm 281,6 tỷ đồng.
AASC cho biết, tại thời điểm cuối quý II/2020, số công nợ phải trả chưa được đối chiếu gồm các khoản phải trả người bán ngắn hạn, người mua trả tiền trước ngắn hạn, chi phí phải trả ngắn hạn và phải trả ngắn hạn khác là 270,6 tỷ đồng.
Với số vốn điều lệ tại ngày 30/6/2020 là 1.410 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Hancorp là 3,14 lần. Thực tế này sẽ đặt ra những thách thức cho Hancorp trong việc thanh toán nợ đến hạn nếu chủ đầu tư chậm thanh toán hoặc tình hình sản xuất kinh doanh không thuận lợi.
L.L