Kể từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường chứng khoán đã chứng kiến con sóng lớn của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, trong đó điển hình nhât là cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Itaco).
Trong giai đoạn từ 25/5-5/6, ITA chỉ ghi nhận duy nhất 1 phiên điều chỉnh ngày 2/6 còn lại là tăng trần ghi nhận mức tăng 77,1% từ mức giá 2.620 đồng/cp lên 4.460 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh luôn đứng đầu thị trường và còn dư mua tại giá trần hàng triệu đơn vị.
Giải mã tăng trưởng
Thực tế, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp luôn giữ được đà tăng trưởng trong suốt những tháng đầu năm 2020 ngay cả khi thị trường "đỏ lửa" vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, phải đến đầu tháng 4 mới thật sự nổi sóng cùng với đà tăng trưởng của thị trường.
Theo đó, nếu tính từ đầu tháng 4 thì ITA đã tăng gần 135% từ mức giá 1.900 đồng/cp. Ngoài ITA, những cổ phiếu khác trong ngành cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, vượt trội so với thị trường chung như cổ phiếu KBC của CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc cũng ghi nhận mức tăng gần 30%; cổ phiếu NTC của CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên tăng 45,5%; cổ phiếu BCM của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) tăng 54,1%; nhóm cổ phiếu Sonadezi cũng ghi nhận mức tăng trung bình 50%...
Hầu hết các cổ phiếu trong nhóm khu công nghiệp đều đã vượt định tháng 8/2019 (Ảnh: Internet) |
Nhìn vào diễn biến này ít ai có thể nghĩ được rằng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008-2009 bất chấp hàng loạt cổ phiếu đã hồi phục mạnh mẽ, vượt đỉnh 10 năm thì cổ phiếu nhóm ngành khu công nghiệp vẫn lặng sóng. Giá hàng loạt cổ phiếu của ngành chưa từng quay trở lại thời kỳ từng là "hàng hiệu" được nhà đầu tư săn đón.
Lý giải về sự tăng trưởng mạnh của nhóm cổ phiếu bất động sản, CTCK VNDrirect cho biết động lực chính là do kỳ vọng từ việc các nhà máy đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển khỏi Trung Quốc, đặc biệt sau dịch Covid-19.
Bởi các tập đoàn toàn cầu nhìn nhận được hậu quả của sự phụ thuộc quá lớn vào một quốc gia, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế, công nghệ và công nghiệp nặng là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất buộc họ phải thay đổi chiến lược.
Do đó, các tập đoàn thực hiện chiến lược Trung Quốc +1, trong đó với lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân công giá rẻ cùng chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến phù hợp trong chiến lược dịch chuyển này.
Thực tế, xu thế chuyển dịch vẫn đang ở mức khá thấp nhưng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp vẫn có những dấu hiệu khởi sắc nhất định, nhất là trong quý đầu năm 2020 bất chấp việc dịch bệnh khiến nhiều ngành khác lao đao.
Có thể kể điến như Itaco ghi nhận khoản lợi nhuận 25 tỷ đồng trong quý I/2020, tăng trưởng 341% so với cùng kỳ; Nam Tân Uyên lãi 85,3 tỷ đồng tăng 22% so với cùng kỳ; Long Hậu báo lãi 63,2 tỷ đồng tăng trưởng 15%...
Thiếu sự chắc chắn
Việc Việt Nam là điểm đến an toàn để đầu tư đã được nhiều chuyên gia cũng như chính các nhà đầu tư nhận định. Tuy nhiên, việc có cơ hội và tận dụng được lợi thế ngành để đạt được thành quả hay không lại là câu chuyện khác.
Thực tế, trong quý I vừa qua không phải doanh nghiệp kinh doanh khu công nghiệp nào cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt so với cùng kỳ như trường hợp của Becamex.
Là một doanh nghiệp đang sở hữu quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn nhất với hơn 1.400ha, chiếm 10% diện tích đất khu công nghiệp cả nước tập trung chủ yếu tại Bình Dương với 7 khu công nghiệp nhưng Becamex lại kết thúc quý I/2020 bằng lợi nhuận sụt giảm 48% so với cùng kỳ đạt 311 tỷ đồng, ghi nhận quý thâos nhất kể từ năm 2018 đến nay.
Đáng chú ý, tính tới 31/3/2020, Becamex đang có nợ vay chiếm 51% tổng nợ phải trả ghi nhận 14.386 tỷ đồng. Ngoài các khoản vay tại tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư, Becamex còn ghi nợ trái phiếu dài hạn hơn 2.140 tỷ đồng.
Tương tự Becamex, Tín Nghĩa cũng là doanh nghiệp có tổng nợ vay (bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn) lên tới gần 3.890 tỷ đồng, chiếm hơn 39% tổng nợ phải trả.
Ngay cả những doanh nghiệp báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh cũng có vẫn còn nhiều điều đáng lưu ý. Dẫn ví dụ trường hợp của Nam Tân Uyên khi kết quả tăng trưởng chủ yếu dựa vào hoạt động tài chính chứ không đến từ hoạt động cốt lõi.
Trong khi đó, doanh thu tài chính khởi sắc của Nam Tân Uyên một mặt đến từ lãi tiền gửi tăng 44% so với quý I/2019, đạt 33,8 tỷ đồng; mặt khác là nhờ cổ tức được chia tăng 19,2% so với cùng kỳ, đạt 43,5 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, hoạt động kinh doanh của Nam Tân Uyên được dự báo sẽ phải đối mặt với những thách thức, một mặt là rủi ro dự án Nam Tân Uyên 3 có thể chậm tiến độ ghi nhận so với kế hoạch nếu các thủ tục pháp lý, đầu tư bị chậm trễ. Thứ 2 là nguy cơ lợi nhuận từ hoạt động tài chính có thể giảm khi dòng tiền công ty phải chi ra năm nay là rất lớn.
Hiện, thị giá cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp kinh doanh khu công nghiệp hầu hết đều đã vượt đỉnh sóng ngành xác lập được hồi tháng 8/2019. Việc tiếp tục mua vào ở vùng giá đỉnh có thể là rủi ro lớn cho nhà đầu tư khi thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Trước đó, tại phân tích của một vài công ty chứng khoán cũng khuyến nghị, đối với bất kỳ nhóm cổ phiếu nào sau giai đoạn thăng hoa thường sẽ là giai đoạn thoái trào nhất là đối với những ngành tiềm năng chưa rõ ràng như khu công nghiệp.
Linh Đan