Sau khoảng thời gian chao đảo với những thông tin xấu hồi tháng 4/2018, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai đã nhanh chóng bị đẩy lùi về mức dưới mệnh giá và duy trì trong nhiều tháng qua.
Tính tới phiên giao dịch ngày 27/9, cổ phiếu QCG đang giao dịch tại mức giá 8.540 đồng/cp, giảm gần 4% so với tuần giao dịch trước đó và giảm 72% so với mức đỉnh.
Nhiều tin xấu
Đà trượt dốc của cổ phiếu QCG bắt nguồn từ sự việc công ty Tân Thuận đã bán 32,5ha đất tại xã Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai với giá 419 tỷ đồng, tương đương 1,29 triệu đồng/m2 bị phanh phui. Mức giá này được cho là thấp hơn nhiều mặt bằng thị trường và gây thiệt hại cho ngân sách 2.400 tỷ đồng.
Ngay sau đó, Ban Thường vụ Thành ủy Tp.HCM không đồng ý việc bán chỉ định đối với dự án này và yêu cầu công ty Tân Thuận phải đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng. Đồng thời, chỉ đạo xem xét giải quyết việc thực hiện chuyển nhượng đúng quy định của pháp luật.
Ngay sau khi quyết định này được đưa ra, cổ phiếu QCG liên tục bị nhà đầu tư bán tháo, giảm sàn nhiều phiên liên tiếp từ mức giá 13.400 đồng/cp xuống 9.400 đồng/cp và luôn trong tình trạng trắng bên mua.
Thậm chí, có thời điểm, thị giá của QCG đã xuống mức giá dưới 8.000 đồng/cp trong quý II/2018, đây cũng là thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh sau khoảng thời gian tăng nóng hồi đầu năm.
“Vận hạn” chưa buông tha Quốc Cường Gia Lai khi tháng 8 vừa qua, UBND Tp. Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu tạm ngừng cấp phép xây dựng và chuyển nhượng bất động sản tại Tổ hợp Khu dân cư Thương mại – Dịch vụ đường 2 Tháng 9, quận Hải Châu do Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa đầu tư hệ thống cung cấp điện cho dự án.
Mặc dù Quốc Cường Gia Lai cho biết sẽ khắc phục thiếu sót trong thời gian sớm nhất nhưng cũng không khiến cổ phiếu QCG “thoát nạn”. Tại thời điểm đó, QCG đã giảm mạnh từ mức giá 8.890 đồng/cp về mức 8.430 đồng/cp.
Ngoài những thông tin “bê bối” liên quan đến các dự án, tình hình kinh doanh của “đại gia phố núi” này cũng không mấy khả quan khi sụt giảm mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận trong nửa đầu năm 2018.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2018, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận 437 tỷ đồng doanh thu, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2017; lợi nhuận sau thuế đạt 43,2 tỷ đồng, giảm 81,1%. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 6 tháng đầu năm đạt 141 đồng, trong khi cùng kỳ là 831 đồng.
Năm 2018, Quốc Cường Gia Lai đặt kế hoạch lãi trước thuế 320 tỷ đồng, nên với kết quả thực hiện như trên, công ty mới hoàn thành gần 17% chỉ tiêu đề ra.
Chắc hẳn những nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu QCG đều không lạ lẫm với lịch sử “thất hứa” của “đại gia” này trong nhiều năm qua. Điều đó khiến cổ phiếu QCG dù thanh khoản vẫn ổn định nhưng khó bứt phá về thị giá.
Diễn biến giá cổ phiếu QCG 3 tháng gần nhất |
Không “bay cao” nhưng sẽ ổn?
Theo nhận định của các nhà đầu tư, trong khi những doanh nghiệp “đồng trang lứa” như CEO, SCR, KBC… đều đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt, đánh dấu sự “trưởng thành” thì QCG vẫn là “đứa trẻ mãi không chịu lớn”.
Xuất hiện trên thị trường chứng khoán từ khá sớm nhưng QCG lại thường xuyên giao dịch dưới mệnh giá. Thậm chí có thời điểm QCG bị đẩy xuống mức dưới 3.000 đồng/cp và giao dịch tại mức giá này trong một khoảng thời gian khá dài.
Thông thường, giá cổ phiếu chật vật ở mức thấp trong khoảng thời gian dài không chỉ phản ánh tác động khách quan của cung – cầu thị trường, mà còn phản ánh những vấn đề nội tại của doanh nghiệp.
Thực tế, nguyên nhân chính của sự ì trệ trong kết quả kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai là do doanh nghiệp luôn chậm trễ trong việc bàn giao căn hộ cho khách hàng khiến doanh thu giảm mạnh.
Hầu hết những dự án này đều bị chậm tiến độ do vướng phải nhiều khó khăn, mắc về thủ tục cũng như công tác giải phóng mặt bằng.
Do đó, với diễn biến như hiện tại, giới đầu tư tỏ ra lo ngại với mức giá “trà đá” được Quốc Cường Gia Lai “duy trì” trong nhiều năm sẽ sớm quay trở lại.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia chứng khoán, việc bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu cùng kết quả kinh doanh không khởi sắc đã ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong thời gian qua, nhưng chính vì điều này sẽ khiến cổ phiếu khó rơi tiếp.
Bởi lẽ, khi các cổ đông đã thích nghi với những thông tin tiêu cực của doanh nghiệp thì sẽ hình thành tâm lý bình tĩnh trước những biến cố . Hơn nữa, vấn đề của Quốc Cường Gia Lai cũng chỉ xoay quanh các dự án cũ, chủ yếu là “đứa con tinh thần” Phước Kiển.
Hiện chưa có thông tin gì mới xung quanh dự án này, nhưng với quyết tâm tiếp tục theo đuổi dự án Phước Kiển và dồn 50% nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ của lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông cũng có thể lạc quan về tương lai không xấu của khoản đầu tư.
Hơn nữa, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch HĐQT công ty, cũng cho biết,Quốc Cường Gia Lai sẽ mở rộng địa bàn hoạt động. Ngoài quỹ đất hiện có tại Tp.HCM, Đà Nẵng, công ty tiếp tục mở rộng thị trường, tạo quỹ đất tại quận 2, quận 7, quận 9, Vũng Tàu… với những dự án có vị trí đắc địa, quỹ đất sạch, đồng thời mở rộng phân khúc kinh doanh.
Tại thời điểm hiện tại, kỳ vọng “bay cao” của QCG có lẽ là chưa có cơ sở, nhưng hoàn toàn có thể nhận định Quốc Cường Gia Lai sẽ ổn, tuy nhiên để chắc chắn vẫn cần chính lãnh đạo của Quốc Cường Gia Lai lên tiếng.
Linh Đan